31/03/2018 - 15:49

Miền hồi ức 

“Rồi mai đây, khi bước chân trên thị thành tấp nập cộ xe, được nhìn thấy biết bao hình ảnh rực rỡ, tráng lệ, được ngửi thấy biết bao mùi hương nồng nàn, lạ lẫm. Nhưng tự trong thâm tâm, vẫn thương và nhớ mãi tháng năm của hương đồng cỏ nội, vẫn day dứt và âm ỉ bản tình ca của chốn quê nghèo, nơi đong đầy ký ức của một thời khôn lớn”...

Xin được mượn mấy câu văn trong tản văn “Cỏ may thơ ấu ngoài đồng” để nói về tập tản văn “Xóm của hồi ức” của nhà văn trẻ Kai Hoàng (NXB Văn hóa - Văn nghệ mới phát hành). Cả một miền hồi ức qua 23 tản văn như khiến người đọc lạc trôi theo những hoài niệm, những nhớ thương và khắc khoải tìm về.

Những điều Kai Hoàng viết rất nhỏ, rất đời nhưng cũng rất quen thuộc. Bởi thế, điều anh viết không chỉ có riêng anh thương nhớ mà lay động tâm thức của bao người. Đó là một mùa diều no gió ngoài đồng xa, một buổi ngủ ngon lành dưới vòm cây mát, một khu vườn trồng cây kỷ niệm, một xóm nhỏ ven mé sông, dáng nội liêu xiêu bên quán nhỏ đầu làng, mùi khói bếp ban chiều thảo thơm món ngon mẹ nấu… Những nỗi niềm không tên ấy Kai Hoàng đặt tên là Hồi ức. Những mảnh rời hồi ức chắp vá thành bức tranh tuyệt đẹp của hồn quê, của nguồn cội…

Hồi ức, nhớ mong để rồi tiếc nuối, đau đáu khi giữa nhịp sống hối hả những điều giản đơn ấy dường như đã mất, bỗng thấy mình lạc lõng giữa cõi người đông nghịt. Kai Hoàng viết rằng, anh nhớ nhất khi xa nhà là mùi khói bếp, là những món ngon mẹ nấu, là cảnh cả nhà rộn vang tiếng cười bên bữa cơm vui. “Những điều đơn sơ đó, chỉ đến khi lẻ loi một thân một mình giữa thị thành, tự ăn vội bữa cơm chiều mới chợt thấy ý nghĩa xiết bao” - Kai Hoàng chiêm nghiệm trong “Cay khói bếp nhà”.

Đọc “Xóm của hồi ức”, người đọc còn nghe thấy nỗi niềm của tác giả khi những giá trị truyền thống như mất hút giữa thời hiện đại, là những day dứt, nhớ thương khi ngày cũ không còn. Anh khắc khoải tự đặt cho mình câu hỏi: “Tôi không biết liệu thời gian có chữa lành cho những mất mát bằng những thứ công nghệ hiện đại, những hàng quán lộng lẫy hay những khu vui chơi hào nhoáng hay không”.

Nhà thơ Phan Hoàng đã gọi Kai Hoàng là người lưu giữ bảo tàng ấu thơ bằng ngôn ngữ. Những điều anh viết “làm cho người đọc xa quê cảm thấy có hình bóng chính mình trong ấy bằng nỗi niềm vừa nhớ thương vừa day dứt, vừa bềnh bồng mơ mộng vừa nặng trĩu xót xa”. Kai Hoàng viết văn như người thầm thì kể chuyện, như vỗ về để người đọc vào giấc ngủ ấu thơ. Dễ đọc, dễ chịu và cũng dễ rưng rưng là điều người đọc cảm nhận khi đọc “Xóm của hồi ức”.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết