28/12/2011 - 16:54

Một số trường hợp vi phạm tác quyền trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học

Quyền tác giả theo luật định là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sở hữu. Tác phẩm được bảo hộ theo quyền nầy là các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học. Trong bài viết nhỏ nầy, chúng tôi đề cập đến những vấn đề xung quanh quyền tác giả đối với tác phẩm loại biên khảo, nghiên cứu, phê bình văn hóa và văn học.

1.Một số trường hợp vi phạm tác quyền đã công bố

Sự việc đã trôi qua theo năm tháng, cả người vi phạm và người bị vi phạm tác quyền đều đã khép lại vấn đề. Chúng tôi nhắc lại chuyện cũ không nhằm mục đích phê phán hay bênh vực con người cụ thể nào nên đã lượt bỏ tên nhân vật có liên quan. Song, ở một vài câu có tên người là do người viết trích dẫn nguyên văn nên không thể cắt bỏ được.

Hiện tượng vi phạm quyền tác giả đã và đang diễn ra khá phức tạp trên các lãnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học. Riêng trong phạm vi tác phẩm biên khảo, nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn học việc vi phạm tác quyền diễn ra cũng đa dạng. Chúng tôi xin được nêu một vài trường hợp cụ thể sau đây.

Trường hợp thứ 1. Đăng bài không xin phép người viết

Một Nhà xuất bản lấy bài viết của một tác giả trên tạp chí in lại trong một cuốn sách, sửa chữa nội dung bằng cách thêm bớt 123 từ, không xin phép và không trả nhuận bút cho người viết (1). Việc không xin phép tác giả, không trả nhuận bút là sai trái không có gì phải bàn. Vấn đề là ở chỗ Ban biên tạp cuốn sách đã tự ý thêm bớt 123 từ vào nội dung bài viết. Đây là việc mà Ban biên tập các tạp chí, báo thường làm đối với bài viết của cộng tác viên bằng niềm tin (có chút kiêu hãnh) rằng như vậy bài viết sẽ hay hơn, hoàn hảo hơn ! Thông thường, để “dĩ hòa vi quí” đa số cộng tác viên đều im lặng trong trường hợp những thêm bớt ấy chưa đến nỗi phương hại tới ý đồ tác giả. Dĩ nhiên có trường hợp câu chữ của tác giả không ổn nên việc sửa chữa ấy là cần thiết. Song, có trường hợp Ban biên tập chỉ thay chữ “ Ư ” bằng chữ “” lại làm tác giả nao lòng. Khi viết về ca dao Nam bộ, chúng tôi đã trích dẫn dòng ca dao:

“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn”

Ban biên tập sửa lại thành: “Chèo ghe sợ sấu cắn chân”. Chính cái chữ “chân” tai hại ấy làm cho phong vị bình dân phương Nam của dòng ca dao nhạt nhòa ! Nếu viết như vậy thì chính tôi đã trở thành “khách lạ” tại quê nhà. Hay tôi đã học đòi cái văn minh nơi phồn hoa đô hội mà “làm bộ làm tịch” với anh ba, chị bảy đã một thời dẫn tôi đi bắt cua, hái bông súng trong đồng nước nổi?

Trường hợp thứ 2. lấy bài viết người khác đổi tựa đề rồi đăng

Một nhà giáo đã từng viết bài bình thơ Bác Hồ, tựa đề là Ngắm trăng (cũng là tựa của bài thơ) đăng trên báo Văn Nghệ, sau đó in trong tuyển tập Những vẻ đẹp thơ. Lần in sau người viết thêm một chi tiết là năm khởi thảo bài bình thơ (năm 1970).Tác giả đã mất năm 1999. Biên tập viên một tạp chí đã tự ý đăng lại bài bình thơ nói trên vào năm 2005 với nhan đề “Đọc lại bài thơ Ngắm trăng...”, đổi tên tác giả (lại chính là bút danh của tác giả bài viết mà hầu như đã đi vào quên lãng), bỏ con số 1970 cuối bài viết (2). Như vậy, biên tập viên có tính toán trước: ông ta chọn một bút danh mà chính tác giả bài viết đã một lần sử dụng để đối phó với việc vi phạm tác quyền. Và rất có khả năng người làm việc nầy đã có ý định nhận nhuận bút.

Trường hợp thứ 3. Trích toàn văn bài viết khác quan điểm với mình để phê bình

Cả hai nhà nghiên cứu đều viết về Truyện Kiều, nhà nghiên cứu nầy trích nguyên văn các bài viết của nhà nghiên cứu kia để phê bình. Tòa án sơ thẩm tuyên đây là trường hợp vi phạm tác quyền vì trích toàn bộ bài viết người khác mà không có sự đồng ý của tác giả. Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm lại tuyên, trường hợp nầy không vi phạm quyền tác giả. Và theo luật sư biện hộ: “Bởi lẽ, với tiêu đề quyển sách là “Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và thảo luận” thì phải trích nguyên văn để có chứng cứ cụ thể chứng minh cho việc nghiên cứu và thảo luận. Ông Tôn đã phải trích nguyên văn bài và chỉ ra 82 lỗi không trung thực và non kém về mặt chuyên môn của ông Tuân. Đại diện cho ông Tôn, Luật sư Cảnh cũng khẳng định việc làm của ông Tôn chỉ nhằm mục đích tập hợp lại những bài viết xung quanh Truyện Kiều để nhằm dành cho bạn đọc một cái nhìn đúng hướng với nhiều quan điểm, thái độ khác nhau về tác phẩm chứ ông Tôn không nhằm mục đích kinh doanh” (3), (4).

Chúng tôi băn khoăn về trường hợp vừa nêu nhưng xin được nhường lời cho các nhà làm luật cũng như những chuyên gia nghiên cứu luật Sở hữu trí tuệ phán xét.

2.Hiện tượng “lấy ý tưởng” người khác.

Tình trạng “lấy ý tưởng” của người khác trong các bài biên khảo, nghiên cứu, phê bình theo chúng tôi là khá phổ biến hiện nay. Người viết không hề trích nguyên văn mà dựa vào ý tưởng của một hoặc nhiều bài viết khác rồi diễn đạt lại bằng văn của mình. Người ta hay nói vui, đó là trường hợp “tư tưởng lớn gặp nhau” hoặc vin vào cái cớ là hiện thực như thế không thể nói khác đi (thường xảy ra đối với công trình biên khảo). Trong lĩnh vực triết học, từ xa xưa rõ ràng là các nhà tư tưởng đôi khi gặp nhau ở một điểm nào đó trong thế giới quan và nhân sinh quan. Do vậy mà chính cổ nhân cũng đã phát hiện ra “Tam giáo đồng nguyên” hoặc “Tam giáo đồng quy” khi nói về Nho, Phật, Lão. Nhưng quan trọng hơn, nhìn đại thể nét riêng của ba học thuyết nầy đủ để chúng tồn tại suốt mấy ngàn năm qua. Ngày nay khi hai hay nhiều nhà nghiên cứu cùng viết về một tác phẩm văn chương cũng thường gặp nhau ở cơ sở lý luận, nghĩa là cùng một điểm xuất phát để từ đó khen hoặc chê. Nhưng vấn đề không phải chỗ đó mà ở chỗ anh nầy cứ khen (hoặc chê) đúng những chi tiết mà người kia đã dày công tìm tòi rồi chỉ ra. Những bài viết dạng nầy thường chỉ đăng được ở các tờ báo “không chuyên”, nghĩa là trang phê bình nghiên cứu chỉ là phần nhỏ để cho tờ báo “có nếp có tẻ”. Một mặt, nếu cố tìm bài viết hay hơn thì không có, mặt thứ hai, có trường hợp chính Ban biên tập cũng không biết những vấn đề trong bài viết đã ở tình trạng “biết rồi, nói mãi” vì họ không nắm bắt hết lượng thông tin chuyên môn đã công bố. Tình hình ở các tạp chí chuyên ngành có khác. Ở đó, Ban biên tập biết tận dụng trí tuệ của một đội ngũ chuyên gia theo dõi từng bước đi của quá trình nghiên cứu phê bình, của số phận tác phẩm. Cho nên nếu bài viết của ai đó “không có gì mới” là họ biết ngay. Viết cho tạp chí chuyên ngành khó thậm chí là rất khó là do thực tế nầy qui định. Khi bài viết được đăng có nghĩa là tác giả của nó đã “trình làng văn” một đứa con tinh thần, một công trình sáng tạo thật sự và đó là một đóng góp cho sự phát triển của khoa học.

Nói chung, “lấy ý tưởng” người khác viết lại trong bài nghiên cứu của mình, một hiện tượng có thể coi là “vi phạm tác quyền” nhưng chưa phạm luật vì hầu như hiện tượng nầy rất khó kiểm soát. Hơn nữa, họ cũng chưa sử dụng các bài viết như vậy vào mục đích kinh doanh. Nhưng rõ ràng, đây là điều không nên làm của người cầm bút, càng không nên đối với nhà khoa học. Theo thông lệ bấy lâu nay, chỉ cần tác giả bài viết kê khai tài liệu mà mình tiếp thu ý tưởng trong “Thư mục tham khảo” thì được giới học thuật chấp nhận. Cho nên nhiều người lợi dụng qui tắc ứng xử nầy để cho ra đời các công trình chỉ mang tính chất “xào nấu lại”.

3.Lòng tự trọng của người cầm bút.

Trước các hiện tượng vi phạm tác quyền, chúng tôi đã nghĩ đến “nguyên nhân và giải pháp” của vấn đề. Tuy nhiên phạm vi bài viết nầy cũng như điều kiện nghiên cứu, khảo sát, thời gian… chưa cho phép chúng tôi phân tích một cách khả dĩ chấp nhận được nguyên nhân và đề ra giải pháp một cách thuyết phục. Ở đây xin nêu một vài cảm nhận.

Viết nghiên cứu phê bình là cảm nhận cái hay cái đẹp của văn chương đồng thời chỉ ra cái (mà theo nhận xét của người viết) chưa đặc sắc của tác phẩm. Làm được điều nầy là góp phần vào công việc đánh giá văn chương ngỏ hầu thúc đẩy văn chương phát triển. Nhưng các trường hợp vi phạm quyền tác giả dường như đã bị kéo lệch sang mục đích lợi ích vật chất (nhuận bút hoặc kinh doanh sách) hoặc đi tìm kiếm danh vọng (khẳng định mình đúng, có tri thức còn người khác sai, non kém). Nói tóm lại, nó cũng quanh quẩn ở chổ lợi và danh. (mục đích)

Còn nguyên nhân dẫn đến vi phạm thì phức tạp hơn nhiều. Có thể người ta chưa thật sự hiểu về luật sở hữu trí tuệ, về quyền tác giả. Cũng có thể vì các yếu tố khác tác động dẫn đến vi phạm, chẳng hạn đó là tâm lý của người sở hữu tác phẩm. Do một thời gian dài nhuận bút của các bài phê bình là không đáng kể nên bài viết được đăng trước hết là mang lại niềm vui cho người viết (xuất phát từ ý thức về danh dự và niềm đam mê văn chương). Rồi bài viết ấy được nhà nghiên cứu khác in lại trong tuyển tập lại là một danh dự lớn hơn. Người ta chẳng những không thắc mắc về tác quyền mà còn thấy rằng bài viết của mình đã được “ông/bà ấy” đánh giá cao. Người làm công tác sưu tập nắm bắt được tâm lý nầy nên phớt lờ việc xin phép và trả nhuận bút (vốn khá phiền phức). Đã có những lời tựa tuyển tập nói đại loại là do điều kiện khó khăn, thời gian gấp rút nên không liên lạc được với các tác giả bài viết, kính mong được thông cảm…Nguyên nhân khá phổ biến (cũng như mục đích đã nói ở trên) của vệc “lấy ý tưởng” người khác lại là nguyên nhân gắn với “cơm áo gạo tiền” từ phía người cố tình vi phạm. Họ làm công việc “xào nấu lại” bài viết của người khác là do sự thúc ép của việc kiếm tiền bằng nghề viết. Những bài viết kiểu nầy thường đăng ở các báo địa phương, do phạm vi phổ biến của tờ báo tương đối hẹp nên tác giả bài viết có thể “nín thở qua sông”. Khi đã qua sông được rồi thì mọi việc coi như trót lọt vì ít khi các nhà chuyên môn quan tâm. Trong khi những đọc giả không chuyên môn thì khó nhận ra nhược điểm của bài viết.

Việc còn lại là giải pháp ngăn chặn hiện tượng vi phạm quyền tác giả. Thực hiện nghiêm luật sở hữu trí tuệ, tuyên truyền phổ biến luật, xử phạt để răn đe….là công việc của các cơ quan chức năng. Ở đây chúng tôi muốn nhắc tới một điều khá tinh tế, đó là lòng tự trọng của kẻ sĩ. Làm thế nào để nhắc nhở (đánh thức?) ý thức về lòng tự trọng mà người cầm bút nào cũng có. Dường như gánh nặng áo cơm làm cho ý thức ấy trong một bộ phận người viết bị xoáy mòn. Phải chăng nghề viết phê bình, nghiên cứu chỉ dành riêng cho các nhà khoa học thật sự. Bởi giá trị bài viết của họ được tính vào chỗ khác rất lớn mà không thể đem so sánh với nhuận bút được. Thật ra, công việc nầy từ xưa chỉ dành cho người tìm thú vui tao nhã trong văn chương, người sử dụng văn chương theo phương châm “văn dĩ tải đạo”.


Tóm lại, qua một số trường hợp vi phạm tác quyền trong lãnh vực nghiên cứu phê bình văn học chúng tôi thấy rằng nguyên nhân vi phạm và giải pháp khắc phục đều ít nhiều liên quan đến bộ phận biên tập, xuất bản. Một Ban biên tập đủ bản lĩnh chuyên môn, có ý thức tôn trọng tác quyền sẽ là nhân tố quan trọng làm giảm thiểu tình trạng vi phạm quyền tác giả.

TVN

Chú thích:

(1)Lê Nga, Xét xử phúc thẩm vụ vi phạm quyền tác giả, Vietbao.vn,11.12. 2005
(2) Ngô Tân, Có hay không việc vi phạm quyền tác giả tại Hội VHNT Hà Tây? Vietbao.vn, 17.9.2005,
(3) Trần Thanh, Phiên tòa giữa hai nhà văn: Bên thất vọng, bên chưa hài lòng!, Vietbao.vn, 27.12. 2006
(4) Thiên Lam, Ông Đào Thái Tôn không vi phạm quyền tác giả, Vietbao.vn, 14.6. 2007

Chia sẻ bài viết