12/11/2010 - 21:54

Một cán bộ Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ bị bắt vì nhận hối lộ

Đối tượng Phạm Thanh Dũng bị bắt về hành vi nhận hối lộ. 

Sau một thời gian theo dõi, lúc 17 giờ ngày 11-11-2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang Phạm Thanh Dũng, Phó trưởng Phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp TP Cần Thơ (sinh năm 1952, ở phường Tân An, quận Ninh Kiều) đang nhận hối lộ của Trần Ngọc Trung (sinh năm 1978, ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền) để làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài, tại quán cà phê Hoàng Gia, đường Nguyễn Trãi, phường An Hội.

Trước đây, Trần Ngọc Trung làm nghề chạy xe honda ôm, sau này làm cò chạy giấy tờ cho những phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Trung làm quen với Dũng và kết nối đường dây làm giấy tờ kết hôn cho các cô gái lấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Dũng đã nhận tiền của Trung và nhiều người khác để giúp làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài được thuận lợi. Kết thúc mỗi vụ, Trung hẹn Dũng đến các quán cà phê để nhận tiền. Lúc 17 giờ ngày 11-11-2010, tại quán cà phê Hoàng Gia, Dũng bị bắt quả tang khi đang nhận 900 USD của Trung. Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT tiến hành khám xét nơi làm việc của Dũng, thu giữ 12.125 USD, 161 triệu đồng và một số giấy tờ có liên quan. Dũng đã thừa nhận toàn bộ số tiền trên là tiền nhận hối lộ của nhiều người để làm hồ sơ cho họ kết hôn với người Đài Loan, Hàn Quốc. Ngay sau khi khám xét nơi làm việc, Cơ quan CSĐT lập tức khám xét nhà của Dũng. Tại đây, công an đã thu giữ một số lượng lớn tài sản như: 19 lượng vàng, 2 sổ tiết kiệm tổng cộng 46 lượng vàng. Công an còn thu giữ được 1 khẩu súng K59. Theo giấy phép, khẩu K59 này đã hết hạn sử dụng, nhưng được cấp cho Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Cần Thơ (cũ). Sau khi chuyển đến làm việc tại Sở Tư pháp, Dũng không giao nộp lại.

Đối tượng Trần Ngọc Trung bị bắt về hành vi đưa hối lộ.

Trước đây, bị can Dũng làm việc tại Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Cần Thơ (cũ). Năm 1998, Dũng được chuyển đến làm việc tại Sở Tư pháp và nhận nhiệm vụ Phó phòng Hộ tịch, quốc tịch và lý lịch tư pháp (nay là Phòng Hành chính tư pháp). Theo ông Trần Phước Hoàng, Phó giám đốc Sở Tư pháp: Thời gian qua, Dũng làm việc rất bình thường, không có biểu hiện gì lạ. Trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày, Dũng ít nhậu nhẹt, ít giao tiếp với đồng nghiệp, tính cách hơi khép kín. Tuy nhiên, trong công việc chuyên môn, Dũng có nhiều kinh nghiệm, chững chạc. Sở vừa xét thi đua và đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm, Dũng cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó, việc Dũng bị bắt là điều bất ngờ đối với lãnh đạo Sở. Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Sở Tư pháp đã phân công cho ông Lê Phát Thanh, Trưởng phòng Hành chính tư pháp chịu trách nhiệm quản lý, điều hành, giải quyết các công việc có liên quan mà ông Dũng đảm nhận; đảm bảo việc tiếp công dân diễn ra bình thường, không để hồ sơ tồn đọng.

Ông Trần Phước Hoàng, Phó giám đốc Sở Tư pháp, đề nghị người dân khi đến làm hồ sơ kết hôn với người nước ngoài không nên qua “cò”, mà đến Sở Tư pháp để được hướng dẫn theo đúng thủ tục đã được niêm yết công khai để nắm rõ thông tin và thực hiện. Thượng tá Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, cảnh báo: “Người dân khi đi làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài, thủ tục ghi chú kết hôn nên đi làm theo quy trình một cửa, tránh trường hợp bị lấy tiền ngoài quy định và còn bị vi phạm pháp luật về hành vi đưa hối lộ”.

Trước hành vi phạm tội của Dũng, Trung, ngày 12-11-2010, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giữ đối với Phạm Thanh Dũng về tội nhận hối lộ và Trần Ngọc Trung về tội đưa hối lộ.

Tiền, vàng tang vật thu giữ tại nhà
Phạm Thanh Dũng.

Rõ ràng, số tài sản có được từ nhận hối lộ của bị can Dũng khá lớn, chứng tỏ hành vi phạm tội kéo dài từ lâu. Việc đưa hối lộ để được “dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng” trong làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài của các cô dâu Việt Nam là đáng trách, nhưng cần phải nói đến công tác quản lý cán bộ và quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực này. Để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, thiết nghĩ cơ quan chủ quản cần xem xét việc bố trí, quản lý cán bộ ở các bộ phận, lĩnh vực “nhạy cảm”, dễ có điều kiện tiêu cực. Dư luận cho rằng, 12 năm qua, bị can Dũng yên vị ở bộ phận dễ có điều kiện tiêu cực như thế mà không bị kiểm tra, phát hiện, liệu đường dây tiêu cực này còn có ai tham gia? Và ngoài số tài sản “nổi” bị cơ quan chức năng thu giữ, còn tài sản “chìm” nào chưa bị phát hiện? Vụ án này cũng là lời nhắc nhở chung về trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên qua việc nỗ lực thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cần ra sức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, thực hành cần, kiệm, liêm, chính để phục vụ nhân dân tốt hơn, tạo lòng tin cho nhân dân.

SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết