29/11/2013 - 22:47

Mong có chiếc xe lăn và ít vốn để tiếp tục mưu sinh

Thuở nhỏ, sau trận bệnh "thập tử, nhất sinh", tay phải và chân phải của ông Lê Thiện Tồn (ở khu vực Thới Xương 1, phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) bị tê liệt, gặp khó khăn trong việc đi đứng, sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, ở tuổi 60, sức yếu, nhưng ông lại là lao động chính, là trụ cột trong gia đình. Ngày ngày, ông rong ruỗi trên mọi nẻo đường, ngõ hẻm, bán từng tờ vé số, với số tiền kiếm được khá ít ỏi, đắp đỗi qua ngày…

Sinh ra và lớn lên khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng khi lên 7 tuổi, sau trận bạo bệnh, ông Tồn trở thành người khiếm khuyết một phần cơ thể; tay phải và chân phải bị teo. Từ đó, cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của ông gặp rất nhiều khó khăn. Lớn lên trong nhiều mặc cảm, tự ti về bản thân không lành lặn, nhưng với ý chí, nghị lực sống mãnh liệt, ông đã vượt qua tất cả, để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ông Tồn cho biết: "Lúc đó, tôi lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề mua bán ve chai. Mỗi ngày tôi bơi xuồng hai lượt đi và về hơn 20 cây số. Chắt chiu từng đồng tiền kiếm được, cuộc sống gia đình tôi cũng không đến nỗi nào".

Gia cảnh ông Tồn khốn khó, rất mong được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Trên đường mưu sinh, ông quen biết và nên nghĩa vợ chồng với bà Huỳnh Thị Ba (ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Sau đó, đứa con gái đầu lòng của ông bà là cháu Lê Thị Thúy Quỳnh chào đời. Bà Ba cho biết: "Trước đây, tôi thì bơi xuồng đi mua bán ve chai, còn chồng và con gái ở nhà. Căn chòi lá, ọp ẹp làm tôi cứ thấp thỏm, lo lắng không yên. Sau một ngày dầm mưa, dải nắng, số tiền kiếm được cũng chẳng được là bao, chỉ đủ giúp gia đình xoay xở chi phí trong nhà". Kể đến đây, hai dòng nước mắt của bà Ba chảy dài trên khuôn mặt với nhiều nếp nhăn. Mấy năm gần đây, đôi mắt của bà Ba bị mờ, không còn nhìn thấy rõ mọi vật xung quanh. Gia cảnh của ông bà vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn… Sau nhiều ngày suy tính, ông Tồn quyết định sửa chiếc xe lăn cũ của người lối xóm cho, để làm phương tiện mưu sinh, giúp gia đình vượt qua cơn khốn khó. Sáng nào cũng vậy, Thúy Quỳnh đẩy xe lăn, phụ giúp cha đi ngang khúc cua nhỏ trước nhà. Sau đó, ông rong ruổi khắp các tuyến đường, ngõ hẻm, bán từng tờ vé số. Bà Huỳnh Thị Bảy, ở khu vực Thới Xương 1, cho biết: "Bà con trong xóm hễ thấy ông Tồn lắc xe lăn đi ngang thì phụ giúp ông lên, xuống dốc cầu. Hoàn cảnh của ông thật đáng thương, nên bà con khi thì người cho vài ký gạo, người cho mớ rau, con cá…".

Dù nắng, dù mưa, ông Tồn vẫn không chùn bước. Một ngày, ông bán được khoảng 50 tờ vé số, kiếm lời được 50.000 đồng. Với số tiền này, ông mua 1kg gạo, bó rau, mớ cá, mắm, muối… Cứ thế, gia đình ông sống lây lất qua ngày, chẳng biết ngày mai rồi sẽ ra sao? Đã vậy, ông thường hay bị kẻ xấu giả vờ mua, rồi giật lấy cả xấp vé số… Nhà nghèo, không ruộng đất, vợ chồng ông bà thuộc diện hộ nghèo. Căn nhà tình thương mái tôn, vách lá được ban ngành, đoàn thể ở địa phương cất tặng cách đây khoảng 3 năm, nay đã xuống cấp nặng. Chuyện cơm áo, gạo tiền hằng ngày, luôn là gánh nặng trên đôi vai gầy của ông Tồn. Không chỉ vậy, vợ chồng ông bà còn phải đối mặt với bệnh tật trầm kha đang hành hạ, mỗi khi trái gió trở trời. Bà Ba thì bị bệnh tim, hai mắt không thấy đường, viêm phổi nặng; còn ông Tồn thì bị cao huyết áp, viêm phổi nhưng không tiền điều trị đến nơi, đến chốn. Còn Thúy Quỳnh, do gia đình quá khó khăn, túng quẫn, nên học xong lớp 6, em đành gác lại việc học hành, ở nhà phụ giúp, đỡ đần cha mẹ.

Hoàn cảnh gia đình ông Tồn hiện nay thật khốn khó, rất mong được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, để gia đình ông vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

 

Chia sẻ bài viết