21/10/2018 - 10:41

Mong manh cơ hội hòa bình cho Afghanistan 

Hàng loạt vụ khủng bố, đánh bom, tấn công phá hoại… đang phủ bóng đen lên cuộc bầu cử Hạ viện Afghanistan, diễn ra ngày 20-10 sau hơn 3 năm bị trì hoãn. Sự kiện này được coi là phép thử quan trọng quyết định tương lai của quốc gia Tây Nam Á vốn chìm trong bất ổn bạo lực hơn 10 năm qua.

Chiến tranh và xung đột đã tàn phá đất nước Afghanistan nặng nề suốt nhiều năm. Kể từ khi phương Tây rút phần lớn binh sĩ khỏi Afghanistan vào năm 2014, sau khi đã phải hao tổn nhiều sinh mạng và tiền của trong cuộc chiến này, Afghanistan vẫn là đất nước của xung đột và nghèo đói. Thậm chí, một cuộc chiến khác ở Afghanistan, giữa lực lượng quân đội quốc gia được phương Tây hậu thuẫn và đào tạo với các tay sung tàn quân Taliban, đã thực sự bắt đầu.

Chiến sự vẫn thường xuyên diễn ra ngay tại thủ đô Kabul. Ảnh: AFP

Các cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và phiến quân Taliban đã đẩy Afghanistan rơi vào tình trạng an ninh bất ổn. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, kể từ năm 2009 đến nay, đã có hơn 26.500 dân thường ở Afghanistan thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang. Lợi dụng tình trạng rối ren trên, nhiều tổ chức khủng bố khác cũng đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này. Các vụ khủng bố, tấn công liều chết của phiến quân và tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở thủ đô Kabul và nhiều thành phố lớn xảy ra thường ngày. Phiến quân Taliban vẫn đang tiếp tục mở rộng địa bản kiểm soát từ thành trì truyền thống của nhóm này tại miền Nam và miền Đông sang khu vực miền Bắc và tăng cường tuyển mộ thanh thiếu niên. Trong nửa đầu năm nay, con số dân thường thiệt mạng trong các cuộc xung đột và tấn công khủng bố xảy ra ở Afghanistan là 1.692, trong khi số dân thường bị thương là 3.430 người.       

Tình hình an ninh xấu đi và xung đột tái diễn khiến người dân Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa để tới những nơi an toàn hơn. Kể từ năm 2001, hơn 1 triệu người Afghanistan đã phải đi sơ tán do các cuộc xung đột, trong đó riêng năm ngoái là 445.335 người.

Trong khi đó, việc Mỹ và phương Tây bổ sung lực lượng tới quốc gia này cũng như tăng cường viện trợ, hỗ trợ quân đội và cảnh sát Afghanistan không giúp cải thiện an ninh. Sau 17 năm hiện diện quân sự tại Afghanistan - chiến trường có sự can dự lâu dài nhất của Mỹ từ trước cho tới nay, hòa bình vẫn chưa trở lại mảnh đất này. Một số nỗ lực ngoại giao, bao gồm các việc tổ chức các vòng đàm phán hòa bình giữa chính quyền Kabul và phe Taliban, chưa mang lại kết quả khả quan. 

Theo số liệu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), 56% các huyện ở Afghanistan hiện do chính phủ kiểm soát và 30% đang trong tình trạng giao tranh. Khoảng 14% số các huyện còn lại do phiến quân nắm giữ. 

Taliban xem phá hoại bầu cử là một công cụ hữu hiệu để phơi bày sự yếu kém của chính phủ cũng như sự hỗ trợ đang suy giảm của quốc tế. Phiến quân Taliban đã kêu gọi người dân Afghanistan tẩy chay cuộc bầu cử, cho rằng Mỹ sử dụng cuộc bầu cử nhằm mục đích hợp pháp hóa sự cai trị của Washington cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia này. Trước ngày bầu cử, hơn 10 chính trị gia đã bị sát hại, trong đó có tỉnh trưởng tỉnh Kandahar khiến cuộc bỏ phiếu tại tỉnh này phải hoãn lại một tuần.

Bạo lực và gian lận trong bầu cử có nguy cơ làm chia rẽ hoặc thậm chí làm sụp đổ chính quyền đương nhiệm. Điều này sẽ làm phức tạp đáng kể bất cứ nỗ lực xúc tiến hòa bình nào trong tương lai. Ngược lại, cuộc bầu cử suôn sẻ có thể mang đến một thế hệ chính trị gia trẻ trung, đẩy mạnh chống tham nhũng, vốn vẫn là một trở ngại nghiêm trọng đối với nền hòa bình tại Afghanistan. Trong số hơn 2.500 ứng viên chạy đua vào 249 ghế nghị viện lần này có khá nhiều gương mặt trẻ. Nhiều người trong số họ có học vấn cao và trưởng thành trong giai đoạn từ sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001.

Tuy nhiên, không ít các thành viên trong giới tinh hoa cầm quyền đang hậu thuẫn cho một số ứng viên tiềm tàng, đe dọa gây phương hại đến thỏa thuận hòa bình giữa các nhóm vốn tạo ra Chính phủ đoàn kết dân tộc, cũng như làm đổ vỡ liên minh này nếu tiến trình bầu cử không diễn ra êm thấm.

HUY LÊ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết