11/04/2012 - 20:35

Mở lối "cổng trời" cho đồng bằng cất cánh !

Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đủ năng lực vận chuyển 5 triệu hành khách mỗi năm.
Ảnh: QUỐC KHÁNH

Chưa bao giờ hệ thống cảng hàng không ở ĐBSCL lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Cảng Hàng không (CHK) Quốc tế Cần Thơ chính thức hòa vào đường bay quốc tế từ đầu năm 2011. Sân bay Rạch Giá (Kiên Giang), sân bay Cà Mau, sân bay Côn Đảo đã và đang khai thác... Cuối năm 2012 này, CHK Quốc tế Phú Quốc cũng sẽ khánh thành để mở đường bay ra thế giới. Tất cả tạo nên sức mạnh cho ngành hàng không ĐBSCL thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả vùng đất Chín rồng... CHK Quốc tế Cần Thơ cùng với hệ thống cảng biển, sông rạch đã tạo ra một hệ thống giao thông chiến lược đưa TP Cần Thơ trở thành một đầu mối giao thương của cả vùng châu thổ sông Cửu Long.

Bây giờ, vùng ĐBSCL có nhiều đường bay đi và đến. Sân bay Cần Thơ được nâng cấp từ năm 2005, trở thành CHK Cần Thơ đi vào hoạt động vào năm 2009 sau đó tiếp tục đầu tư kéo dài đường băng lên 3.000m để trở thành sân bay quốc tế từ cuối năm 2010. Sân bay Cà Mau từ năm 1995 được nâng cấp kéo dài đường băng chuyển từ sân bay phục vụ quân sự sang sân bay dân dụng, nay có nhà ga và đường hạ cất cánh chiều dài 1.500m, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR72 và các máy bay tương đương. Sau khi đưa vào khai thác cùng với việc đưa vào hoạt động cụm khí - điện - đạm Cà Mau, sân bay Cà Mau trở nên quá tải. Ngày nay, cụm CHK Cà Mau không chỉ phục vụ mỗi ngày một chuyến đi và về mà đã tăng số chuyến bay lên 2 lượt sáng, chiều vào ngày thứ sáu và chủ nhật hàng tuần. Kế đến là sân bay Phú Quốc và sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) cũng được nâng cấp đưa vào hoạt động thường xuyên hơn. Tới đây, khi Sân bay quốc tế Phú Quốc tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đi vào hoạt động sẽ tạo ra thế và lực mới phát triển mạng lưới hàng không đồng bằng. Sân bay Phú Quốc quy hoạch trở thành CHK Quốc tế cấp 4E, tiếp nhận các loại máy bay tầm xa như B777, B747-400, với nhà ga có công suất tiếp đón trên 2,6 triệu hành khách/năm. Giờ cao điểm có thể tiếp nhận 20 máy bay cùng lúc với khoảng 7 triệu lượt khách và khoảng 27.600 tấn hàng hóa qua cảng mỗi năm. Đảo ngọc Phú Quốc cũng đã được Chính phủ quy hoạch phát triển thành một đô thị hiện đại ở vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc. Những “cổng trời” liên tục được mở ra sẽ trở thành cơ hội lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển như lời nhắn nhủ của Thủ tướng Chính phủ dặn dò ngày khánh thành đưa vào khai thác đường bay Cần Thơ - Hà Nội hồi năm 2009.

ĐBSCL - vùng đất chiếm 21% số dân, có hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cùng lượng trái cây, thủy hải sản lớn nhất nước, giờ đây đang được các đối tác nhận định đã được rút ngắn khoảng cách nhờ những đường bay đi và đến ở nhiều tỉnh, thành trong vùng. Ông Trịnh Quang Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Nam Việt, cho biết: “Cầu Cần Thơ hoàn thành, chuyện “đò giang cách trở” trên tuyến quốc lộ 1 không còn nữa. Sân bay Cần Thơ khai thác đường bay nội địa và quốc tế giúp những nhà doanh nghiệp như chúng tôi đi lại nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Quả thực, có đường bay đã góp thêm động lực mới để chúng tôi đầu tư phát triển”. Tới đây, Tiểu vùng Tây sông Hậu (trong đó có Cần Thơ) không chỉ lớn nhất trong ba tiểu vùng thuộc đồng bằng Nam bộ mà còn là nơi tiếp giáp gần nhất với thị trường Mekong Delta (Thái Lan, Lào, Campuchia...), thuận lợi cho việc hòa nhập Asean với bán kính 500km chính là lợi thế hàng không của Cần Thơ đi đến các nước trong khu vực Đông Nam Á giao thương, đầu tư phát triển... Nhìn lại bốn năm qua, ĐBSCL dồn dập tin vui: Tổ máy số 1 Nhà máy điện Ô Môn - dự án điện đứng thứ nhì cả nước, đứng đầu ĐBSCL - hòa lưới điện quốc gia; khánh thành tổ hợp Nhà máy khí điện đạm Cà Mau; khởi công Sân bay quốc tế Phú Quốc; khánh thành cầu Rạch Miễu; khánh thành đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương; khánh thành cầu Cần Thơ; đưa công trình đường Nam sông Hậu vào sử dụng; khởi công dự án đào kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn vào cảng; hoàn thiện dự án nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ - Cà Mau...

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhận định: Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ sẽ cùng sân bay Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc tạo thành hệ thống cảng hàng không liên hoàn, thúc đẩy các loại dịch vụ tài chính, ngân hàng, kho vận, hậu cần, du lịch... phát triển, góp phần đánh thức tiềm năng kinh tế cả vùng đất rộng lớn, trở thành điểm nhấn quan trọng cho công cuộc hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Theo kế hoạch khai thác trong tương lai, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ sẽ có các đường bay nội địa: Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Đà Nẵng, Cần Thơ - Đà Lạt, Cần Thơ - Cam Ranh và ngược lại; các đường bay quốc tế Cần Thơ đến Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore, Malaysia và ngược lại nâng cao năng lực vận tải của sân bay Cần Thơ là 10 triệu lượt hành khách/năm. Các sân bay Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo cùng với Cụm cảng hàng không Cần Thơ sẽ góp phần tạo thành một hệ thống cảng hàng không liên hoàn, tạo ra một mạng lưới giao thông hàng không đồng bộ, khơi dậy và đánh thức tiềm năng kinh tế của cả vùng đất rộng lớn ở miền Tây Nam của Tổ quốc.

QUỐC THỊNH

Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đủ năng lực vận chuyển 5 triệu hành khách mỗi năm. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết