14/03/2014 - 15:30

Một số điều cần quan tâm khi trẻ tiểu dầm

Đứa bé nào cũng trải qua giai đoạn tiểu dầm. Ảnh minh họa. Ảnh: Anh Sơn

Nhiều bậc phụ huynh bối rối, không biết xoay xở cách nào khi trẻ bỗng dưng… tiểu dầm. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân trẻ tiểu dầm, giải thích, động viên trẻ về hậu quả của việc tiểu dầm; đồng thời, kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đạt hiệu quả.

Khoảng 2 tuần nay, bé Bi, con trai 6 tuổi của chị Kiều Phương (ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều) bỗng dưng mắc chứng bệnh tiểu dầm, mặc dù từ sau 3 tuổi cháu đã qua khỏi giai đoạn ẩm ướt. Theo chị Phương, bé Bi rất hiếu động, ban ngày chạy nhảy nhiều, có lẽ đó là nguyên nhân khiến bé ngủ say đến nỗi tiểu dầm ban đêm.

Theo các chuyên gia y tế, tiểu dầm là sự rỉ nước tiểu không kiểm soát vào lúc ngủ xảy ra ở trẻ đã có khả năng kiểm soát được việc tiểu tiện (khoảng từ 4 đến 5 tuổi). Tiểu dầm có thể xảy ra vào ban ngày hoặc ban đêm. Có hai dạng tiểu dầm ban đêm là tiểu dầm nguyên phát và tiểu dầm thứ phát. Tiểu dầm nguyên phát là khi trẻ tiểu dầm liên tục và không có lúc nào ngưng tiểu dầm trong khoảng thời gian hơn 6 tháng. Tiểu dầm thứ phát là khi trẻ có khoảng thời gian ngưng tiểu dầm ít nhất 6 tháng, sau đó bị tiểu dầm trở lại. Nguyên nhân trẻ tiểu dầm thường do các biến cố về tâm lý trong cuộc sống hàng ngày như: Mẹ mới sinh em bé, trẻ bị cách ly giữa cha và mẹ, hay việc mất mát người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, nguyên nhân của việc trẻ tiểu dầm còn có yếu tố gia đình, do ảnh hưởng bởi cha hay mẹ bị tiểu dầm hoặc cả hai. Trẻ có cha hay mẹ bị tiểu dầm có xác suất bị tiểu dầm cao hơn trẻ khác. Ngoài ra còn do nguyên nhân trẻ thiếu hormone kháng bài niệu ADH (Antidiuretic hormone). Các trẻ bị tiểu dầm có thể do thiếu loại hormone ADH về ban đêm. Loại hormone này có tác dụng tái hấp thu nước ở ống thận. Nếu thiếu sẽ làm thận tăng sản xuất một lượng nước tiểu trong lúc ngủ, gọi là đa niệu về đêm.

Ngoài ra, nguyên nhân gây tiểu dầm còn do rối loại chức năng bàng quang, dung tích bàng quang nhỏ hay cơ chóp bàng quang tăng hoạt động. Bên cạnh đó, trẻ tiểu dầm còn do nguyên nhân rối loạn phản xạ thức giấc để đi tiểu. Ở nhiều trẻ tiểu dầm, có thể sự kết hợp giữa bàng quang và các tín hiệu phát ra từ não còn chưa ở độ chín muồi. Trẻ tiểu dầm thường ngủ rất say. Sự kích thích của bàng quang đã tích đầy nước nhưng không đủ chín muồi để đánh thức trẻ dậy đi tiểu. Hoặc nguyên nhân thói quen uống nước sai. Một số trẻ bị tiểu dầm hầu như từ sáng đến trưa uống rất ít nước, bắt đầu từ trưa đến chiều mới bắt đầu uống với lượng nước cần thiết cho cả ngày. Tiểu dầm tưởng chừng là việc bình thường ở trẻ nhỏ nhưng thực sự, hầu hết trẻ rất xấu hổ về việc tiểu dầm và nhiều trẻ còn cảm thấy có lỗi vì đã gây gánh nặng cho ba mẹ. Các cháu thường không dám tham dự các cuộc tham quan xa vì sợ bạn bè trêu chọc, có tâm lý mặc cảm tự ti, giảm mức độ hòa nhập xã hội.

Trẻ tiểu dầm không phải phạm lỗi nên phụ huynh không nên chọc ghẹo hay la mắng, trách phạt trẻ mà nên giải thích cho trẻ biết rằng, nhiều trẻ khác cũng gặp phải vấn đề tương tự, để trẻ không thấy bị đơn độc. Cha mẹ cần quan tâm thái độ tự ti của trẻ; hỗ trợ, động viên tinh thần trẻ thường xuyên; gần gũi, cởi mở với trẻ về việc tiểu dầm và bệnh này có thể điều trị được. Bên cạnh đó, giúp trẻ lập thời khóa biểu về thời gian đi tiểu và uống nước, nhắc nhở trẻ đi tiểu trước khi ngủ. Trẻ cần hạn chế uống nước, sữa hay chất lỏng, thức ăn có cafein vào buổi chiều tối; hướng dẫn trẻ đến phòng vệ sinh ban đêm, cách mở đèn hành lang và phòng vệ sinh… Cha mẹ kịp thời khen thưởng và khuyến khích trẻ vào đêm trẻ không tiểu dầm. Khi trẻ tiểu dầm thường xuyên, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ dọn dẹp và giặt khăn trải giường vào sáng mai thức dậy. Cha mẹ không nên ép buộc trẻ trên 5 tuổi mặc tã khi ngủ, sẽ làm trẻ mất tự tin và xấu đi hình ảnh của trẻ.

Để điều trị chứng tiểu dầm ở trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán, xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị phù hợp. Đa phần trường hợp tiểu dầm có thể điều trị khỏi, nên các bậc cha mẹ cho trẻ điều trị sớm vì trẻ càng lớn thì tình trạng tiểu dầm càng nặng và khó điều trị.

Hải Tiến

Chia sẻ bài viết