10/02/2011 - 08:48

Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội TP Cần Thơ:

Mở mũi đột phá toàn diện, phát huy vai trò trung tâm vùng

 

Năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ đạt mức 15,03%. Một kết quả khá ấn tượng, nhưng theo đánh giá của các sở, ngành thì kết quả tăng trưởng này chưa bền vững. Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt từ 16% trở lên. Để tăng bền vững, thành phố cần mở mũi đột phá toàn diện trên các lĩnh vực. Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội TP Cần Thơ, xung quanh vấn đề này.

* Với vai trò là cơ quan tham mưu trong việc hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, theo Tiến sĩ, để tăng trưởng nhanh và bền vững, TP Cần Thơ cần chọn hướng đi nào cho phù hợp?

- Năm 2010, tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ đạt mức 15,03%, cao nhất ĐBSCL và cao hơn các thành phố trực thuộc Trung ương khác được xem như là một điểm son trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này vẫn thiên về bề rộng (đầu tư vốn, thâm dụng lao động), thiếu chiều sâu (các yếu tố khoa học công nghệ); chỉ số cạnh tranh của TP Cần Thơ mặc dù được cải thiện nhưng vẫn đứng sau một số địa phương trong vùng ĐBSCL...

Năm 2011 là năm bản lề của giai đoạn 2011-2015, thành phố phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 16% trở lên. Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở phát triển cho những năm sau và đầu tư đồng bộ (cầu - đường, cảng - luồng,...) nhằm phát huy hiệu quả tổng hợp. Việc này cần nguồn vốn lớn, bên cạnh ngân sách trung ương và địa phương, thành phố cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến (kêu gọi) đầu tư từ nhiều nguồn vốn xã hội, đặc biệt tranh thủ các nguồn FDI, ODA và tài trợ khác. Song song đó, thành phố cần hoàn thành các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các quy hoạch ngành - chú ý tính liên kết ngành và địa phương trong vùng. Trong đó, tập trung cho xây dựng quy hoạch sử dụng đất, vì nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng các quy hoạch khác, dẫn đến tình trạng quy hoạch chồng chéo gây lãng phí thời gian, công sức và tiền của. Một vấn đề khác không kém phần quan trọng, nếu không muốn nói là mang tính quyết định, là đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chú ý cả 3 “khối” sản xuất - kinh doanh, nghiên cứu - phát triển, và quản lý - hoạch định chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai.

* Theo định hướng phát triển của thành phố đến năm 2020, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố công nghiệp. Song, với diện tích đất công nghiệp ít, quản lý ô nhiễm môi trường còn bất cập thì Cần Thơ cần phát triển công nghiệp theo hướng nào, thưa Tiến sĩ?

Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Cui. Trong ảnh: Tàu Phú Lâm 10, trọng tải 3.000 tấn xuất phát từ Cảng Hải Phòng đang nhận hàng. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN 

- Cũng cần hiểu thành phố công nghiệp trong bối cảnh của Cần Thơ là thành phố vùng đồng bằng, sông nước. Đất quy hoạch cho công nghiệp ở Cần Thơ không nhiều nhưng Cần Thơ đang dẫn đầu ĐBSCL về giá trị sản xuất công nghiệp; trong đó, công nghiệp chế biến nông, thủy sản luôn chiếm 96% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố. Phát triển công nghiệp thì địa phương phải dựa trên lợi thế đầu vào - tức nguồn nguyên liệu. Nằm tại trung tâm vùng sông nước, nếu Cần Thơ có công nghệ chế biến tốt và hiệu quả sẽ thu hút nguồn nguyên liệu nông - thủy sản từ các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Khi đó, đầu vào cho công nghiệp sẽ là đầu ra cho nông nghiệp: công nghiệp chế biến trở thành lực hút cho nông nghiệp trong vùng phát triển. Dù đang khát vốn, thành phố cũng cần “nói không với ô nhiễm”, hướng đến phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, viễn thông, năng lượng... để tạo đà cho phát triển công nghiệp công nghệ cao trong tương lai.

* TP Cần Thơ đứng trong tốp 15 về kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đang phấn đấu gia nhập câu lạc bộ 1 tỉ USD. Theo Tiến sĩ, để trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ vùng, Cần Thơ nên chọn khâu nào để đột phá?

- Trong nhiều năm qua, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ của TP Cần Thơ luôn cao hơn so với tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP. Mặc dù định hướng phát triển của thành phố là công nghiệp - thương mại- dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao, nhưng qua quá trình phát triển kết hợp với kinh nghiệm học được từ những nơi khác, TP Cần Thơ xác định cần phải phát triển công nghiệp gắn chặt với phát triển thương mại- dịch vụ. Trong đó, phát triển dịch vụ làm bệ đỡ cho hai lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.

Với những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, là trung tâm vùng ĐBSCL và được Trung ương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối toàn vùng, Cần Thơ nên và cần phát triển thành trung tâm thương mại dịch vụ cho cả vùng. Thành phố cần phát triển các loại hình dịch vụ chuyên sâu như: tài chính ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt là phát triển hệ thống kho vận (logistics) công nghệ cao để trở thành đầu mối vận chuyển hàng hóa dựa vào hệ thống đường bộ, đường thủy ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả của hệ thống cảng trung tâm. Sự chuyên nghiệp hóa trong phát triển dịch vụ sẽ nâng tầm vai trò hạt nhân của thành phố trong tương quan của vùng ĐBSCL. Từ đó tạo động lực phát triển và góp phần quảng bá hình ảnh của thành phố nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

* Theo Quyết định số 492/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP Cần Thơ là một trong bốn địa phương được quy hoạch là vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Với vai trò là hạt nhân trong liên kết vùng để phát huy tiềm năng, lợi thế vùng kinh tế trọng điểm, TP Cần Thơ cần tạo điểm nhấn như thế nào, thưa Tiến sĩ?

- Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (gồm 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ) còn rất non trẻ. Trong quá trình phát triển, mỗi địa phương cần phát huy lợi thế riêng của mình, đồng thời quan tâm đến lợi thế chung của cả vùng để liên kết (các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm và cả vùng ĐBSCL), tránh tình trạng phân tán nguồn lực về tài chính và con người. Đối với TP Cần Thơ, để phát huy những lợi thế sẵn có là vị trí trung tâm vùng, trước hết là liên kết nội bộ các ban ngành chuyên môn, tranh thủ và khai thác tối đa sự hỗ trợ (chất xám) của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố, các trường: Đại học Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ, ... cùng các nguồn lực khác của tư nhân để góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

Trong quá trình phát triển, vai trò trung tâm động lực vùng của thành phố Cần Thơ sẽ được thể hiện qua “nền công nghệ cao” trong: (1) phát triển nông nghiệp đô thị; sản xuất và cung ứng giống cây - con chất lượng cao cho nông nghiệp toàn vùng, (2) phát triển công nghiệp chế biến tinh, tạo lực hút cho phát triển nông nghiệp toàn vùng; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử - viễn thông, năng lượng, vật liệu mới, (3) phát triển dịch vụ chất lượng cao như kho vận, tài chính, bảo hiểm, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ,... vừa tạo lực hút và lực đẩy cho sự phát triển các ngành nông - công nghiệp.

Với những nguồn lực sẵn có và sự liên kết chặt chẽ, TP Cần Thơ sẽ làm tốt vai trò “nhạc trưởng” để đưa vùng ĐBSCL ngày một phát triển bền vững trong tương lai.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết