10/09/2017 - 22:53

Mở đường lên núi 

Núi Dài Lớn (Ngọa Long Sơn) thuộc vùng Bảy Núi- An Giang trước kia là một vùng đồi núi bao la, rừng cây rậm rạp, cư dân thưa thớt. Kể từ khi Chi cục Kiểm lâm An Giang có dự án trồng rừng phòng hộ xen lẫn vườn cây ăn trái và hoa màu giúp cho người dân tăng thu nhập, ai cũng phấn khởi. Tiếc thay, đường lên núi vẫn còn ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Một số nông dân đã vận động bà con chung sức mở đường lên núi...

Dù chính quyền địa phương đã đầu tư thực hiện nhiều con đường giao thông, nhưng chưa thể vươn đến một số ngọn núi cao như núi Cấm, núi Dài Năm Giếng, núi Dài Lớn… Vì vậy, người dân đã cùng nhau làm đường lên núi bằng kinh phí tự túc. Điển hình, núi Dài Lớn có hai con đường từ chân núi lên tới khu vực Ô Sìn và Suối Vàng đã hoàn thành. Những con đường xuyên núi đoạn nào cũng chắc chắn, nhất là những nơi lên dốc và các cua quẹo, bởi người làm đường cũng là người sử dụng đường, rất chú ý đến an toàn giao thông.

Ông Lê Công Tảo (giữa) người vận động mở đường, xây cầu lên Ô Sìn- núi Dài Lớn.

Núi Dài Lớn kéo dài 8.000 mét, nối liền các xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn. Dọc các triền núi có nhiều ô và suối như Ô Tà Sóc, Ô Vàng, Ô Sìn… là những nơi cây ăn trái và hoa màu phát triển xanh tốt. Ông Lê Công Tảo 54 tuổi, gia đình đã ba đời sinh sống tại Ô Sìn, hiện là Chi hội trưởng Chữ thập đỏ và là Tổ trưởng Tổ hợp tác bảo vệ phát triển rừng khu vực Ô Sìn. Ông cho biết bà con ở đây trồng xoài, mít, chuối, đu đủ và các loại rau củ nhưng khâu vận chuyển xuống núi vất vả, lại tốn kém. Chính vì vậy mà ông và những người cùng chí hướng thành lập Ban Vận động mở đường lên núi. Ban Vận động được sự thống nhất từ UBND thị trấn Ba Chúc, Đảng ủy và Ban Nhân dân sở tại, mới tiến hành họp dân lấy ý kiến trước khi bắt tay làm đường. Bà con góp công, góp của làm đường giao thông bằng bê tông từ chân núi lên tới chốt Ô Sìn dài 3.557 mét, phần bê tông rộng 1,2 mét, đủ cho một xe máy thồ hàng lên xuống núi. Tổng kinh phí làm đường là 643.527.000 đồng và 1.636 ngày công.

Ông Lê Công Tảo bộc bạch: “Suốt thời gian thi công chúng tôi không lúc nào yên giấc, vừa lo vận động kinh phí, vừa đốc thúc anh em. Đây là công việc nặng nề, mấy chục thanh niên cuốc đất, trộn hồ, xeo đá, khuân vác; phụ nữ lo cơm nước. Họ làm việc cật lực từ sáng cho đến lúc mặt trời xuống núi mới nghỉ tay. Hạnh phúc lớn nhất là trong quá trình thi công, các anh bộ đội trên núi đã ra sức hỗ trợ cho đội”. Sau 3 tháng “đào đá vá đường”, con đường đã hoàn tất trong niềm hân hoan của người dân ấp An Hòa B, thị trấn Ba Chúc. Trong buổi lễ khánh thành, lòng ai nấy đều vui như mở hội. Ngoài làm đường, bà con còn chung tay làm một cây cầu bê tông dưới chân núi để xe hai bánh lưu thông dễ dàng.

Mở đường lên núi Dài Lớn còn có ông Đào Văn Đua (Hai Đua), 74 tuổi, nông dân có 3ha đất rừng và vườn cây ăn trái trên Ô Vàng. Ông đứng ra vận động bà con mở đường từ thôn An Lập xưa lên đến Ô Vàng dài hơn 3.000 mét với kinh phí trên 500 triệu đồng, trong đó cá nhân ông đóng góp khá lớn. Ông Hai làm đường lên núi với tâm nguyện sẽ góp sức để vùng đất trù phú hơn. Theo truyền thuyết, trên đỉnh núi xưa kia có 2 dòng nước, một dòng óng ánh màu vàng gọi là ô vàng; một dòng trắng đục gọi là ô bạc. Hai dòng nước nầy hòa quyện vào nhau để cung cấp cho cả khu vực xung quanh. Từ bao đời nay, bà con yêu quý núi rừng, ra sức trông nom gìn giữ các dòng suối, bởi đó nguồn sống của vườn cây ở đây. Ông Hai Đua cho biết bình quân mỗi hộ thu hoạch từ 3- 5 tấn trái cây/ năm, thế nhưng đường sá khó khăn, hàng chuyển xuống núi không kịp, bị ứ đọng khiến bà con trăn trở. Sau khi ông đưa ra ý tưởng làm đường, mọi người đều ủng hộ, mỗi hộ đóng góp từ 2- 10 triệu đồng tùy theo điều kiện kinh tế gia đình. Tập thể đã đề cử ông, một lão nông có uy tín nhất trên Ô Vàng làm “thủ lĩnh”. Giờ đây, con đường bằng bê tông đã khai thông, các thương lái chạy xe lên tới tận vườn định giá, các xe thồ rầm rộ chuyển hàng xuống núi.

Từ khi những con đường xẻ dọc núi Dài Lớn hoàn thành, đời sống cư dân từng bước nâng lên. Trước kia, sau khi thu hoạch măng tre, trái cây, rau củ, củi đuốc, bà con phải mướn người khuân vác, gánh gồng xuống núi, chi phí quá cao. Còn bây giờ thì xe gắn máy có thể thồ trên 150 kg/chuyến và chỉ mất 20 phút. Ông Huỳnh Văn Bé, cán bộ lâm nghiệp thị trấn Ba Chúc cho biết: “Những con đường trên núi Dài phục vụ cho hàng trăm hộ gia đình đang trồng trọt trên núi và hơn 150 lao động thường xuyên thồ hàng lên xuống núi, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới và phục vụ sản xuất”. Ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng trạm Kiểm lâm xã Lê Trì, huyện Tri Tôn phấn khởi: “Trước đây bà con được phép tuyển cây rừng bán, giá mỗi cây chỉ có 100.000 đồng mà không ai mua vì thiếu phương tiện vận chuyển xuống núi. Từ khi có đường, giá mỗi cây tăng lên 600.000 đồng, thế mà không đủ bán. Hiện nay, đường lên Ô Sìn và Ô Vàng mỗi ngày có đến 40 xe thồ hai bánh chuyên dụng chở cây xuống núi giao cho các thương lái, giúp hàng trăm thanh niên có công ăn việc làm ổn định”.

Từ ngày có những con đường bê tông lên núi, việc phòng chống hỏa hoạn hiệu quả hơn. Khách du lịch cũng bắt đầu thuê xe ôm (xe khách) lên núi tham quan các vườn cây đặc sản. Hy vọng vào một ngày không xa, ở nơi non cao, du lịch sinh thái sẽ phát triển, đưa đời sống của bà con thêm sung túc...

HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết