07/03/2015 - 19:09

Mối tình của Tư Hương

Truyện ngắn: Khuê Việt Trường

Bước vào tuổi ngũ tuần, Tư Hương dọn cho mình một chỗ nơi góc chợ. Tám cục đá chẻ chồng bốn góc, một miếng ván ép xỉn màu gần mục kê thành giường. Một chiếc dù xòe tán thành mái nhà, một chiếc giỏ lát thành tủ đựng quần áo. Đó là nền của một cái giếng đã được lấp đi, bao nhiêu người từ chối nền giếng đó vì vin vào sự may mắn và xui xẻo, nhờ thế mà Tư Hương có chỗ ở cho mình và 3 đứa con: hai gái, một trai.

Một thời, Tư Hương đã trải qua nhiều mối tình. Với mối tình thứ nhất sinh ra đứa con gái lớn. Người đàn ông đó đã bỏ Tư Hương ở lại, lên một con tàu vượt biên sang Mỹ. Bao nhiêu năm đã trôi qua, những người có thân nhân ở nước ngoài đều ít nhiều nhận được vài tờ đô-la. Còn Tư Hương thì chưa hề biết mùi tiền đô thế nào. Cuộc tình thứ hai và thứ ba đã để lại cho Tư Hương thêm hai đứa con. Hạnh phúc đến với Tư Hương hiếm hoi như nước trên sa mạc. Sau khi đã tiêu xài đến đồng bạc cuối cùng có trong gia đình, người đàn ông nát rượu, gã chồng hờ thứ ba, bỏ Tư Hương để theo người đàn bà khác. Tư Hương bị đuổi ra khỏi căn nhà thuê vì không có tiền để trả cho chủ.

Có lẽ sự đau khổ và căm giận cuộc đời đã làm cho Tư Hương thành một con người khô cằn và hung hãn. Như bất cứ con người nào trên thế gian này, Tư Hương vẫn mơ một cơ hội đổi đời, có một người chồng để chia sẻ bao buồn vui dưới một mái nhà. Nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước thôi. Để kiếm sống và để khỏi mất cái chỗ ở góc chợ, mỗi đêm Tư Hương phải còng lưng quét cả chợ. Tiền bạc kiếm được ngày có ngày không, bữa ăn của mấy mẹ con cũng trôi nổi theo những thứ thừa thải nhặt được.

 

Mỗi buổi sáng, khi mặt trời mọc. Các lô sạp sau một đêm khóa ngang khóa dọc lại được mở ra. Cơn buồn ngủ lúc này vẫn chưa rời khỏi đôi mắt Tư Hương, nhưng phải đành thức dậy trả chỗ cho người ta buôn bán. Rồi theo thói quen, Tư Hương lại ngồi chồm hổm mà chửi. Tiếng chửi đều, quen thuộc chẳng làm cho mọi người lưu tâm. Nhưng chẳng thà có người chú ý, có người chống lại thì Tư Hương còn đỡ tức. Đằng này mọi người cứ coi Tư Hương như một cọng rau ở góc chợ, không chú ý khiến cho Tư Hương thêm nổi giận.

Mấy đứa con lớn lên bằng tiếng chửi và bao lời thô tục cũng trở nên chai sạn. Mỗi miếng ăn, dù với mắm muối cũng được đổi bằng sự hằn học và căm thù của mẹ khiến chúng tìm đủ mọi cách để đối phó. Thằng Út nhập băng với những đứa trẻ đánh giày, dần thoát khỏi sự kiềm tỏa của mẹ.

Hết thằng Út rồi tới đứa con gái lớn, mười tám tuổi. Hằng ngày nó đi chặt đầu cá kiếm ăn, cho đến khi nó biết mình có chút nhan sắc và việc chặt đầu cá là việc làm không có tương lai. Nó không đi làm nữa, về nói với Tư Hương:

- Má ơi, ngày mai con đi phụ bán cà phê.

Bán cà phê? Tư Hương dư biết đó là cửa ải đầu tiên để bước vào một con đường không sáng sủa gì. Bà ngăn cản, nó khóc lóc:

- Má ơi, con thèm cái áo đẹp mà mua cũng không nổi. Con muốn sống đàng hoàng hơn, con muốn người ta phải trọng mình. Con phải đi bán cà phê. Con chỉ bưng cà phê cho người ta thôi mà, có làm điều gì ghê gớm đâu?

Tư Hương gằn giọng:

- Tao nói là không, mày đi thì đi luôn đi.

Con Hai bỏ đi từ sáng hôm sau. Nó đi, không thèm mang theo một thứ gì, mà nó cũng không có thứ gì quý giá để mang theo, ngoài bộ quần áo mặc trên người.

Ngày tháng trôi qua và tiếp tục trôi qua. Cơn mưa đầm đìa, căn nhà “bụi” còn lại ba mẹ con. Đôi lúc Tư Hương ngắm nghía đứa con gái kề, đó là sự hiện hữu của mối tình lãng mạn khi cô gái làm thuê Tư Hương đã phải lòng cậu chủ, để rồi chính cô đã tự nguyện dâng hiến, trao trọn đời mình. Khi mang bầu được ba tháng thì Tư Hương mất chỗ làm. Từ đó Tư Hương hiểu mình không có chỗ đứng ở trong bất cứ ngôi nhà nào. Giữa cơn mưa gió, Tư Hương chợt giật mình sợ ngày nào đó rồi con Ba – đứa duy nhất trong nhà còn học hành nhờ lòng thương của thầy cô, những người xóm chợ - cũng sẽ bỏ Tư Hương mà ra đi. Còn thằng Út nữa, chắc gì đã chịu ở bên người mẹ cục cằn. Tư Hương vẫn nhớ da diết đến con Hai rồi sợ mình sẽ mất hết.

Một buổi chiều nắng vừa hết, con Hai trở về. Lúc đó Tư Hương đang lên cơn sốt, nằm co ro trên tấm ván giường, ngọn đèn hột vịt đang leo lét cháy.

- Má? – Con Hai lay mẹ – Thấy mặt con Hai, Tư Hương chồm dậy, òa khóc ôm con vào lòng.

- Đừng khóc nữa má. Con cho má ít tiền với bộ quần áo. Con đi làm ít nữa con về thăm má, thăm em.

Rồi con Hai đi.

***

Tình yêu ư? Có phải chăng đó là sự tưởng tượng thú vị của những người không hề bận tâm đến chuyện mưu sinh. Một thời xuân xanh ở đợ, Tư Hương nếm trải chỉ toàn chua xót. Cả đời mình, Tư Hương chưa nhận được món quà nào, dù nhỏ mọn. Tình yêu càng là món trang sức phù phiếm mà Tư Hương chưa hề nhận được khi cuộc đời đã đi qua hơn một nửa.

Thế mà buổi chiều hôm đó, Tư Hương đã gặp người thốt lên lời tỏ tình bay lượn mãi trong đầu óc khô cằn:

- Trời ơi, nhìn bà con mắt tôi muốn mòn luôn.

Đó là anh chàng đào rác Tư Hương gặp khi đổi “địa bàn làm ăn” đến bãi rác. Chẳng biết thằng chả theo đuổi Tư Hương tự bao giờ mà khi Tư Hương vừa dừng xe đạp, thằng chả đã kêu:

- Ê, tới đây đào chung ổ này với tôi. Rồi tụi mình góp gạo nấu chung.

Tư Hương đỏ mặt, giống như con gái mới lớn vừa mới được ai đó đón đường. Cuộc sống dãi dầu mưa nắng tạo cho con người thói quen giành giật hơn là chia sẻ. Tư Hương nào ngờ còn có chút ngọt ngào thế?

- Thiệt không cha?

- Thôi bà ơi. Tui không vợ, bà cũng không chồng. Mình hợp tác cũng được chớ có sao đâu?

Tư Hương “hứ” một tiếng. Trưa hôm đó, Dũng rỗ (tên người đàn ông) đã mời Tư Hương ăn cơm chung. Bữa ăn chỉ là cơm với mắm, nhưng chưa bao giờ Tư Hương cảm thấy lòng mình lâng lâng như thế. Buổi chiều, Dũng rỗ lại hẹn hò:

- Hương nè, mai tôi tới rủ Hương đi đào nghe?

- Dạ – Tư Hương còn bàng hoàng không tin mình có thể thốt lời này.

***

Những người buôn bán ở chợ ngạc nhiên vì buổi sáng chợt vắng đi tiếng chửi của Tư Hương. Chị Hai bán bánh sát chỗ ở của Tư Hương phát hiện Tư Hương đã đập vỡ con heo đất, lấy tất cả số tiền dành dụm may bộ đồ mới. Rồi mái tóc cũng được uốn lại. Tư Hương còn mua một chiếc gương soi, một hộp phấn và một thỏi son môi. Thật là chuyện kỳ lạ.

Khi thay đổi dáng vóc bên ngoài, Tư Hương lột xác trở thành người đàn bà có nhan sắc dù nhan sắc ấy đã bị cuộc sống cơ cực làm cho sớm tàn phai. Tình yêu luôn làm được điều kỳ diệu.

Sáng sáng, Dũng rỗ đạp xe đạp đến, phía sau ba ga là dây nhợ, dao, cuốc… Hai người rù rì với nhau sau tấm nhựa che tạm bợ. Đôi khi Tư Hương đi mua cho Dũng điếu thuốc hoặc ly cà phê với tất cả hạnh phúc. Sau đó, họ lại đạp xe sóng đôi đi làm.

Bây giờ, những lúc trở trời, nghỉ ở nhà, lại thấy Tư Hương trên chiếc giường của mình mà suy tư. Đôi lúc lại bắt nhịp hát theo nhạc vọng từ quán cà phê. Cái bếp kê sát góc chợ xưa nay lạnh tanh, giờ bắt đầu đỏ lửa. Những cơn mưa hạ vào buổi chiều làm giảm bớt đi sự ngột ngạt của thời tiết. Mưa làm cho những ngọn cỏ ngoi lên, vươn xanh. Sự ngoi lên của những ngọn cỏ chẳng khác gì mối tình muộn của Tư Hương.

Chia sẻ bài viết