18/11/2017 - 13:48

Bà Trần Thị Miên, nguyên Quận ủy viên quận II, thành phố Cần Thơ:

Một lòng kiên trung theo Đảng và Bác Hồ 

Bà Trần Thị Miên kể lại những kỷ niệm khó quên thời chiến tranh.  

Tôi sinh ra trong gia đình đông anh chị em, nghèo khó, sống bằng nghề đan chiếu lác ở ấp Thới Thạnh, xã Thới An Đông (nay thuộc phường Trà Nóc, quận Bình Thủy). Lớn lên ở vùng quê có truyền thống cách mạng, từ  năm 15 tuổi (1951), tôi đã nhận nhiệm vụ giao liên, bảo vệ cán bộ, bộ đội của xã, chủ yếu mang cơm nước, báo tin, phục vụ cho các cuộc họp… Năm 18 tuổi, tôi được phân công phụ trách thanh thiếu niên nhi đồng và làm công tác an ninh mật. Khi địch thi hành Luật 10-59, tình hình hết sức  ác liệt, tôi rút vào hoạt động bí mật.

Không sợ hiểm nguy

Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, tôi thoát ly gia đình đi kháng chiến, được phân công  làm trưởng ban vận động phụ nữ và vận động quần chúng đấu tranh chính trị. Tháng 2 -1960 tôi được kết nạp Đoàn và 6 tháng sau được kết nạp Đảng. Trong giai đoạn này, tôi được Chi bộ phân công lãnh đạo cuộc đấu tranh tập trung quy mô lớn tại quận Ô Môn. Đợt này, chúng bắt khoảng 70 người. Tôi bị địch đưa vào phòng điều tra đặc biệt, trói hai tay ra phía sau, rút dây lên cao, đánh “chết đi sống lại”… Không khai thác được gì, khoảng 10 ngày sau, chúng chuyển sang tra tấn tôi bằng roi điện, chích điện khiến tôi chết ngất nhiều lần nhưng tôi không hé răng. Chúng tra tấn dã man để tìm ra người chỉ huy đấu tranh nhưng nhờ trước đó ta giáo dục tốt, nên trong lực lượng không ai khai báo. Sau đó, chúng buộc phải trả tự do cho tôi và các anh chị em bị bắt.

Kiên cường bám trụ

Năm 1962, tôi tiếp tục lãnh đạo vận động quần chúng đấu tranh quy mô và quyết liệt chống lại việc địch xây dựng sân bay Trà Nóc. Vào tháng 3 -1963, tại địa phương diễn ra cuộc đấu tranh chống thảm sát quyết liệt. Do địch ăn mừng khánh thành ấp chiến lược của xã Thới An Đông, cho nhiều máy bay bắn, dội bom oanh tạc xung quanh để lùa dân ra xã. Quả bom rơi ngay nhà anh Huệ Tu (ở Mương Khai, ấp Thới Ninh), làm chết vợ (đang mang thai 6 tháng) và đứa con nhỏ của anh. Liền lúc đó, ta tổ chức vận động quần chúng đấu tranh. Hai bên bờ lực lượng của ta ở 4 ấp khoảng 500 người, với hơn 100 xuồng ghe chạy cặp hai tàu sắt la ó vang dậy… Cuối cùng trước thái độ kiên quyết của bà con, bọn chúng phải ra nhận  lỗi, bồi thường cho các nạn nhân.

Những năm 1963- 1964, cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, địch lấn chiếm lập ấp chiến lược khắp xã, đánh phá các cơ sở cách mạng, lực lượng của ta không còn chỗ nương tựa, hy sinh rất nhiều. Lúc bấy giờ, tôi và đồng chí Tư Tình (Ngô Thị Hiền) vẫn quyết bám trụ hoạt động tại xã nhà. Đầu năm 1965, tôi xây dựng gia đình với đồng chí Lê Văn Chắp, là thương binh, Phó ban Quân báo Huyện đội Ô Môn. Do điều kiện công tác, chiến đấu, vợ chồng tôi thành hôn 3 năm nhưng ít khi gặp nhau. Bởi chồng tôi công tác ở Huyện đội Ô Môn, còn tôi là Huyện ủy viên của huyện Châu Thành A (Vòng Cung), Bí thư Chi bộ xã Thới An Đông- chính trị viên Xã đội Thới An Đông, hoạt động trong tuyến lộ Vòng Cung rất nguy hiểm. Thỉnh thoảng đi hội họp trên huyện, chúng tôi mới gặp nhau. Tháng 5 -1968, chồng tôi hy sinh khi tôi đang mang thai 4 tháng.

Biến đau thương thành hành động

Tuy rất đau buồn nhưng tôi cố nén đau thương, giữ vững công tác. Nhiều lần địch dội bom ác liệt, các anh khuyên tôi tạm lánh ra phía ngoài Lộ Vòng Cung chờ sanh nở, nhưng tôi nhất quyết bám trụ. Ban ngày tôi ở hầm bí mật, tối ra hoạt động. Sau đó, tôi được đồng đội cưu mang và vất vả sinh con trong thiếu thốn.

Đến đầu năm 1969, tôi được điều động qua bộ phận An ninh bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy Cần Thơ. Đến tháng 3 năm 1971, tôi được điều động qua bộ phận CK (tức là giao liên công khai của Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ). Tháng 9-1972, tôi bị địch bắt tại nhà (đoạn kinh Búng Tàu ra Ngã Bảy, Phụng Hiệp) –  cũng là Trạm giao liên của ngành. Đây là lần thứ 2 tôi bị địch bắt. Lúc bấy giờ có tên lính biết mặt, quả quyết tôi là cán bộ hoạt động ở Thới An Đông đổi vùng xuống đây. Chúng lục soát khắp nhà nhưng không lấy được tài liệu. Sau 15 ngày tra tấn dã man, chúng giải tôi ra Nha Cảnh sát (cầu Bắc, Cần Thơ) giam xà lim 3 tháng. Tuy bị tra tấn dã man nhưng tôi quyết giữ vững khí tiết nên chúng không khai thác được gì. Bọn chúng đưa tôi ra Tòa xét xử, không buộc tội được tôi nên cuối cùng thả tôi về. Trở về cơ quan, khi kiểm điểm, tôi được các đồng chí cơ quan Đảng ủy và Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ biểu dương.

Ngày 30-4-1975, tôi nằm trong Ban Chỉ huy khởi nghĩa quận II, TP Cần Thơ, có nhiệm vụ tổ chức 2 ghe, 2 máy, xăng nhớt đầy đủ để đưa chiến thương về phía sau và chuẩn bị gạo thóc, lương thực. Sau bao năm mong đợi, cuối cùng ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tôi một lòng kiên trung theo Đảng và Bác Hồ, nhiệm vụ nào cũng cố gắng hoàn thành. Nhắc đến Lộ Vòng Cung, tôi có nhiều năm gắn bó, bám trụ hoạt động trên địa bàn nầy nên thấu hiểu sự ác liệt, những gian khổ, hy sinh mà đồng chí, đồng bào đã trải qua. Tôi rất vui mừng khi biết thành phố sẽ có những hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 gắn với ghi nhận vai trò, vị trí chiến lược của Lộ Vòng Cung  - trận tuyến ác liệt nhất của mặt trận Cần Thơ – Tây Nam bộ. Tôi cho rằng đây là việc làm rất ý nghĩa, ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của đồng chí, đồng bào ta trong kháng chiến, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

QUỲNH LAM (lược ghi)

Chia sẻ bài viết