17/01/2016 - 08:59

Một lòng hướng về Đảng

 ĐĂNG HUỲNH

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016 tại thủ đô Hà Nội. Trước sự kiện trọng đại của đất nước, giới văn nghệ sĩ cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng, có nhiều sản phẩm, hoạt động thể hiện niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đưa dân tộc tiến đến vinh quang.

Tấm lòng của họa sĩ Đỗ Năm

Bằng các vật liệu đặc trưng của miền Tây sông nước, họa sĩ Đỗ Năm, hội viên Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ, đã sáng tác nên 12 bức chân dung các vị Chủ tịch Đảng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập Đảng đến nay. Đó là món quà ý nghĩa của vị họa sĩ già mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng.

 Họa sĩ Đỗ Năm hoàn thiện bức tranh bằng chất liệu vỏ trái măng cụt. Ảnh: DUY KHÔI

Họa sĩ Đỗ Năm năm nay đã 77 tuổi, là một trong những họa sĩ lão thành, gạo cội của mỹ thuật Cần Thơ. Ông là người tiên phong trong việc sử dụng các chất liệu mới lạ để sáng tác mỹ thuật như trái điệp, dây điện, ngũ cốc, vỏ trứng, bập dừa nước, vỏ tre… Từ những thứ tưởng chừng bỏ đi, họa sĩ Đỗ Năm cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Đặc biệt, 31 tấm ảnh chân dung Bác Hồ bằng dây điện được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh TP Hồ Chí Minh của họa sĩ Đỗ Năm gây ấn tượng mạnh với khách tham quan.

Trước thềm Đại hội XII của Đảng, họa sĩ Đỗ Năm luôn trăn trở về đề tài sáng tác chào mừng. Tình cờ, ông nhìn thấy vỏ của trái măng cụt khô cứng, chắc chắn nhưng vẫn giữ được màu nguyên thủy nên quyết định chọn làm chất liệu thực hiện bức chân dung Bác Hồ - Chủ tịch Đảng và 11 chân dung các Tổng Bí thư. Chân dung các vị Tổng Bí thư giống hệt hình chụp, toát lên thần thái ôn hòa mà vẫn sắc sảo, ít ai nghĩ rằng đó là những tác phẩm làm bằng vỏ trái cây chỉ có ở Nam bộ. 12 bức chân dung này được họa sĩ Đỗ Năm thực hiện trong gần hai tháng ròng khi tỉ mẩn cắt nhỏ vỏ măng cụt bằng hạt lúa rồi phân chia tỷ lệ, lắp ghép cẩn thận từng chi tiết. Mỗi chân dung đều được ông chú thích rõ về sử liệu, thời gian.

Với lão họa sĩ có đến nửa thế kỷ tuổi nghề như ông Đỗ Năm, việc vẽ lại một bức tranh có mẫu sẵn không phải là điều khó. Nhưng ông cố gắng "truyền thần" cho bức ảnh để chân dung các vị lãnh đạo Đảng có chiều sâu, thần thái. Họa sĩ Đỗ Năm nói: "Để làm được điều đó, nhiều ngày liền tôi cứ ngắm nhìn tấm chân dung Bác Hồ và các vị Tổng Bí thư mà tôi sưu tầm, cũng như đọc nhiều tài liệu để cảm nhận hết phong thái, thần sắc rồi mới bắt tay thể hiện". Ông cũng cho biết thêm, trái măng cụt chín có màu rất đẹp nhưng khi phơi khô bị sẫm màu nên muốn giữ màu đẹp phải phơi trong thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Do vỏ măng cụt màu đơn sắc nên với những mảng trắng, những mảng bóng dạ do khuất sáng, tóc bạc… đòi hỏi họa sĩ phải điều phối, pha trộn sao cho thật hài hòa, thẩm mỹ.

Trong ngôi nhà nằm trong con hẻm của phường An Bình, quận Ninh Kiều, họa sĩ Đỗ Năm trưng bày 12 bức chân dung lãnh đạo Đảng đầy trân trọng. Nghe vị họa sĩ già kể bao khó khăn để hoàn thành bộ tác phẩm này, càng trân trọng tấm lòng của họa sĩ Đỗ Năm hướng về Đại hội XII của Đảng.

Vang mãi bài ca "Ơn Đảng"

"Mẹ ơi, con đã lớn sau ngày Tháng Tám. Biết cầm cờ và quàng khăn đỏ thắm tươi. Bập bẹ những câu Đảng đã đổi đời. Đem áo ấm, cơm no cho những người đói rách". Đó là những ca từ chân phương mà nhiều ý nghĩa của bài ca cổ "Ơn Đảng" của tác giả Trọng Nguyễn, vốn đã quen với giới mộ điệu nhiều năm qua.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng trao hoa cho soạn giả Trọng Nguyễn (bìa trái) trong một đêm văn nghệ tại Bạc Liêu vào năm 2014.
Ảnh: DUY KHÔI

Soạn giả Trọng Nguyễn là tác giả của nhiều bài vọng cổ nổi tiếng như "Giọt sữa cuối cùng", "Chợ Mới", "Bên sông Vàm Cỏ", "Đò chiều Tô Châu"… Nhiều người ví von rằng, nếu như soạn giả Viễn Châu là "vua vọng cổ trữ tình" thì soạn giả Trọng Nguyễn là "vua vọng cổ đề tài cách mạng". Những câu chuyện về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, những người con anh dũng nơi chiến trận, những người mẹ kiên cường ở hậu phương… được ông thể hiện bằng những câu vọng cổ mượt mà, dung dị. "Ơn Đảng" là một bài ca như thế.

Soạn giả Trọng Nguyễn xác nhận, hai nhân vật mẹ con trong bài "Ơn Đảng" có thật và đó chính là… ông và người mẹ của mình. Đây có lẽ là bài ca được soạn giả Trọng Nguyễn ấp ủ đề tài sáng tác trong thời gian lâu nhất, gần 20 năm, kể từ ngày ông được kết nạp Đảng. "Ơn Đảng" là câu chuyện về người mẹ nuôi những đứa con trong cảnh cơ cực, rồi người con trai của mẹ giác ngộ lý tưởng, đi theo Đảng, theo cách mạng. Trong lần gặp ở Bạc Liêu, soạn giả Trọng Nguyễn kể: lúc giơ tay tuyên thệ trước Đảng kỳ trong ngày vào Đảng, ông đã muốn viết gì đó. Vậy rồi 20 năm sau, "Ơn Đảng" ra đời khi đất nước đã hòa bình.

Chọn cách thể hiện hai đoạn nói lối và 4 câu vọng cổ 1,2 và 5,6, soạn giả Trọng Nguyễn đã thể hiện được niềm tin sắt son vào Đảng của người trai "vàng đã qua lửa". Ông đi vào những chi tiết rất đời thường mà lay động lòng người. Để diễn tả cảnh nghèo khó của gia đình mình, ông viết: "Nhớ những đêm tháng Mười nước lụt. Gió mang mưa về cho cơn lạnh thấu xương… Mẹ thổn thức hay gió mưa nức nở, mà tiếng thở dài như nghẹn từng cơn".

Gần 40 năm ra đời, được hàng chục nghệ sĩ chọn thể hiện và hầu như người mộ điệu vọng cổ nào cũng thuộc nằm lòng, trở thành bài ca được nhiều thí sinh trong các cuộc thi ca cổ chọn thể hiện… đã cho thấy sức sống của bài vọng cổ "Ơn Đảng" với những giai điệu ngân vang trong lòng người: "Đường lên hạnh phúc chân trời rộng. Nhờ Đảng quang vinh dẫn dắt đường…".

"86 mùa xuân lịch sử"

Hòa trong không khí cả nước chào mừng 86 năm Ngày Thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2016) và hướng về Đại hội lần thứ XII của Đảng, Bảo tàng TP Cần Thơ triển lãm ảnh với chủ đề "Đảng Cộng sản Việt Nam- 86 mùa xuân lịch sử". Triển lãm không chỉ khái quát chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng mà còn là dịp để người dân đất Tây Đô thêm tin yêu vào Đảng của dân tộc.

     Các bạn trẻ tham quan triển lãm ảnh “Đảng Cộng sản Việt Nam – 86 mùa xuân lịch sử”. Ảnh: VÕ NGUYÊN THỦY

Khoảng 160 tác phẩm ảnh trưng bày tại triển lãm được sắp xếp khoa học theo từng chủ đề: sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, hình ảnh về các kỳ Đại hội Đảng, thành tựu của Việt Nam và Cần Thơ sau 86 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng…

Khu vực được người xem chú ý nhất là những bức ảnh tư liệu về hoạt động của Đảng. Đó là toàn cảnh Đại hội lần thứ II của Đảng họp tại căn cứ địa Tuyên Quang (tháng 2-1951) đề ra nhiệm vụ chính trị là đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn; Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) đề ra hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam; hay Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã vạch ra con đường đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội Chủ nghĩa…

86 mùa xuân có Đảng, Việt Nam phát triển không ngừng, dần tạo lập vị thế vững chắc về nhiều lĩnh vực trên thế giới, cũng là chủ đề được thể hiện trong triển lãm. Đó là khoảnh khắc khi Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO; Việt Nam phóng thành công vệ tinh viễn thông Việt Nam- VINASAT-1; những dòng xăng dầu đầu tiên "made in Vietnam" do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất; khởi công xây dựng công trình thủy điện Sơn La- nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á… Những thành tựu đó minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, đất nước và dân tộc.

Ở TP Cần Thơ, sự thay đổi từ mỗi góc phố, con đường đến những công trình mang tầm vóc quốc gia, khu vực, đưa thành phố thành trung tâm của vùng ĐBSCL trong nhiều năm qua cũng được giới thiệu sinh động. Những hình ảnh đó như những nốt nhạc vui, hòa chung trong bản hòa ca dâng Đảng. Anh Nguyễn Thanh Tùng, người dân quận Cái Răng, sau khi tham quan triển lãm ảnh đã nhận xét: "Các hình ảnh này như một cuốn biên niên sự kiện về lịch sử Đảng. Tôi rất dễ theo dõi bởi được sắp xếp theo trình tự và giúp hiểu sâu hơn về Đảng".

160 bức ảnh được Bảo tàng TP Cần Thơ quy tụ từ nhiều nguồn như tư liệu của Bảo tàng, Thông tấn xã Việt Nam, các nhà nhiếp ảnh của Cần Thơ… có chất lượng nghệ thuật cao. Sau gần 1 tháng triển lãm, bộ ảnh đã thu hút đến gần 10 ngàn lượt người đến tham quan. Bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết: "Triển lãm nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đáng mừng là trong thời gian triển lãm, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã đến tham quan, tìm hiểu". Bà Nhung cũng cho biết, sau khi Triển lãm tại Bảo tàng kết thúc (dự kiến khoảng tháng 3-2016), bộ ảnh sẽ được luân chuyển đến các quận, huyện, trường học để phục vụ.

Chia sẻ bài viết