02/04/2018 - 20:27

Mất tình thâm vì… tranh chấp đất! 

“Tấc đất tấc vàng” nên trong nhiều trường hợp, việc tranh chấp đất dẫn đến những xung đột trong gia đình, thân tộc, làm mất đi tình thân ruột thị đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa thân tộc xuất phát từ sự chủ quan, không tuân thủ đúng qui định pháp luật...

Phần đất tranh chấp giữa ông L. và ông H. 

 

Hơn chục năm nay, kể từ ngày phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất, tình cảm dì- cháu giữa bà Lê Thị H. (ngụ phường Thới An, quận Ô Môn) với 2 ông: Phạm Tứ H. và Nguyễn Văn V. cũng sứt mẻ, mâu thuẫn ngày một gay gắt. Mẹ của ông H. và ông V. là bà Lê Thị N., có tạo lập được một phần đất vườn và ruộng. Năm 1991, bà N. được UBND huyện Ô Môn cũ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 1.132m2 (thuộc thửa đất 255, tờ bản đồ số 09) và diện tích 2.005m2 (thuộc thửa đất 259, đất tọa lạc tại khu vực Thới Bình A, phường Thới An). Khi bà N. qua đời, bà H.- chị ruột của bà N.- phát sinh tranh chấp. Vụ việc đã được địa phương hòa giải nhiều lần không thành, nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến TAND quận Ô Môn xem xét, giải quyết theo quy định. Ông Phạm Tứ H. cho biết: “Kể từ ngày phát sinh tranh chấp, giữa dì cháu không còn tới lui như trước. Tôi tha thiết yêu cầu cơ quan chức năng sớm xem xét, giải quyết đứt điểm vụ việc này theo đúng quy định pháp luật”.

Ông Nguyễn Văn L. (ở phường Thới Long, quận Ô Môn) cũng vì tranh chấp quyền sử dụng đất mà tình nghĩa anh em ruột thịt rạn nứt. Khi ông L. lập gia đình, vợ chồng ông được cha mẹ cho một phần đất, với tổng diện tích 2.196m2 (thuộc thửa đất số 287, tờ bản đồ số 01, tọa lạc tại khu vực Thới Xương 1) để cất nhà ra ở riêng. Phần đất này bao gồm một nền nhà và hai bờ trồng cây ăn trái. Ông L. cho biết: “Việc thỏa thuận cho đất này, cha tôi cũng đã thể hiện trong tờ di chúc, được UBND phường Thới Long chứng thực vào ngày 13-5-2009. Tuy nhiên, đến năm 2012, không hiểu vì lý do gì, em tôi là Nguyễn Văn H. lại làm hợp đồng chuyển nhượng sang tên toàn bộ phần đất do cha tôi đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng, trong đó, có cả phần đất mà vợ chồng tôi cất nhà ở”. Đến năm 2016, ông L. phát hiện sự việc nên khiếu nại đến Tổ hòa giải khu vực Thới Xương 1. Vụ việc đã được hòa giải thành, hai bên đã thỏa thuận được với nhau về ranh giới, đã cắm ranh trên thực tế, dưới sự chứng kiến của các thành viên Tổ hòa giải và bà con thân tộc. Ông L. nói: “Đến nay, ông H. vẫn chưa đưa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tôi thực hiện thủ tục tách quyền sử dụng đất. Vì thế, tôi có đơn yêu cầu nhờ chính quyền và ngành chức năng xem xét, giải quyết theo quy định”.

 Ông Nguyễn Đức Toàn, công chức Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường của UBND phường Thới Long, cho biết: “Khi phát sinh các vụ tranh chấp đất đai, nếu tranh chấp hàng xóm thì giải quyết dễ hơn, đa số hòa giải thành. Còn tranh chấp trong thân tộc khó hòa giải thành vì họ đã có mâu thuẫn gay gắt, không ai nhường ai, khó có thể vận động, thuyết phục, để các bên đi đến thống nhất với nhau”.

Theo Luật sư Phạm Khắc Phương, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn, dân chủ, pháp luật của UBMTTQ Việt Nam TP Cần Thơ, nguyên nhân phát sinh tranh chấp đất đai trong thân tộc, gia đình là do sự chủ quan trong việc tặng cho, chuyển đổi,... không tuân thủ pháp luật về hình thức và nội dung, không làm đúng các thủ tục theo quy định. “Để hạn chế tình trạng tranh chấp đất đai trong nhân dân cũng như trong thân tộc, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định của pháp luật khi thực hiện các giao dịch, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là những quy định của Luật Đất đai. Trong công tác hòa giải cơ sở, cần vận động, thuyết phục, giải thích pháp luật và phải có nội dung mang tính tình làng nghĩa xóm trong nội bộ nhân dân cũng như trong thân tộc, gia đình”- luật sư Phạm Khắc Phương nói. 

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết