30/01/2008 - 09:31

Kỷ niệm 40 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Miền Bắc chi viện Miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (kỳ 1)

Tại cuộc Hội thảo khoa học “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tổ chức ngày 10-1 tại TP Huế, Đại úy Lê Quang Lạng và Trung úy, Thạc sĩ Lê Văn Cử, cán bộ của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, có bài tham luận về vấn đề miền Bắc chi viện cho miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tòa soạn xin trích giới thiệu nội dung bài tham luận này.


Căn cứ những diễn biến mới nhất trên chiến trường miền Nam, hậu phương miền Bắc, tình hình nước Mỹ và thế giới những tháng cuối năm 1967, thời cơ chiến lược mới đã xuất hiện có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị nhận định: Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn.

Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. Sau khi nghiên cứu ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, nhất là Bộ Chỉ huy Miền, Khu 5 về khả năng đánh thành phố và khởi nghĩa, đồng thời phân tích âm mưu cơ bản của Mỹ và những thất bại của chúng về quân sự, chính trị trong năm 1967, Bộ Chính trị thống nhất nhận định: “Địch khó có khả năng mở cuộc phản công mùa khô lần thứ ba.

Xu thế của tình hình trong cả năm 1968 là địch sẽ càng ngày chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước”. Từ đó, Bộ Chính trị quyết định: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định”(1).

Xác định đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và cấp bách, Bộ Chính trị chủ trương: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”(2) nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược mà T.Ư đề ra.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, trên cả nước nói chung và hậu phương miền Bắc nói riêng, công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công diễn ra hết sức khẩn trương với tinh thần quyết tâm giành thắng lợi cao nhất. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định lấy nhiệm vụ chi viện cho miền Nam lúc này là mặt trận hàng đầu.

Miền Bắc khẩn trương tổ chức động viên sức người, sức của nhằm chi viện nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của chiến trường miền Nam trong cuộc tổng tiến công. Tháng 9-1967, Hội đồng Chính phủ triệu tập Hội nghị phòng không nhân dân trên miền Bắc; rút kinh nghiệm các mặt tổ chức, báo động, đào hầm hố, che phòng, cứu chữa và khắc phục hậu quả địch đánh phá để bảo vệ nhân dân, bảo vệ sản xuất, giữ vững mạch máu giao thông vận tải chi viện chiến trường.

Lực lượng phòng không, phòng thủ bờ biển, lực lượng giao thông vận tải, công binh... chấn chỉnh về tổ chức, tăng cường về số lượng, hoàn chỉnh thế trận nhằm bảo vệ vững chắc miền Bắc, bảo đảm chi viện miền Nam. Công tác động viên lực lượng ở miền Bắc được thực hiện trên quy mô lớn nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh chiến đấu cho quân đội, đáp ứng yêu cầu bổ sung quân số cho chiến trường miền Nam.

Cuối tháng 7-1967, Quân ủy T.Ư mở các lớp tập huấn nhằm quán triệt về tình hình và nhiệm vụ mới cho cán bộ trung, cao cấp trong toàn quân. Tháng 8-1967, lực lượng vũ trang nhân dân mở cuộc vận động lớn “Nâng cao chất lượng, phát huy sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Các sư đoàn dự bị cơ động chiến lược: 308, 304, 320, 312 được kiện toàn thêm về tổ chức, trang bị, đẩy mạnh huấn luyện nhằm nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng, sẵn sàng hành quân vào chiến trường chiến đấu khi có lệnh.

Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Quân ủy T.Ư quyết định thành lập Binh chủng Đặc công. Ngày 19-3-1967, Binh chủng Đặc công chính thức ra đời. Ngay sau đó binh chủng được lệnh khẩn trương tổ chức các đơn vị đặc công tăng cường cho các chiến trường, bổ túc đào tạo cán bộ đặc công cho toàn quân.

Trong năm 1967, Binh chủng đã huấn luyện 3.835 chiến sĩ, đào tạo 457 cán bộ trung đội phó, bổ túc và huấn luyện chuyển binh chủng cho 527 cán bộ từ cấp trung đội trưởng đến tiểu đoàn trưởng. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, binh chủng đã tăng cường cho các chiến trường 2.563 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức thành một tiểu đoàn, 40 đội, bảy khung cán bộ tiểu đoàn, 30 khung cán bộ đội(3).

Tăng cường lực lượng chiến đấu trên chiến trường miền Nam và cả ở hậu phương miền Bắc, trong một thời gian ngắn, hàng vạn nam nữ thanh niên có trình độ văn hóa, có giác ngộ chính trị, có sức khỏe được động viên vào lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong.

Từ tháng 3-1967 đến tháng 3-1968, 155.000 quân đã được đưa vào miền Nam. Tính riêng trong năm 1967, đã có hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ (tăng 1,5 lần so với năm 1966) được tổ chức biên chế thành từng trung đoàn, sư đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật bổ sung cho các chiến trường Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ, nâng tổng số quân giải phóng miền Nam lên 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương, không kể lực lượng dân quân, du kích, tự vệ.

Năm 1968, hơn 14 vạn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc hành quân vào Nam nhanh chóng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Các lực lượng vận tải, lực lượng bảo đảm giao thông, mở đường và các lực lượng bảo đảm khác... bao gồm hàng chục vạn người đều được động viên từ hậu phương lớn miền Bắc.

Bảo đảm khối lượng vật chất - kỹ thuật cho cuộc tổng tiến công, Chính phủ đã tăng tổng ngân sách quốc phòng cho quân đội lên gấp mười lần năm 1964 là năm cuối của thời kỳ hòa bình trên miền Bắc, trước khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại. Năm 1968, các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô, Trung Quốc viện trợ cho ta 517.493 tấn vật chất - kỹ thuật, tính thành tiền trị giá hơn 1.615 triệu rúp (1 rúp có giá trị tương đương 1 USD).

Chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1968 tăng 8,4 lần so với năm 1965. Các lực lượng vận tải và bảo đảm giao thông như công binh, vận tải quân sự, vận tải nhà nước, vận tải nhân dân... được củng cố và lớn mạnh vượt bậc.

Đến năm 1968, số trung đoàn công binh trên miền Bắc tăng gấp 1,2 lần, số tiểu đoàn công binh tăng gấp hai lần, số đại đội công binh tăng gấp 16 lần so với năm 1965. Lực lượng vận tải quân sự của Bộ Quốc phòng và của các quân khu tăng gấp bốn lần. Các loại phương tiện bắc cầu, bảo đảm vượt sông năm 1968 tăng 2,6 lần. Lực lượng vận tải nhà nước cũng tăng mạnh, trong đó một bộ phận khá lớn được huy động làm nhiệm vụ vận tải quân sự.

Ngoài ra, lực lượng vận tải nhân dân đông đảo với phương tiện và phương thức vận tải thô sơ nhưng rất hiệu quả cũng nhanh chóng được tăng cường, đặc biệt là ở những vùng trọng điểm giao thông, nơi địch đánh phá ác liệt. Toàn bộ lực lượng vận tải, bảo đảm giao thông, bảo vệ bờ biển và lực lượng phòng không chiến đấu bảo vệ giao thông vận tải được bố trí thành thế trận chiến tranh nhân dân liên hoàn, vừa tập trung, vừa rộng khắp, bảo đảm cho quân và dân ở hậu phương vừa chủ động tiến công địch, vừa sáng tạo ra nhiều phương thức vận chuyển, bảo đảm mạch máu giao thông. Tất cả nhằm nhanh chóng và kịp thời tiếp thêm sức mạnh cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam.

(Còn tiếp)

--------------------------
(1). Nghị quyết này của Bộ Chính trị sau đó được Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (tháng 1-1968) thông qua và trở thành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của T.Ư Đảng.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 29, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 50.
(3). Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 2, quyển 1, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1988, tr. 372.

Chia sẻ bài viết