24/09/2017 - 10:30

Miễu ghe 

Truyện ngắn: LƯƠNG MINH HINH

Cô Hai Suôn lập miễu thờ ở rừng Rạch Nước! Cái tin này đưa về bến đình và lan khắp các bến nhà Rạch Nước, rồi truyền ra sóng nước Cửu Long, đò giang gặp nhau báo tin về miễu được lập trong rừng hoang vu.

Miệt nước nổi, lời truyền tin quý như con nước đưa phù sa tràn lan mọi cánh đồng. Ông bà xưa gặp nhau là gác chèo xởi lởi chuyện nhà, chuyện làm ăn. Tiền hiền hậu hiền cắm cọc neo ghe, lập đình mở Lễ Kỳ Yên cầu quốc thái dân an. Nhắc vậy để khen sự vụ mới diễn ra: Cô Hai Suôn lo công chuyện trong rừng hoang dã.

 

Bà Sáu Củi- vợ ông thủ đình làng Rạch Nước thắc mắc: Ngày xưa dân tứ chiếng tụ lại mở làng hạ bạc, nay vì cớ gì cô Hai Suôn lập miễu? Ông thủ đình giải thích: Chắc để tạ ơn trời đất. Xa gần ai cũng biết cô Hai Suôn gom vớt Lúa Trời bậc nhứt. Cả các giảng sư canh nông ở trường đại học lớn nhất châu thổ mình, các chuyên gia giống lúa nước ngoài tìm gặp để xin những bông Lúa Trời, Lúa Ma cô lượm trên đồng hoang đặng lai tạo mà ra giống lúa tốt nhất cho đồng đất Cửu Long...

Bà Sáu nghe vậy xách giỏ cói xuống ghe, giựt máy chạy mất. Ông thủ đình chưng hửng. Bà nhà tui tính về rừng từ hồi nào? Hổng lẽ khen cô Hai Suôn mấy câu mà giận bỏ đi như vậy?

o0o

Hai Suôn sống dưới ghe ông bà để lại. Cái ghe cổ này đặc biệt. Tương truyền gia tiên coi làm ghe là công chuyện đại sự, mướn người lên núi cao rừng già đặt lễ dưới mấy loại cây đại thụ xin Thần Rừng cho cây làm nhà ghe. Nên ghe xuôi ngược muôn trùng sóng nước truyền năm truyền đời mà không hề hư hỏng.

Từng có lúc nhà ghe này tứ đại đồng đường. Ấy là khi Hai Suôn chào đời, góp mặt cùng mẹ, bà ngoại và bà cóc ngoại. Được ba năm thì mẹ của Hai Suôn đi lặn ngụp mò củi bắt tôm, bị cảm mạo đột tử trong cánh rừng ngập nước. Bà ngoại đứng chủ nhà ghe, ngán rừng, bà đưa ghe bán dạo hàng bông. Ghe tới chợ và cô bé Hai Suôn được gửi học ở ông giáo chuyên dạy chữ cho trẻ sinh ra trên ghe. Cuộc dạy học tay đôi không theo bài bản, tuần học vài ba ngày còn thì về ghe tự học. Vậy mà ba năm sức học Hai Suôn ngang tầm lớp năm. Ngoại cũng chỉ ghe dạo dăm năm thì về cõi thiên thu.

Bà cóc ngoại cửu tuần, đốt nhang và kêu cháu cùng quỳ gối khấn thỉnh. Cóc thỉnh cầu Trời Đất phù hộ cho bà sống, bà quyết sống với cháu dài dài. Cóc xin Trời Xanh Đất Thiêng, cóc xin các linh thần, linh vật, linh nhân… cho cả bà và cháu lo được cái nhà ghe tốt lành. Lúc người cầu thọ qua ngưỡng bách niên, tuổi cao sức lực chẳng còn bao nhiêu, thì Hai Suôn áp tuổi vị thành niên, lo chạy ghe và mua bán hàng cũng đã nhuần.

Sau bà ngoại, bà cóc trở lại đứng chủ ghe. Cóc ngồi tựa vách ghe trông chừng Hai Suôn buôn bán. Hai Suôn mua đi bán lại phải có lời, nhưng cóc cứ bắt Hai Suôn bán bằng giá mua vào, bởi bà chê cháu ăn tiền của người, có lúc buồn giận Hai Suôn quá, cóc xỉu luôn! Hai Suôn thông minh nghĩ ra, thôi thì mình đi kiếm hàng ở đồng hoang rừng sâu ra bán cho cóc vui cóc khỏe.

Hai Suôn sắm câu, lưới, rọ, đó… rồi hỏi cóc bắt cua cá chỗ nào? Cóc nghiêng ngó trời đất quơ tay vào gió nắng mưa sa rồi chỉ đường… Hai Suôn lo liềm dao rồi hỏi lấy rau củ ở đâu? Cóc nhìn ngóng một hồi rồi chỉ hướng tới tới. Cứ theo cóc chỉ là tới chỗ có nhiều sản vật. Cả đời cóc làm ăn siêng năng, nên những kinh nghiệm vẹn nguyên. 

Rồi cũng đến lúc cóc sức kiệt. Cóc đang mệt lả bỗng tỉnh táo. Cái sự tỉnh táo của người trước lúc lâm chung dành cho hậu duệ.  Bà cóc ngồi thẳng lưng thẳng đầu lên tiếng trong trẻo: Hai Suôn, cóc không có cơ hội làm cái lễ bàn giao nhà ghe cho cháu rể của cóc. Mai mốt cưới, nhớ làm ghe hoa nghe hông? Rồi cóc từ cõi tạm về cõi thiên thu. Người chung đường sông nước xúm tới đưa bà từ nhà ghe lên bờ kinh xanh tươi cỏ cây.  

Hai Suôn thuộc nằm lòng mùa vụ cá tôm rau cỏ khắp giang đồng. Cô chủ ghe vị thành niên mà hái lượm bắt cá tôm đầy ghe ra chợ bỏ mối. Tiền dư ngày ngày xếp dưới cái bàn thờ đặt gần cần lái ghe. Những năm sống cùng cóc, Hai Suôn thích nhất việc lấy Lúa Trời, Lúa Ma. Vụ lúa, mỗi ngày cóc chỉ mỗi chỗ lấy lúa. Cóc ngắm cháu bứt những bông lúa vàng uốn cong cong đong đưa nhịp sóng. Trước khi rời đi, cóc xòe tay vét những hạt thóc rụng tung vào các dề cỏ nước. Lúc đầu Hai Suôn nghĩ cóc chia phần cho cua cá, sau mới biết bà để giống cho mùa sau. Hai Suôn cũng làm như thế. Lúc đầu cô để lại ít bông lúa đứng trong nước. Mùa sau thấy lúa trời nhiều hơn, nên lấy lúa về nhà, chờ tới mùa vụ ủ mầm đem gieo trên đồng. Thế là thu hoạch bộn. Phải trữ kho, là nách của gốc gừa cổ thụ trong rừng. Lúa nhiều cũng chỉ xài dịp Tết nhất, cúng giỗ tổ tiên, tuần rằm…

o0o

 Sáu Củi chạy ghe miên man trong rừng rồi cũng tìm thấy gốc gừa lão. Hai Suôn đang nằm nghỉ trên ghe.

- Chào cô Hai Suôn!- Sáu Củi áp lườn ghe- Tôi là Sáu Củi vợ thủ từ đình Rạch Nước, cô nhớ hông? Tôi đi tìm Lúa Ma. Cô chỉ cho tôi theo tìm nha!

Hai Suôn đành phải mất cả buổi giải thích rằng Lúa Ma giờ đã được lai với lúa khác tạo giống chất lượng cao góp phần đưa sản lượng gạo nước mình hàng đầu thế giới. Rồi khuyên Sáu Củi, hằng ngày xứ mình nhiều đặc sản để làm giàu lắm. Này nha: bồn bồn, năn, lác, ngò om, bông súng, củ co, cua, ốc, ếch, nhái… ở nội đồng ê hề, mà ra thị thành là đặc sản thượng thặng. Dân thị thành quốc nội, du khách quốc ngoại… tới nhà hàng ăn uống đều kêu mấy món này. Hai Suôn kể mua đất cắm ranh lập các khu rừng gỗ than đước, nuôi ba sa, lươn, cua, ếch, chim nước… trồng cỏ năn, điên điển, bần ổi, măng cụt… Rồi kiếm người góp công góp sức làm khu nhà sàn, bên dưới neo tàu ghe, trên thì nơi ở, thu hút khách du lịch.

Sáu Củi nghe đến đó thì hơi buồn: - Tôi cứ nghĩ cô lập Miễu Ghe. Nghe miễu rừng tôi mừng không ngủ được. Cô Hai à, tôi tên Sáu Củi cha mẹ tôi sống chết ở rừng này. Không biết chết sao, không có ngày giỗ, không có nấm cỏ xanh. Nghe cô lập miễu, tôi nghĩ mẹ cha tôi được qua thời cô hồn ở rừng hoang.

- Bà Sáu đừng buồn tủi. Ở đây có Miễu Ghe cổ. Tôi dẫn bà đi coi.

Hai Suôn dẫn Sáu Củi chèo đến một bụi gừa chụm gốc quyến rễ, cành tỏa tán lá. Hai Suôn sửa cái hốc cây thành hình mũi ghe, thân ghe, lại thêm một cái ghe gác trên đám rễ gừa có những mảnh sành sứ đồ thờ. Hai Suôn nghĩ đây là một chỗ thờ tự đặc biệt và cùng các cán bộ nhà bảo tàng thắp nén nhang đầu tiên. Từ đó cái tên Miễu Ghe lan truyền.

Bà Sáu cùng Hai Suôn thắp nhang. Khói trầm ngạt ngào. Cảm xúc bừng lên Sáu Củi chộp lấy tay Hai Suôn nói: Cô Hai, tôi về bàn với ông nhà tôi, chúng tôi thủ Miễu Ghe nha cô Hai, sẵn cô dạy tôi làm ăn từ đặc sản xứ mình. Hai Suôn mừng còn không kịp. Châu thổ đã hào phóng với Hai Suôn, cô đối với người đồng xứ sở cũng phóng khoáng vô cùng.

Chia sẻ bài viết