03/12/2009 - 20:56

Mất đất, tài sản vì tin các "giám đốc" lừa

Thời gian qua, trên địa bàn TP Cần Thơ xuất hiện tình trạng một số cá nhân thành lập doanh nghiệp rồi lấy mác giám đốc lừa đảo nhiều người dân để chiếm đoạt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thậm chí có cả các doanh nghiệp cũng bị chúng lừa để chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng pháp nhân doanh nghiệp lừa đảo

 Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Cần Thơ thực hiện lệnh bắt Chế Minh Trung.

Năm 2003, Chế Minh Trung đứng ra thành lập DNTN Nguyên Trung (có trụ sở tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều). Quá trình hoạt động, Trung cấu kết với Phạm Văn Út lừa đảo những người dân có đất, nhưng ngại đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất... để lấy giấy tờ đất của họ. Sau đó, Trung và Út lập khống giấy tờ chuyển quyền sử dụng đất sang tên Trung nhằm chiếm đoạt đất đai của nhiều người.

Khoảng tháng 5-2008, anh Lâm Văn Sính, ở khu vực Bình Hưng, phường Phước Thới, quận Ô Môn, có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Do không biết thủ tục vay ngân hàng nên anh Sính gặp Út (ngụ cùng xóm) để hỏi, được Út giới thiệu gặp Trung tại văn phòng DNTN Nguyên Trung để trao đổi, bàn bạc. Trung đồng ý cho anh Sính vay 50 triệu đồng với điều kiện anh Sính phải thế chấp 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do bà Nguyễn Thị Siệu (mẹ của anh Sính) đứng tên giao cho Trung giữ. Sau đó, Trung cho anh Sính tạm ứng 3 lần với số tiền 12,5 triệu đồng.

Sau khi nhận được GCNQSDĐ, Trung giao cho Út lập khống thủ tục, hợp đồng chuyển nhượng từ tên bà Siệu sang tên Trung. Út đã giả chữ ký của Trung, anh Sính và nhờ người giả chữ ký của bà Siệu trên hợp đồng chuyển nhượng đất cho Trung. Căn cứ trên hợp đồng chuyển nhượng có chứng thực của UBND phường Phước Thới, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ô Môn đã chỉnh lý sang tên từ bà Sính cho Chế Minh Trung trên 2 GCNQSDĐ và Trung đã đến nhận. Sau đó, Trung tiếp tục giao cho Út lập hợp đồng chuyển nhượng 2 GCNQSDĐ này (do Trung đứng tên) cho ông Nguyễn Bình Tâm (ở thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre) với số tiền 300 triệu đồng. Trung đã nhận 215 triệu đồng để chi xài cá nhân.

Với thủ đoạn như trên, Trung và Út đã lừa đảo, chiếm đoạt GCNQSDĐ của các ông: Võ Thành Công, Võ Thành Chơn, Phạm Văn Bé, Nguyễn Văn Hồng và nhiều người khác tổng cộng 9 lô đất với số tiền gần 1 tỉ đồng.

Lực lượng Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đang khám xét nơi làm việc của Cao Văn Thanh.  

Trong quá trình “làm ăn” Trung còn được Cao Văn Thanh, Chủ DNTN Thanh Cao, “chỉ dẫn” chiếm luôn 3 GCNQSDĐ với tổng diện tích trên 11.402m2 đất của ông Nguyễn Văn Hồng. Với thủ đoạn kêu ông Hồng thế chấp 3 GCNQSDĐ, nhưng thực tế lập sẵn hợp đồng chuyển nhượng (nhưng nói là thủ tục vay ngân hàng) để cho ông Hồng ký. Từ đó, 3 GCNQSDĐ của ông Hồng đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, chỉnh lý sang tên Võ Hoa Tiên (tên vợ của Trung). Sau khi có GCNQSDĐ, Trung và Tiên đã đem thế chấp ngân hàng, rồi mượn tiền của Nguyễn Thị Diễm Thúy để đáo nợ ngân hàng, đến nay không có khả năng chi trả.

Lấy mác giám đốc để lừa

Cũng với hình thức thành lập doanh nghiệp rồi lừa đảo, nhưng Cao Văn Thanh có những chiêu lừa và chiếm đoạt số tiền lớn hơn Trung gấp nhiều lần. Cao Văn Thanh nguyên trước đây là Trưởng Công an thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, có nhiều sai phạm bị cách chức năm 2003 và khai trừ Đảng năm 2004. Sau khi nghỉ việc, Thanh thành lập Công ty TNHH TM vận chuyển Cao Thanh, sau đó đổi tên thành Thanh Cao rồi tiếp tục đổi tên thành Công ty Đại Phát Tài (văn phòng đặt tại khóm 3, thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít, Vĩnh Long). Cùng thời gian này, Cao Văn Thanh sang TP Cần Thơ thành lập DNTN Thanh Cao (đặt trụ sở tại đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều). Trong quá trình làm ăn tại Vĩnh Long và Cần Thơ, Thanh đã có hành vi mua hóa đơn GTGT bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, chiếm đoạt 333 triệu đồng của Nhà nước và đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố về tội trốn thuế. Trong thời gian được tại ngoại chờ truy tố, xét xử, Thanh lại tiếp tục lấy danh nghĩa giám đốc công ty để đi vay tiền của nhiều người với số lượng lớn rồi chiếm đoạt để sử dụng cá nhân. Ngoài ra, Thanh đã lừa đảo những người dân có đất đang cần vay vốn làm ăn, bằng cách kêu họ ký tên chuyển nhượng GCNQSDĐ qua tên Thanh để Thanh đem giấy thế chấp ngân hàng lấy tiền về cho họ. Tuy nhiên, sau khi ký chuyển nhượng xong, Thanh không thế chấp ngân hàng mà đem giấy đất đi bán và cầm cho người khác để chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Như trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Bắc và chị Dương Hồng Thi đã bị Thanh lừa chiếm đoạt 3 GCNQSDĐ. Với chiêu thức lừa: Thanh nói sẽ chuộc 3 GCNQSDĐ ở ngân hàng ra và cho vợ chồng anh Bắc vay thêm 44 triệu đồng, nhưng với điều kiện vợ chồng anh Bắc phải chuyển nhượng 3 GCNQSDĐ qua tên của Thanh để Thanh đi thế chấp ngân hàng. Anh Bắc không đồng ý vì sợ mất đất, thì Thanh dụ dỗ: Thanh có công ty, có tư cách pháp nhân sẽ vay được nhiều tiền hơn. Hợp đồng chuyển nhượng chỉ là cái cớ để vay ngân hàng, còn đất thì vợ chồng anh Bắc vẫn canh tác. Khi nào anh Bắc trả nợ xong thì Thanh sẽ ký chuyển nhượng qua tên chủ sở hữu ban đầu, Thanh sẽ làm hợp đồng cam kết như thỏa thuận. Với thủ đoạn tương tự, Thanh đã lừa đảo chiếm đoạt GCNQSDĐ của ông Trần Văn Dân, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, ông Phạm Văn Lùng...

Chưa dừng lại ở đó, Thanh đã dùng hồ sơ giả và chỉ tài sản không phải của mình để lừa đảo cả các doanh nghiệp khác. Vào đầu tháng 11-2007, Huỳnh Thanh Hải, Giám đốc Công ty Hoàn Gia đến phòng Giao dịch Đông Sài Gòn, thuộc Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) đặt vấn đề mua 2 chiếc sà lan. Hải cung cấp hồ sơ gồm hợp đồng đóng mới 2 sà lan giữa Công ty Hoàn Gia và Thanh Cao, hồ sơ thiết kế đã được đăng kiểm, phương án kinh doanh. Sau đó, Công ty ALCII đã ký hợp đồng cho thuê tài chính với Công ty Hoàn Gia, nội dung đồng ý cho thuê tài chính mua 2 sà lan của doanh nghiệp Thanh Cao và ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp này, đặt mua 2 sà lan tự hành trị giá trên 9 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng, Thanh nói với Huỳnh Thanh Hải, hiện anh ta có sẵn 2 chiếc sà lan tự hành đang đóng sắp xong tại Công ty đóng tàu Cần Thơ và Công ty đóng tàu Bạch Đằng, Vĩnh Long (thực tế Thanh không có sà lan nào đang đóng). Để tạo lòng tin cho các bên Thanh dẫn Hải và đại diện Công ty ACLII đi kiểm tra thực tế. Vì tin 2 sà lan là của Thanh thật nên các bên đồng ý mua. Công ty ACLII đã chuyển cho DNTN Thanh Cao số tiền trên 8,3 tỉ đồng. Công ty Hoàn Gia khi ký biên bản giao nhận vẫn tin tưởng 2 sà lan do Thanh đưa đến xem là của anh ta nên tiến hành thuê thủy thủ chuẩn bị tiếp nhận sà lan giao cho Công ty Cẩm Vinh thuê lại. Chờ mãi không thấy Thanh giao với lý do sà lan chưa hoàn thiện, sau đó thì hắn lại nói bán sà lan cho người khác và hứa sẽ đóng lại chiếc khác. Khi Công ty ALCII yêu cầu Thanh giao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện như hợp đồng ký kết nhưng không có, Công ty ACLII tiến hành kiểm tra thực tế mới phát hiện Thanh không có chiếc sà lan nào và tố cáo anh ta lên Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế- Bộ Công an.

Sau khi Công an TP Cần Thơ ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Cao Văn Thanh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã có thêm 2 người dân (tại TP Cần Thơ) và Công ty TNHH Xăng dầu Hồng Đức (Tiền Giang), Công ty TNHH TM ĐT XD & Du lịch Thành Phát (Hà Nội), Tổng công ty VLXD số 1 (Bộ Xây dựng) đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, trình báo về việc bị Cao Văn Thanh lừa đảo để chiếm đoạt số tiền gần 3,6 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền mà Cao Văn Thanh lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của các tổ chức, cá nhân hiện đã lên đến gần 13 tỉ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra khuyến cáo người dân, hiện nay chỉ có các tổ chức tín dụng, ngân hàng mới có chức năng kinh doanh tiền tệ, không có doanh nghiệp nào được phép kinh doanh tiền tệ. Vì vậy, người dân nên cảnh giác với những chiêu lừa đảo qua hình thức cho vay bên ngoài. Người dân cũng đừng nên nhẹ dạ, cả tin thế chấp, cầm cố GCNQSDĐ cho những cá nhân hay doanh nghiệp không phải là các tổ chức tín dụng, tạo cơ hội cho những đối tượng này lừa đảo.

Bài, ảnh: Sơn Hà

Chia sẻ bài viết