08/02/2010 - 15:22

Mỗi mùa xuân sang ...

Ký: Thức Mai Chinh

Hạnh phúc nhất của người cao tuổi là được sống thọ, sống vui, đầm ấm bên con cháu mà đôi khi bạc tiền dồi dào cũng không mang lại được. Tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ không chỉ thể hiện truyền thống hiếu đạo tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam, mà còn là những tấm gương sáng giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ hôm nay, dù xã hội phát triển theo xu hướng hiện đại, thì mãi mãi những gương hiếu thảo ấy vẫn là những bông hoa tỏa ngát hương xuân cho đời.

Bà Tám với vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc bên dâu thảo và hai cháu nội hiếu hạnh, chăm ngoan. Ảnh: P.M

Hạnh phúc khi còn mẹ

Ngắm nghía cành mai sum suê những búp hoa vàng óng, tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng trong năm mới, bà Tám tấm tắc khen “vợ thằng Triều” (cách bà gọi chị Bích Cơ, con dâu mình), năm nay biết chọn nhành mai đẹp. Thế là, sau mấy ngày tất bật chuẩn bị, mọi việc cũng đâu vào đấy, dù không mâm cao cỗ đầy, nhưng không khí đón Tết miệt vườn ở gia đình chị Bích Cơ cũng hơi khó tìm trong thời đại Internet. Nào là bánh kẹp thơm lừng, giòn tan; bánh tét nhưn đậu mỡ; nồi thịt kho nước dừa truyền thống, chưa kể dưa kiệu, dưa hành, mâm ngũ quả, hoa vạn thọ, mai vàng. Chị Cơ thường dặn các con: “Nội bảo, mọi ngày thế nào cũng được, nhưng Tết phải tươm tất, bày biện một chút cho vui cửa vui nhà. Các con cố gắng tiếp mẹ chuẩn bị chu đáo vì nội thích thế!”. Và niềm vui lớn nhất của bà Tám là mỗi khi Tết về, cháu chắt (khoảng 50 người) tề tựu đông đủ mừng tuổi bà, chúc bà vui, khỏe, để bà lì xì, xoa đầu từng đứa.

Ở rạch Bà Vèn (khu vực Thạnh Hưng, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) này, hỏi đến gia đình bà Nguyễn Thị Tám, câu đầu tiên của mọi người là: “Gia đình hiếu thảo”. Đến nhà bà Tám lần đầu, nhiều người lầm tưởng bà là mẹ ruột của chị Bích Cơ, bởi tình cảm giữa hai người phụ nữ ấy thật thắm thiết, gần gũi.

Quê gốc Đà Nẵng, chị Bích Cơ mất cha lúc 7 tuổi, gia cảnh rất chật vật, khó khăn. Năm 1978, mẹ chị bồng chống ba anh em xuôi vào Nam lập nghiệp ở Phụng Hiệp (Hậu Giang). Mẹ con chị phải trải qua nhiều việc mưu sinh, chắt bóp từng đồng mua đất, cất nhà và cố gắng để anh em chị được đến trường, thực hiện theo lời trăng trối của người chồng trước khi xuôi tay nhắm mắt: “Không để các con thất học”. Năm 1984, với tấm bằng tốt nghiệp THPT, chị Bích Cơ làm mậu dịch viên Hợp tác xã mua bán xã Đại Hải (Sóc Trăng), phụ lo kinh tế gia đình với mẹ và thời gian này, chị quen anh Nguyễn Thanh Triều, công nhân ở một công trình thủy lợi. Lần lữa, đắn đo vì còn mẹ già, em nhỏ, bốn năm sau chị mới quyết định lập gia đình theo lời khuyên của mẹ.

...Thấm thoát đã hơn 20 năm, chị Bích Cơ nhớ rõ những ngày đầu về nhà chồng với nhiều bỡ ngỡ, âu lo, mang theo lời mẹ dặn: “Xem mẹ chồng như mẹ ruột, nhà chồng là nhà mình. Dù khó khăn, cơ cực đến đâu, cũng phải thuận hòa, hiếu hạnh...”. Trìu mến nhìn mẹ chồng, chị Bích Cơ hỏi: “Mẹ nhớ không, lúc con mới về làm dâu, vụng về đủ thứ, nấu ăn rất dở, nêm nếm chẳng ra sao...”. Bà Tám vội đỡ lời: “Sao bây cứ nhắc chuyện này hoài, hồi mẹ mới làm dâu cũng thế. Cái chính là mình chịu khó học hỏi thôi con à. Giờ bây nấu ăn ngon quá rồi còn gì...”.

Theo chị Bích Cơ, tất cả là nhờ bà Tám, với tình thương yêu, lòng bao dung và sự hướng dẫn tận tình của mẹ chồng, chị đã trưởng thành rất nhiều. Lúc đầu, chị quen khẩu vị người miền Trung, nêm nếm thức ăn rất mặn, bà Tám đã vào bếp hướng dẫn chị nấu nướng, nhờ vậy, giờ chị nấu ăn ngon, với nhiều món khoái khẩu cho cả nhà. Hồi đó, không quen chuyện vườn tược, rẫy bái, nhưng chị Bích Cơ vẫn thường theo mẹ ra vườn tập làm cỏ, bón phân, tưới cây, cùng mẹ chuyện trò để bà bớt mệt nhọc. Chị kể: “Lúc đó, anh Triều đi theo công trình, cuối tuần mới về nhà, được một - hai hôm lại quầy quả đi ngay. Tôi phải thay anh đỡ đần, quán xuyến việc nhà giúp mẹ”. Cứ thế, hai người đàn bà, một già, một trẻ càng gần gũi, thân thiết nhau hơn. Năm 1991, chị Bích Cơ sinh con gái đầu lòng Sơn Ca, hai năm sau cậu út Chánh Ngôn ra đời. Ngay khi các con còn nhỏ, chị Bích Cơ đã dạy các con sự tôn kính, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ nên bà Tám rất hài lòng. Mấy tháng trước, hay tin Sơn Ca thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ, bà Tám cười rạng rỡ, khoe với xóm giềng “Cháu gái tôi đậu đại học rồi đó!”. Nói về mẹ, về vợ, anh Triều không giấu được niềm tự hào xen lẫn hạnh phúc: “Việc chăm sóc nhà cửa, lo giấc ngủ, miếng ăn cho mẹ già và các con đã có vợ tôi chu toàn. Tôi giờ vẫn đi làm xa, có khi cả tháng mới về, nhưng lòng rất an tâm. Nói thiệt, tôi hiểu tánh ý mẹ không bằng vợ tôi đâu”.

Nhiều chị em ở Hội phụ nữ địa phương còn nhớ, năm 2003, Hội Phụ nữ xã Đông Thạnh (tên gọi trước đây của phường Thường Thạnh) vận động chị Bích Cơ tham gia sinh hoạt Hội và làm Chi hội trưởng phụ nữ khu vực nhưng chị đắn đo, do dự, thì chính bà Tám động viên con dâu: “Con muốn mở rộng tầm nhìn, tiến bộ hơn, phải tham gia công tác ở địa phương, biết được nhiều việc, lại giúp ích được cho nhiều người, mẹ ủng hộ”. Thế là, từ đó chị Bích Cơ và mẹ chồng cùng thỏa thuận: Bữa nào, chị bận công tác đột xuất thì đi chợ, mua thức ăn, làm sạch, để đến trưa bà Tám nấu cơm. Trong thâm tâm, chị Bích Cơ rất biết ơn và kính phục mẹ chồng, bà đã không những chỉ bảo để chị trở thành con dâu hiếu thảo với nhà chồng mà còn tạo điều kiện để cư xử phải đạo với người thân, xóm giềng. Mấy năm trước, hay tin mẹ chị bệnh nan y, bà Tám khuyên chị nên về Phụng Hiệp, sống kề cận để chăm sóc mẹ cho đến khi bà qua đời, rồi chị lại ra miền Trung hơn một tháng lo xây dựng mộ phần cho bà con dòng họ nội, ngoại.

Tết năm nay, bà Tám tròn 87 tuổi, còn chị Bích Cơ đã xấp xỉ 47. Hai người phụ nữ ấy đã nhiều năm chung tay vun đắp xây dựng một mái gia đình hiếu thuận, hạnh phúc và họ biết đó chính là tài sản quý giá nhất truyền lại cho cho con cháu, không gì có thể sánh được.

Dì Anh mời trà, trái cây, bánh mứt cho cha (cụ Quang) ăn trong những ngày giáp Tết. Ảnh: H.V

Phụ tử thâm tình

Trong bộ quần áo thể thao, cụ Quang đang cặm cụi tỉa cành, tưới nước cho những chậu hoa kiểng chuẩn bị đón Tết, còn dì Hai Anh (Trần Nguyệt Anh), con gái lớn của cụ đã chuẩn bị sẵn bình trà, thức ăn để cụ Quang lót dạ mỗi sáng, sau khi đi tập thể dục về.

Thoạt nhìn không ai nghĩ cụ Quang đã ngoài trăm tuổi. Hôm tôi gặp, cụ áo bỏ vào quần, mái tóc chải ngược khoe vầng trán cao thông minh, nước da hồng hào lấm tấm đồi mồi, trông lịch lãm như người đàn ông ở độ tuổi thất tuần. Dì Hai Anh nói: “Cha tôi năm nay đã 101 tuổi nhưng vẫn ăn khỏe, ngủ ngon, dành thời gian chăm sóc cây kiểng và đi bộ mỗi ngày, nhờ đó sức khỏe được duy trì, ông chỉ mắc bệnh lảng tai”. Những lúc thấy cha ngồi suy tư một mình, dì Hai Anh thường xuyên kề cận, kể cha nghe những câu chuyện vui về gương các con hiếu thảo, chuyện làm ăn khấm khá của những đứa cháu nội, cháu ngoại, chuyện học hành thành đạt của những đứa chắt. Biết cha thích chăm sóc hoa, kiểng, dì Hai Anh thường xuyên cùng ông tưới nước, bón phân cho cây tươi tốt và những dịp lễ Tết thường cắt hoa tươi cặm vào bình trưng trên bàn thờ ông bà, tổ tiên.

Trong lúc trò chuyện với tôi, thấy cụ Quang ngồi lâu, dì Hai Anh đến bóp vai cho cha đỡ mỏi và hỏi thân tình: “Cha uống gì nữa không? Cha nực không, con quạt mát cho cha nhé!”. Tận mắt chứng kiến lời nói, cử chỉ thương yêu của dì Hai Anh đối với cha, tôi chợt nhớ câu chuyện “Nhị thập tứ hiếu” của người xưa. Một người đàn ông tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn làm trò trẻ con cho cha mẹ già vui lòng. Dì Hai Anh năm nay đã 70 tuổi nhưng hằng ngày ngoài việc cơm nước, chăm sóc cha, dì còn bày nhiều trò vui, kể chuyện đời xưa cho cụ Quang thư giãn. Tôi lấy máy ảnh ra và xin phép chụp hình lưu niệm thì cụ móm mém cười. Nụ cười của cụ già 101 tuổi có nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt, nhưng trong đôi mắt cụ lại rạng ngời niềm hạnh phúc, tự hào vì được con, cháu hiếu thảo hết lòng chăm sóc lúc cuối đời.

Cụ Quang sinh 1908, ở một làng quê nghèo thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Năm cụ 30 tuổi thì lập gia đình với người phụ nữ cùng quê và họ có với nhau 4 người con: 3 gái, 1 trai. Dì Hai Anh là con đầu lòng của cụ. Lúc dì Hai Anh 10 tuổi, vợ chồng cụ Quang bồng chống nhau qua Cần Thơ lập nghiệp. Chồng thì làm thuê, làm mướn, vợ thì buôn bán hàng rong. Ít năm sau, vợ bị bệnh hiểm nghèo qua đời, một mình cụ Quang bươn chải nuôi con, lúc đó dì Hai Anh phải thay mẹ chăm sóc, dạy dỗ các em, cho đến lúc họ trưởng thành, người là cán bộ công chức, người hoạt động kinh doanh. Dì Hai Anh nhớ nhiều kỷ niệm đẹp về cha, nhất là khi mẹ mất, ông vẫn ở vậy nuôi con. Có lần đi làm ăn xa, đã rất khuya nhưng cụ Quang vẫn tìm cách đón xe về nhà vì không nỡ để các con nhỏ trơ trọi vào ban đêm. Hoặc khi dì Hai Anh hoặc các em bị bệnh, cụ Quang vừa tất bật kiếm tiền lo thuốc thang, vừa tự tay chăm sóc các con chu đáo. Trong ông, tràn đầy cả tình phụ tử lẫn mẫu tử, ông thường dạy các con: “Tiền bạc có thể kiếm được nhưng tình cảm gia đình mất đi, không gì bù đắp được. Con người sống có nhân nghĩa, chân tình hay không là từ chiếc nôi gia đình...”. Dì Hai Anh nói: “Tài sản quí giá nhất của cha tôi là con, cháu. Hễ đứa nào bị tai nạn hay gặp chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” thì cụ hết lời khuyên can, dạy bảo. Chị em tôi rất hạnh phúc khi còn cha và được phụng dưỡng cha”. Mấy tháng trước, em út của dì Hai Anh xây ngôi nhà mới (gần nhà cũ của cụ Quang, cũng ở đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều), khang trang rộng rãi, có sân trồng hoa kiểng để đưa cụ Quang đến ở.

Tết này, cụ Quang được 102 tuổi, niềm vui của các con, cháu cụ như nhân đôi khi cùng tụ hội về thăm, thấy cụ sống vui, khỏe, minh mẫn. Chị Trần Nguyệt Thoa, cháu nội cụ Quang, mới về thăm, suốt ngày quấn quýt bên ông nội, nói: “Tuy tôi công tác ở xa nhưng mỗi khi về nhà thật ấm lòng khi thấy cô Hai Anh chăm sóc ông chu đáo từng giấc ngủ, bữa ăn; còn ông thì tính tình lạc quan, yêu đời, luôn động viên chúng tôi sống tốt, làm việc tốt. Chúng tôi tự nhủ sẽ luôn gìn giữ truyền thống hiếu đạo của gia đình truyền lại cho con cháu”.

***

Một nhà văn từng nói: Dù vua chúa hay dân cày, người nào tìm thấy sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất. Và chính vì mỗi mùa xuân sang... cha mẹ già lại thêm một tuổi, hạnh phúc được sống gần cha mẹ càng ngắn ngủi hơn nên trong những gia đình hiếu thuận, những người con, người dâu cũng như những bậc cha mẹ đã cùng nhau vun đắp cho những tháng ngày hạnh phúc ấy - coi đó như món quà tuyệt vời nhất dành tặng cho người thân, con cháu mình, để mai này dù có đi đâu, ở đâu, trong lòng mọi người vẫn vang lên hai tiếng gia đình... thiêng liêng.

Cha con cô Kim Liên chưng mâm ngũ quả đón xuân. Ảnh: KIỀU CHINH

Hiếu đễ vẹn toàn...

Trong ngôi nhà nhỏ xinh còn thơm mùi vôi mới ở đường Đoàn Thị Điểm, khu vực 5, phường Cái Khế (quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ), cô Nguyễn Thị Kim Liên đang chăm chút những dây mồng tơi, món rau mà cha cô thích ăn. Ông Nguyễn Văn Bảy (cha cô Kim Liên) năm nay 87 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, tráng kiện, thường khoe với mọi người: “Tôi sống thọ, vui vẻ là nhờ đứa con gái lớn hiếu thảo này đây!”. Theo ý nguyện của ông Bảy, cô Kim Liên cất cho cha một căn nhà riêng, sát gian nhà thờ của gia đình, ngày ngày hầu hạ cơm nước. Trước đây, ông Bảy thích chăn nuôi, trồng trọt, mấy năm qua, khi khu vườn bị giải tỏa, vườn rau, ao cá không còn, ông cứ thơ thẩn ra vào. Thấy cha buồn, cô Kim Liên tận dụng những khoảng đất trống cặp vách nhà gầy dựng lại một vườn rau nho nhỏ để cha cô được sống lại những ngày tháng cũ.

Cô Kim Liên có gương mặt phúc hậu, dáng người lam lũ, hai bàn tay chai sần, kể về những nỗi khổ nhọc trải qua trong đời, bằng một giọng nhẹ tênh. Cô sinh năm 1953, tại Cần Thơ, trong gia đình có truyền thống cách mạng: cha tham gia du kích địa phương, mẹ làm giao liên, nhà cô là cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng. Sống trong gia đình 3 thế hệ, nhìn cách cha mẹ phụng dưỡng ông bà hiếu thuận, chu đáo, cách chăm lo giáo dục con cái nề nếp, ngay từ nhỏ cô Kim Liên luôn thể hiện trách nhiệm với bản thân và gia đình. Thấy cảnh nhà khó khăn, là con gái lớn, học hết lớp 5, cô Kim Liên đành nghỉ học để lao động phụ tiếp cha mẹ nuôi ông bà và 9 người em. 17 tuổi, cô Kim Liên đã làm đủ việc nặng nhọc, trải qua đủ nghề từ mua gánh bán bưng đến chăn bò thuê, đốn lá, chằm nón...

Thời gian đó, ông bà nội già yếu, hay bệnh tật; một buổi đi làm kiếm tiền, một buổi cô Kim Liên dành thời gian chăm sóc ông bà, lo việc nội trợ gia đình. Bao đêm cô đã thức trắng mỗi khi ông lên cơn sốt, rồi ông nằm liệt giường, lại một tay cô vệ sinh, giặt giũ, lo từng miếng ăn, chén thuốc. Năm 1965, ông nội mất, bà nội buồn, sức khỏe suy sụp, cô Kim Liên lại tiếp tục chăm lo cho bà. Nhờ sự chăm sóc tận tình của cô, bà nội sống thêm được 20 năm nữa, đến năm 1985 thì mất, thọ 96 tuổi.

Sau khi ông bà qua đời, cô Kim Liên (lúc đó đã 32 tuổi) nguyện với lòng không lập gia đình để dồn sức lao động, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy 9 người em (trong đó có một người bị liệt) học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định. Khi các em lần lượt lập gia đình, ở riêng, mình cô Kim Liên ở lại với cha mẹ. Vì lao lực thời trẻ nên mẹ cô rất hay bệnh, sau đó phát hiện bị ung thư, cô Kim Liên đã tận tình chạy chữa, chăm sóc, đến năm 2003, mẹ cô mất, thọ 76 tuổi. Thời gian đó gia đình khó khăn, phải vay mượn nhiều nơi mới đủ tiền trị bệnh cho mẹ nên khi bà qua đời, cô Kim Liên lại vất vả lao động để giải quyết nợ nần; rồi phải vừa chăm sóc cho người cha đã 81 tuổi nhưng cô không hề buồn than hay nản lòng.

Trong thời gian chăm sóc bà nội bệnh, nghe lời cha, cô Kim Liên còn tham gia vào Ban cán sự phụ nữ khóm 2, phường An Hòa. Năm 1979, phường Cái Khế thành lập, cô về làm Hội phó Hội LHPN phường Cái Khế, vừa gánh vác việc nhà, cô vừa dồn sức gầy dựng phong trào tại địa phương. Tranh thủ lúc người thân nghỉ ngơi, cô đi vận động người dân làm đường, sửa trường, gây quỹ giúp học sinh nghèo, người già neo đơn, bệnh tật... Cô làm việc bất kể ngày đêm, bằng cả nhiệt tâm và tấm lòng biết sống vì người khác và tiếp tục tự học nâng cao trình độ. Năm 1982, cô Kim Liên được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1986, cô được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND phường, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy phường Cái Khế. Từ năm 1995 đến năm 2008, cô Kim Liên làm Phó Chủ tịch và Chủ tịch HĐND phường. Tháng 11-2008, cô nghỉ hưu. Năm nay cô đã 57 tuổi, là Bí thư Chi bộ khu vực 6 phường Cái Khế. Trong quá trình hoạt động của mình, cô Kim Liên được tặng thưởng rất nhiều Bằng khen, Giấy khen, Huy chương, Kỷ niệm chương với nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác.

Nói về cô Kim Liên, giọng bà Trần Hồng Tuyết Trân, Phó Chủ tịch HĐND phường Cái Khế, đầy cảm mến: “Đó là người phụ nữ giàu nghị lực. Cô không chỉ làm tròn vai trò người con hiếu thảo, người chị tận tụy, hy sinh cho gia đình mà còn đảm đương tốt mọi nhiệm vụ, là một đảng viên gương mẫu, tích cực trong các mặt công tác, hết lòng vì việc chung, không ngại khó, ngại khổ. Tính tình hiền lành, lối sống gương mẫu, giản dị của cô Kim Liên, nhất là tấm lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ của cô làm nhiều người dân trong khu vực yêu mến, nể phục. Với những phẩm chất đạo đức ấy, năm 2009, cô Kim Liên được nhận Huy hiệu Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Quận ủy Ninh Kiều trao tặng”.

Những ngày giáp Tết, cô Kim Liên và cha thường lên căn gác - nơi chứa nhiều món đồ cũ, những kỷ vật của gia đình đem ra ra lau chùi, sắp xếp lại và cùng nhau nhắc chuyện xưa, nhớ về những mùa xuân cả nhà sum họp vui vẻ. Cô Kim Liên tâm sự: “Giờ tôi chỉ mong ước cha sống lâu để tôi được phụng dưỡng người”. Chia tay cô Kim Liên, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ với mái tóc đã bạc ân cần choàng tấm áo ấm và quàng thêm chiếc khăn cổ cho cha trong không khí se lạnh cuối năm - một khoảnh khắc thật đẹp, thật xúc động của tình cha con, ấm áp như mùa xuân đang đến gần.

Chia sẻ bài viết