08/04/2018 - 15:12

May, bóc vỏ hạt điều gia công

Mô hình giải quyết việc làm thiết thực 

Xã ngoại thành Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh có đông hội viên phụ nữ làm nghề mua bán nhỏ và nội trợ nên đời sống chị em còn nhiều khó khăn. Để giúp hội viên tranh thủ thời gian nhàn rỗi, thêm thu nhập, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã triển khai nhiều hoạt động, mô hình giải quyết việc làm thiết thực, trong đó, nổi bật mô hình làm hạt điều và may gia công. Qua đó, giúp chị em nâng cao mức sống, cải thiện kinh tế gia đình.

Mô hình bóc vỏ hạt điều gia công thu hút nhiều hội viên tham gia.

Là người tổ chức mô hình gia công hạt điều cho hội viên phụ nữ, chị Phạm Thị Bích Ngân, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh, kể: “Cơ duyên tôi biết công ty hạt điều ở Bình Phước, rồi nhận hàng gia công. Sau thời gian ngắn làm thử thành công, thấy công việc bóc vỏ hạt điều tương đối nhẹ nhàng, tôi vận động chị em cùng tham gia”. Chúng tôi đến nhà chị Bích Ngân đúng lúc hội viên đang nhận hàng về nhà gia công. Chị Ngân phấn khởi: “Hiện nay, cách 3 ngày, công ty chuyển 2 tấn hạt điều đến để tôi phân phối lại cho các chị. Không chỉ hướng dẫn chị em cách bóc vỏ lụa hạt điều, tôi sắp xếp hơn 100 chị làm việc tại 3 tổ nhỏ để dễ sinh hoạt, quản lý. Qua đó, vừa giải quyết việc làm cho hội viên, vừa nhanh chóng hoàn thành đơn hàng, tạo uy tín làm ăn lâu dài”.

Theo chị Ngân, gia công hạt điều không khó, chỉ cần người làm tỉ mỉ, chịu khó. Theo quy định công ty, cứ 10kg hạt điều nguyên liệu, phần vỏ không vượt quá 600g và phải phân loại từng túi riêng biệt: hạt nguyên, hạt vỡ, hạt sâu và vỏ. Cứ 1 ký hạt điều hao hụt sẽ trừ 220.000 đồng. Mỗi thành viên nhận bóc vỏ hạt điều với giá 5.000 đồng/kg. Công việc này thu hút nhiều chị em lớn tuổi, nội trợ tham gia. Chị Đoàn Thủy Tiên, ngụ ấp Vĩnh Thành, cho biết: “Ban ngày, tôi đi làm, buổi tối tranh thủ nhận bóc vỏ hạt điều. 2 ngày tôi bóc vỏ khoảng 10kg hạt điều, thu nhập khoảng 500.000 đồng/tháng”. Đối với chị Võ Thị Mến, ngụ ấp Vĩnh Thành, nghề này không có thu nhập cao nhưng phù hợp với người làm nội trợ, không việc làm như chị. Chị Mến nói: “Tôi không có việc làm, còn chồng làm thuê. Tôi nhận hạt điều về gia công, kiếm trên 1 triệu đồng/ tháng”.

Cùng với mô hình bóc vỏ hạt điều gia công, Hội LHPN xã Vĩnh Trinh đang chuẩn bị ra mắt mô hình tổ may gia công  tại ấp Vĩnh Thành, với sản phẩm chủ lực là mặt hàng áo nệm. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết: “Khi có đầu mối nhận may áo nệm, tôi vận động chị em tham gia. Hiện, ngoài thành viên trong gia đình tôi, có 9 hội viên khác nhận hàng về may. Nghề này không đòi hỏi chị em phải khéo léo, chỉ cần may đường thẳng và may dây kéo có sẵn vào áo nệm với kích cỡ khác nhau. Tuy đơn giản nhưng giá gia công khá cao 3.500 đồng/áo nệm. Mỗi ngày, tôi tranh thủ may khoảng 40 áo nệm, thu nhập hàng tháng khoảng 4 triệu đồng”. Cùng nhận may gia công áo nệm, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến chia sẻ: “Với chiếc máy may thường, mỗi ngày tôi may khoảng 20 áo nệm. Mới đây, tôi lắp đầu mô tơ điện để may nhanh hơn, đạt năng suất cao hơn”. Hiện trung bình mỗi chị may ít nhất 20 áo nệm/ngày, thu nhập từ 2 – 4 triệu đồng/tháng nên chị em rất phấn khởi.

Chị Trần Thị Thơi, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Với đặc thù địa phương có đông hội viên phụ nữ làm nội trợ, thời gian nhàn rỗi nhiều, những mô hình gia công thiết thực giúp chị em kiếm thêm thu nhập, trang trải phần nào chi tiêu gia đình. Không chỉ có việc làm, thu nhập, các mô hình này góp phần hạn chế tình trạng tệ nạn, bài bạc; hướng hội viên khó khăn thêm yêu lao động, hình thành thói quen tiết kiệm, tích lũy để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”. 

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết