06/06/2010 - 20:42

Mô hình đan chậu hoa kiểng lục bình ở xã Nhơn Ái

Phụ nữ ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, vui mừng khi có được nghề đan chậu hoa kiểng lục bình.

Không ít phụ nữ ở ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, thu nhập thất thường, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, mô hình đan chậu hoa kiểng lục bình được thành lập tại ấp Nhơn Bình, đã tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho chị em nơi đây.

Sáng sớm một ngày cuối tháng 5-2010, chị em ở ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền đã tập trung rất đông ở nhà bà Trần Thị Ảnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Bình để giao sản phẩm và nhận nguyên liệu đan chậu hoa. Bà Ảnh cho biết: “Tôi phụ trách khâu nhận nguyên liệu đan chậu hoa từ Hợp tác xã (HTX) Kim Hưng, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, rồi phân bổ cho các hội viên trong mô hình, sau đó thu gom sản phẩm giao lại cho HTX, mỗi tuần giao sản phẩm 1 lần”. HTX Kim Hưng cung cấp chậu mủ và giấy carô cho mô hình đan chậu hoa, còn cọng lục bình, bà Ảnh mua của HTX rồi bán lại cho các hội viên. Bình quân mỗi tuần, bà Ảnh mua từ 150-200kg cọng lục bình, giá 6.900 đồng/kg, sau đó, bán lại cho các hội viên với giá 7.000 đồng/kg. Hầu như khi cân lục bình bán lại cho các hội viên, bà Ảnh đều bị lỗ vì lục bình bị mất ký, nhưng điều đó không làm bà buồn, trái lại, bà luôn vui vẻ vì thấy việc làm của mình có ý nghĩa, giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh gia đình khó khăn...

Năm 2009, Hội liên hiệp (HLH) Phụ nữ xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, vận động phụ nữ ấp Nhơn Bình tham gia mô hình đan chậu hoa kiểng lục bình. Các chị em nơi đây đều nhiệt tình hưởng ứng. Bà Phan Tuyết Sương, Phó Chủ tịch HLH Phụ nữ xã Nhơn Ái, cho biết: “Nhiều phụ nữ ấp Nhơn Bình ngoài thời gian nông nhàn thường không có việc gì làm. Tháng 8-2009, chúng tôi mở lớp dạy nghề cho 30 chị em ở ấp Nhơn Bình. Trong vòng 1 tháng, các học viên có thể đan thành thạo và đẹp mắt. Sản phẩm họ làm ra đều được HTX Kim Hưng thu mua”.

Ban đầu khi thành lập mô hình đan chậu hoa kiểng lục bình, cô Đoàn Thị Chức, Chủ nhiệm mô hình đan chậu hoa kiểng lục bình và chị Trần Thị Thê, hội viên trong mô hình, được cử đến HTX Kim Hưng học nghề, rồi về dạy cho các chị em ở ấp Nhơn Bình. Cô Chức, chị Thê đều là những người dạy nghề rất nhiệt tình. Tại nhà cô Chức thường có vài chị em trong ấp đến ngồi đan chậu hoa, công việc không chỉ diễn ra nhanh mà còn giúp các chị em chia sẻ, giãi bày những khó khăn trong cuộc sống. Những chị em chưa tham gia lớp học nghề cũng hay nhờ cô Chức chỉ dẫn. Cô Chức cho biết, vật liệu đan chậu hoa kiểng lục bình rất đơn giản, gồm: 1 khuôn sắt, kiềm, kéo, chậu mủ, giấy carô và cọng lục bình. Nghề đan chậu hoa kiểng không khó, chỉ cần người đan có tính cẩn thận, tỉ mỉ. Mỗi chậu hoa kiểng đan khoảng hơn 1 giờ. Chi phí mỗi chậu hoa kiểng khoảng 1.200 đồng (chỉ tốn tiền mua cọng lục bình, những vật liệu khác đều do Hợp tác xã Kim Hưng cung cấp), sau đó bán lại cho HTX Kim Hưng với giá 5.200 đồng/chậu hoa.

Từ khi có nghề đan chậu hoa, chị Trần Thị Thê có thêm thu nhập để lo cho đứa con trai sắp học lớp 10. Vợ chồng chị Thê trước đây sống bằng nghề cắt lúa và làm cỏ mướn, thu nhập thất thường, có khi cả tháng mới có người thuê. Gia đình phải ở nhờ đất của anh hai chị Thê. Nhờ có nghề đan chậu hoa, mỗi ngày chị Thê kiếm được số tiền trên 20.000 đồng. Bình quân chị đan khoảng 6 chậu hoa/ngày, thỉnh thoảng đan thêm buổi tối được khoảng 3 chậu.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (hội viên trong mô hình) không có ruộng, sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, nuôi 4 đứa con nhỏ. Chồng làm mướn cho công trình làm đường được 70.000 đồng/ngày, còn chị Hoa thì đi cắt lúa mướn theo mùa vụ, được khoảng 50.000 đồng/ngày. Khi hết mùa thu hoạch lúa, chị Hoa thường không có việc làm. Được sự vận động của các chị em trong xóm ấp, tháng 8-2009, chị Hoa tham gia lớp học nghề đan chậu hoa lục bình. Thời gian đầu, chị đan được 5 chậu hoa/ngày, giờ thì đan được 8 chậu hoa/ngày. Bình quân mỗi ngày chị thu nhập từ đan chậu hoa khoảng 30.000 đồng. Chị Hoa bộc bạch: “Có thêm được cái nghề, không khí gia đình tôi vui vẻ hẳn lên, nhất là chồng tôi. Tôi đã phụ giúp chồng tiền mua gạo, tiền quà bánh cho con khi đến trường...”. Mỗi lần chị Hoa ngồi đan chậu hoa thì hai cô con gái cũng tập tành đan giúp, chủ yếu là đan phần thân chậu.

Cuộc sống gia đình chị Phạm Thị Thu Trang (hội viên trong mô hình) giờ đây đã tương đối ổn định. Ngoài thời gian làm rẫy, chị Trang nhận đan chậu hoa. Tuy thu nhập không cao, chỉ khoảng 20.000 đồng/ngày nhưng chị Trang lại thấy vui mừng vì đã kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Vợ chồng chị Trang có hai đứa con trai (9 tuổi và 5 tuổi), chồng làm nghề bốc vác, thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày, còn chị thì lo chăm sóc 1 công rẫy (trồng dưa leo, đậu xanh, bắp cải...) có khi trúng mùa, có khi thất bát. Nhờ có nghề đan chậu hoa chị Trang đã trang trải được phần nào chi phí trong gia đình.

Chị Bùi Thị Oanh (hội viên trong mô hình) bộc bạch: “Từ khi có nghề đan chậu hoa, kinh tế gia đình tôi không còn khó khăn như trước. Giờ gia đình tôi sẽ cố gắng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, mong muốn tương lai của con không vất vả như cha mẹ”.

Giờ đây, không khí lao động với nghề đan chậu hoa ở ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền sôi nổi và nhộn nhịp hẳn lên. Chị em nơi đây nói cười rôm rả, không giấu được niềm vui mừng khi có thêm một nghề mới, giúp họ kiếm thêm thu nhập, trang trải những chi phí sinh hoạt trong cuộc sống.

Thấy được hiệu quả từ mô hình này, nên tháng 3-2010, HLH Phụ nữ xã Nhơn Ái đã nhân rộng mô hình sang ấp Nhơn Thọ 2, với 30 hội viên và dự tính trong tháng 6-2010 sẽ tiếp tục nhân rộng đến ấp Nhơn Thọ 1A. Bà Phan Tuyết Sương, Phó Chủ tịch HLH Phụ nữ xã Nhơn Ái, cho biết: “Trong các mô hình: chăn nuôi heo, nuôi trăn, trồng màu, nuôi heo đất... thì mô hình đan chậu hoa kiểng lục bình ở ấp Nhơn Bình là đạt hiệu quả cao nhất. Hiện nay, số lượng hội viên trong mô hình này tăng từ 30 lên khoảng 50 người, chưa tính trong gia đình mỗi hội viên có thêm người thân cũng biết đan. Chúng tôi sẽ cố gắng nhân rộng mô hình này đến nhiều xóm ấp khác để các chị em có công ăn việc làm, cải thiện đời sống gia đình và làm thay đổi bộ mặt của một ấp còn nhiều khó khăn”.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết