16/11/2017 - 15:18

Một nửa tài sản thế giới nằm trong tay 1% dân số 

Theo một báo cáo vừa công bố của ngân hàng Credit Suisse, 1% những người giàu nhất thế giới hiện sở hữu hơn một nửa số tài sản toàn cầu. Số liệu này làm nổi bật lên khoảng cách ngày một gia tăng giữa nhóm dân số siêu giàu và nhóm dân số còn lại của thế giới.

Cụ thể, báo cáo công bố hôm 14-11 của Credit Suisse cho biết tỷ lệ tài sản mà 1% người giàu nhất thế giới nắm giữ trong tổng tài sản toàn cầu đã tăng lên 50,1% vào năm 2017 - tức đạt 140 nghìn tỉ USD, so với mức 42,5% vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trẻ em thiếu đói ở châu Phi.

Sự gia tăng tài sản trong nhóm những người vốn rất giàu có đã dẫn tới việc tạo ra thêm 2,3 triệu triệu phú đôla mới trong năm ngoái, nâng tổng số triệu phú toàn cầu lên 36 triệu người. “Số lượng triệu phú giảm trong năm 2008 đã phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và hiện nay tăng gần gấp 3 lần con số năm 2000” - Credit Suisse cho biết. Các triệu phú chiếm chỉ 0,7% dân số trưởng thành của thế giới nhưng lại sở hữu tới 46% tổng tài sản toàn cầu, hiện ở mức 280 nghìn tỉ USD. Trong đó, hơn 2/5 số triệu phú thế giới sống tại Mỹ, 7% sống ở Nhật và 6% sống ở Anh.

Đáng chú ý là trong khi nhóm triệu phú toàn cầu đã tăng đáng kể, thì số cá nhân có tài sản ròng siêu cao (những người có tài sản từ 50 triệu USD trở lên-UHNWI) thậm chí còn tăng nhanh hơn. “Số lượng triệu phú đã tăng khoảng 170% kể từ năm 2000, trong khi số lượng UHNWI tăng gấp 5 lần”-báo cáo cho biết. Dù đa số UHNWI mới đến từ Mỹ, nhưng 22% đến từ các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong khi đó, 3,5 tỉ người nghèo nhất trên thế giới (những cá nhân có tài sản dưới 10.000 USD) chiếm đến 70% số dân trong độ tuổi lao động của thế giới, nhưng lại chỉ sở hữu 2,7% tổng tài sản toàn cầu. Theo báo báo của Credit Suisse, phần lớn người nghèo sống ở các nước đang phát triển, với hơn 90% số người lớn tại Ấn Độ và châu Phi có tài sản ít hơn 10.000 USD.

Cơ quan viện trợ quốc tế Oxfam (Anh) nhận định, nghiên cứu mới từ Credit Suisse cho thấy các chính trị gia cần phải làm nhiều hơn nữa để xử trí “hố sâu to lớn” giữa người giàu và người nghèo thế giới.

NGUYỆT CÁT (Theo Guardian, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết