06/07/2009 - 20:37

Chuyển đổi trường THPT bán công thành trường công lập

Mất nguồn thu, được phổ cập

Phía sau Trường THPT BC Ô Môn (cũ) là Đình Ô Môn.

Luật Giáo dục ban hành năm 2005 nêu rõ không có loại hình trường bán công trong hệ thống giáo dục quốc dân. Việc chuyển đổi mô hình trường THPT bán công được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng gặp không ít vướng mắc. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ vừa triển khai quyết định chuyển đổi 6 trường THPT bán công thành trường công lập. Liệu điều này có đi ngược lại xu hướng xã hội hóa giáo dục?

Hiệu quả nhưng...

Năm 1992, Trường THPT Bán công (BC) Phan Ngọc Hiển- trường THPT BC đầu tiên của tỉnh Cần Thơ (cũ)- được thành lập. Ngay sau đó, hàng loạt trường THPT BC ở các quận, huyện ra đời đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong hệ thống trường THPT BC, Trường Phan Ngọc Hiển có qui mô lớn nhất với cơ sở vật chất ổn định, chất lượng dạy học khá cao. Trường có 28 phòng học, 5 phòng thí nghiệm thực hành, 3 phòng tin học... Trong hơn 70 giáo viên đứng lớp của trường, có 3 thạc sĩ và 3 người đang theo học cao học... Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009, tỷ lệ tốt nghiệp của trường đạt trên 71% trong khi kết quả của toàn thành phố là 77,4%.

Ngoài Trường THPT BC Phan Ngọc Hiển, toàn thành phố Cần Thơ còn 6 trường THPT BC khác (tính cả Trường THPT BC Nhơn Ái đã giải thể năm học 2007-2008). Ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nhận xét: “Mô hình trường THPT BC đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Với mô hình này, ngành giáo dục đã tiết kiệm được một khoản kinh phí đáng kể để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, nâng cao chất lượng dạy học”. Theo ông Nguyễn Văn Nhỏ, Hiệu trưởng Trường THPT BC Phan Ngọc Hiển, từ các nguồn thu, hằng năm, trường tự cân đối được gần 1/3 kinh phí hoạt động. Các trường THPT BC khác dù còn nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất nhưng cũng tự điều tiết để tự trả lương 9 tháng của năm học cho giáo viên (tính theo mức lương 290.000 đồng; 3 tháng hè, lương giáo viên do ngành trả). Ngoài ra, mô hình Trường THPT BC còn tạo điều kiện cho nhiều học sinh có học lực trung bình, yếu tiếp tục học THPT.

Tuy nhiên, hệ thống trường THPT BC của TP Cần Thơ cũng bộc lộ những mặt yếu kém. Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên không ổn định của một số trường BC đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục. Chẳng hạn, Trường THPT BC Ô Môn phải mượn cơ sở vật chất ở sân Đình thần Ô Môn nên không thể xây dựng mới hoặc sửa chữa lớn. Phòng ốc của trường cũng chỉ đủ so với số lớp học nên không thể đầu tư các phòng chức năng, phòng thí nghiệm thực hành. Trường THPT BC Thốt Nốt thì được xây dựng từ những năm 1960 nên đã xuống cấp trầm trọng... Thêm vào đó, ảnh hưởng từ chất lượng đầu vào- đa số là học sinh bị loại từ các trường công lập, học lực trung bình, yếu- nên hiệu quả dạy học của nhiều trường THPT BC rất thấp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, tỷ lệ tốt nghiệp của Trường THPT BC Ô Môn chỉ đạt 40%; Trường THPT BC Thốt Nốt đạt 51,35%...

Từ thực tế trên cộng thêm qui định của Luật Giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân không có loại hình trường BC, nên việc chuyển đổi trường THPT BC đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Và đến tháng 6-2009, Sở GD&ĐT đã có quyết định chính thức về việc chuyển đổi này.

Tạo điều kiện phổ cập bậc trung học

Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, tất cả các trường THPT BC sẽ chuyển thành trường công lập. Theo bà Trần Cẩm Tú, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD&ĐT, ngành giáo dục đã có kế hoạch chuyển đổi mô hình trường THPT BC nhiều năm qua nhưng đến nay mới triển khai do phải có thời gian nghiên cứu sự phát triển của từng địa phương để chọn mô hình chuyển đổi phù hợp. Bà Trần Cẩm Tú cho biết: “Sở GD&ĐT cũng có nghiên cứu hướng chuyển từ BC sang tư thục nhưng xét thấy hướng chuyển đổi này không phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, nên quyết định chuyển tất cả các trường THPT BC thành trường THPT công lập. Ở cụm trường nào mà trong trường THPT còn tồn tại bậc THCS thì sẽ tách bậc THCS ra riêng; sau đó, sáp nhập bộ phận THPT công lập với trường THPT BC thành trường THPT công lập”.

Có ý kiến cho rằng chuyển đổi từ bán công sang công lập là một bước lùi trong xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, theo phân tích của các cán bộ quản lý giáo dục: chuyển đổi từ bán công sang công lập có thể giảm một nguồn thu đáng kể nhưng bù lại là tạo điều kiện cho học sinh, nhất là học sinh ở những vùng khó khăn, có cơ hội hoàn thành bậc THPT. TP Cần Thơ đang đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục trung học, trong khi đó, học phí của trường BC lại cao hơn trường công lập sẽ đẩy những học sinh khó khăn đến nguy cơ bỏ học. Ông Thạch Khên, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, nhận xét: “Nếu không phân tích cụ thể, chi tiết sẽ thấy hướng chuyển đổi từ bán công sang công lập là đi ngược chủ trương xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, với tình hình học sinh bỏ học cộng với giai đoạn nước rút trong công tác phổ cập giáo dục trung học như hiện nay, thì hướng chuyển đổi như vậy là hợp lý. Các trường THPT BC chuyển thành trường công lập sẽ tạo điều kiện học tập cho nhiều học sinh, tỷ lệ bỏ học giảm, kinh phí phổ cập cũng sẽ nhẹ dần”.

Thực tế đã chứng minh điều này. Năm học 2007-2008, Trường THPT BC Nhơn Ái giải thể và nhập vào Trường THPT Phan Văn Trị. Bà Lê Thị Ẩn, nhà ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, có con học tại trường, cho biết: “Con trai tôi học xong lớp 10 ở Trường Nhơn Ái thì tôi định cho nó nghỉ học vì không đóng nổi học phí. Lúc đó, trường Nhơn Ái nhập chung với Trường Phan Văn Trị, học phí giảm xuống nên tôi cho nó học tiếp. Học chung với học sinh trường công lập, tôi thấy nó cố gắng nhiều hơn. Năm nay, nó đậu tốt nghiệp và mới thi đại học xong”.

Bà Trần Cẩm Tú cho biết: “Trong các trường THPT BC chuyển đổi, Trường THPT Phan Ngọc Hiển có điều kiện thuận lợi hơn cả để triển khai thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ. Vì vậy, ngành giáo dục sẽ kết hợp với trường xây dựng mức học phí phù hợp. Các trường còn lại sẽ thu học phí theo qui định chung của thành phố đối với các trường công lập”. Như vậy, việc chuyển đổi các trường THPT BC sẽ làm mất đi một khoản thu đáng kể và ngân sách nhà nước phải gánh thêm gánh nặng từ các trường vừa chuyển đổi. Đây là bài toán mà ngành giáo dục cần cân nhắc, tìm giải pháp hài hòa.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết