24/02/2011 - 14:07

Miền Tây truyền lửa Việt cho học sinh Mỹ

Học sinh SYA học cách trải nghiệm cuộc sống nông dân.

Các học sinh School Year Abroad - Vietnam (SYA Vietnam) rời khỏi ĐBSCL sau một tuần học hỏi thực tế ở Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang. Các học sinh trung học này học tiếng Việt từ tháng 8-2010, đi thực tế và sẽ “vẽ lại chân dung ĐBSCL”, phân tích mọi khía cạnh đời sống khi trở lại trường.

Mối quan tâm không khác người lớn

Lần đầu tiên đến Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, vùng đất đang chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu và bắt đầu nhận ra sự trả giá khi chạy đua tăng trưởng, Sonya Alexandra Schoenberger chăm chú nghe mọi thứ về cây lúa và muốn nghe lời giải thích về bảng so màu lá để kiểm soát (nitrogen) trên ruộng lúa, còn Paul Francis Dillon quan tâm nhiều đến việc làm ra lúa gạo thì xuất khẩu sang thị trường nào? Cả hai bạn đều là những học sinh trung học từ Hoa Kỳ sang Việt Nam học hỏi trong một năm tại School Year Abroad Vietnam (SYA Vietnam).

Chương trình SYA-VN, theo ông Vũ - Đức Vượng, người điều hành SYA-Vietnam, ngoài những sinh hoạt căn bản chung như sống trong một gia đình người bản xứ, học hỏi về ngôn ngữ và văn hóa, v.v... còn đặt trọng tâm vào hai việc: làm việc tình nguyện trong một cơ sở ở Việt Nam và học chuyên thêm về môi trường đang thay đổi của Việt Nam. Nhờ đó, mối quan tâm của những con người cách xa nhau nửa vòng trái đất có vẻ như bắt đầu nhận ra giá trị thật và sự phức tạp từ cuộc sống nhiều thách thức.

“Việt Nam tương đối mới hội nhập với thế giới và còn đang ở bước đầu xây dựng công nghệ; và trong tiến trình này môi trường... đang bị lạm dụng nặng nề về mọi phương diện: không khí, nước uống, nước thải, rác rến, khói xe, công nghiệp làm ô nhiễm môi trường, v.v.”, ông Vượng cho rằng ngay cả tư duy bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau còn được hưởng cũng còn hạn chế. Có lẽ vì vậy, ông muốn đưa các học sinh của SYA- Vietnam đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Dấu ấn Việt

Sinh ra ở Nam Định, lớn lên ở Sài Gòn, rồi định cư ở thành phố San Francisco, Hoa Kỳ sau thời gian du học ở Mỹ từ năm 1968, ông Vượng tốt nghiệp các ngành chính trị, xã hội học, và luật, chọn công việc tổ chức cộng đồng trong gần 20 năm, và trong khoảng 15 năm sau này, chuyển sang nghề dạy học. Hai môn chính là bang giao quốc tế và xã hội học tại các trường vùng Bắc bang Cali. Mất 26 năm sau mới trở về Việt Nam, cho tới mùa xuân năm 2010, nhận công việc điều hành SYA-VN và sống thường trực ở Hà Nội... từ năm 2005 tới nay, hàng năm ông dẫn một lớp sinh viên về Việt Nam để học về đất nước và xã hội Việt”, ông muốn khắc họa dấu ấn Việt thông qua lớp học này.

Lớp học ở Việt Nam của SYA nói lên điều gì? “Ít nhất có ba điều: Nước Mỹ có nhiều gia đình vẫn quan tâm đến thế giới bên ngoài, có một số học sinh vẫn còn muốn tìm hiểu về Việt Nam và nước ta, tuy nghèo, nhưng vẫn có sức lôi cuốn những người chưa biết chút gì về Việt Nam”, ông Vượng nói.

Chuyến đi ĐBSCL, theo ông Vượng, may mắn được nhiều nhà chuyên môn ở địa phương dẫn giải và chỉ đường để các em nắm được những dữ kiện quan trọng ở vùng này. “Tôi tin là các em sẽ hiểu đúng đắn về tầm quan trọng của sông Cửu Long với người Việt cũng như các nguy cơ đang đe dọa lối sống này”, ông Vượng tự tin nói. Riêng ông luôn yêu mến hình ảnh thôn nữ với chiếc áo bà ba duyên dáng, bữa cơm với món cá bông lau kho tộ đậm đà, cái tính thật thà và lối sống bình dị của người miền Nam...

“Sự phát triển của School Year Abroad (SYA) trong gần nửa thế kỷ qua phản ánh những thay đổi của cả thế giới chúng ta đang sống”, ông Vượng nói. SYA bắt đầu ở các nước Âu Châu - Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đức - là những nước chính đã tạo nên nước Mỹ và vẫn giữ nhiều liên hệ mật thiết. Mười năm trước, SYA đã mở trường đầu tiên ở châu Á tại Bắc Kinh; và năm vừa qua mở thêm ở Nhật và Việt Nam, phản ánh một Trung Quốc đang thành siêu cường, một Nhật Bản vẫn còn đứng hàng hai, ba về kinh tế, và một Việt Nam hòa bình đang hội nhập với cộng đồng thế giới.

Các học sinh học tiếng Việt, học hỏi từ thực tế... sẽ thêm thiện cảm với Việt Nam? “Đó là mục đích tối hậu của chúng tôi. Nghề dạy học khác với các nghề như buôn bán, hoặc nghề làm ruộng, đánh cá, hoặc xây cất, v.v... ở chỗ phải vài chục năm sau mới biết được kết quả thật sự của công việc mình làm. Tôi hy vọng rằng các em SYA-VN bây giờ sẽ trở thành những người có uy tín, khả năng và quyền lực vào khoảng năm 2040 - 2060, họ sẽ nhớ mãi những ấn tượng tốt, những kỷ niệm đẹp, và tình thân hữu với Việt Nam lúc họ còn trẻ”, ông Vũ Đức Vượng, người điều hành SYA Vietnam, nói.

HOÀNG LAN

Chia sẻ bài viết