28/06/2013 - 14:35

Mang cho em trái tim khỏe mạnh

Bác sĩ khám sàng lọc tim bẩm sinh.

Mới đây, Chương trình Trái tim cho em (do Quỹ Tấm lòng Việt Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông quân đội thực hiện) phối hợp với Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ tổ chức đợt khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn TP Cần Thơ. Bên cạnh khám sàng lọc, Chương trình kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí phẫu thuật, góp phần mang lại cho các em một trái tim khỏe mạnh, một cuộc sống bình thường, hạnh phúc.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Phượng Hồng (23 tuổi) - anh Nguyễn Văn Mẫn (29 tuổi) ở quận Ô Môn không khỏi vui mừng, xúc động khi được tin Chương trình trái tim cho em hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí cho đứa con đầu lòng Nguyễn Gia Bảo (30 tháng tuổi). Chị Hồng kể lại, từ lúc mới lọt lòng mẹ bé Bảo thường xuyên khó thở, nóng sốt, đến tháng tuổi thứ 5, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Gia cảnh nghèo khó, không ruộng đất sản xuất, hai con còn nhỏ lại mắc bệnh tật, chị Hồng phải ở nhà chăm sóc con, một mình anh Mẫn làm thuê làm mướn để trang trải chi tiêu cho gia đình nên cuộc sống rất đỗi khó khăn. “Gia đình cũng tìm đến bác sĩ để biết tình trạng bệnh tim và chi phí phẫu thuật cho bé Bảo nhưng chi phí quá cao so với thu nhập của gia đình nên đành bấm bụng thương con mà không biết làm sao. Khi được Chương trình trái tim cho em hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí cho Bảo, gia đình tôi vô cùng mừng rỡ, hạnh phúc, vì con mình sắp hết bệnh, có thể sống khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn như những đứa trẻ bình thường khác”, chị Hồng bộc bạch.  Trong đợt khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho 190 trường hợp do Chương trình trái tim cho em triển khai tại Cần Thơ, có 39 trường hợp được chỉ định phẫu thuật sớm. Chi phí trung bình cho mỗi ca phẫu thuật tim bẩm sinh khoảng từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Đằng Khang, Phẫu thuật viên tim mạch của BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, với tiến bộ y học ngày nay, đa số trường hợp bệnh tim bẩm sinh là có thể chữa được bất thường của tim để bệnh nhân trở về với cuộc sống bình thường; tuy nhiên có một số trường hợp nặng, phẫu thuật có thể qua nhiều bước, ban đầu chỉ là tạm thời, nâng cao chất lượng sống cho bé, giúp bé có thể phát triển và học hành được. Trong tương lai cần có phẫu thuật tiếp theo để điều trị triệt để bệnh tim của bé.

Bác sĩ Cao Đằng Khang cho biết, đối tượng khám, sàng lọc bệnh tim lần này là những bé dưới 16 tuổi, đã được các bác sĩ tại các cơ sở y tế phát hiện hoặc có nghi ngờ mắc bệnh tim bẩm sinh với các triệu chứng như: thường hay bị ho, khò khè, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần; thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm khi hít vào); trẻ hay bị sưng phổi, viêm phế quản; trẻ có biểu hiện bú chậm (kéo dài trên 30 phút) hoặc không thể chấm dứt bữa bú; trẻ thở nhanh, hay toát mồ hôi, đặc biệt sau các bữa bú; trẻ chậm lớn, da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi, thường rất dễ mệt; môi, lưỡi, đầu ngón tay tím xanh; hụt hơi khi gắng sức… Nếu gia đình phát hiện những dấu hiệu trên ở trẻ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa tim mạch hay bác sĩ chuyên khoa nhi thăm khám, có thể đoán biết được khoảng 80% tình trạng bệnh của trẻ. Ngoài ra, cán bộ y tế có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm như điện tâm đồ, siêu âm tim để xác định bệnh và kịp thời điều trị cho bệnh nhân. Bác sĩ Khang cho biết thêm, không phải tất cả các đối tượng mắc bệnh tim bẩm sinh đều cần phải phẫu thuật. Những trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhẹ có thể tự khỏi, gia đình bệnh nhi không nên quá lo lắng. Một số trường hợp bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh có tình trạng bệnh giảm dần theo thời gian hoặc bệnh còn đó nhưng không ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ cũng không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, đa số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nặng là cần phải phẫu thuật, thậm chí phải phẫu thuật sớm, nếu trễ, kéo dài tình trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến đời sống của bé, thậm chí quá trễ thì không còn khả năng phẫu thuật được.

Bác sĩ Cao Đằng Khang cũng chia sẻ, bệnh tim bẩm sinh là ngay từ lúc trong bào thai và lúc sinh ra đã có bất thường về tim. Cho đến nay, vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân dẫn đến bệnh tim bẩm sinh. Thông thường, có những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh như yếu tố về mặt di truyền học: những bé sinh ra với hội chứng bất thường về cơ thể như hội chứng Down, hoặc một số hội chứng bất thường về gien khác,... Ngoài ra, có thể kể đến một số yếu tố khác như môi trường sống, (ví dụ cha mẹ tiếp xúc với hóa chất độc hại, tiếp xúc với chất độc màu da cam), khi mang thai mẹ bị tiểu đường, nhiễm trùng Rubella hoặc nghiện rượu, lạm dụng thuốc men… có khả năng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh ở con cái. Do đó, lời khuyên  hữu ích nhất đối với bệnh nhi và gia đình là cần phát hiện sớm và tùy theo chẩn đoán mà có hướng điều trị thích hợp, giảm thiểu tối đa hậu quả của bệnh tim bẩm sinh đối với đời sống của các bé. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên lạm dụng rượu, hóa chất, thuốc độc hại,... Hiện nay, tại Việt Nam, đã triển khai kỹ thuật mới là siêu âm tim thai, giúp phát hiện rất sớm những bất thường từ trong bào thai. Từ những phát hiện ban đầu đó có thể hướng dẫn cho cha mẹ cách xử trí, theo dõi, thậm chí nếu đó là bệnh lý quá nặng nề, khó có hy vọng chữa khỏi thì có thể tư vấn cho gia đình để chấm dứt thai kỳ.

Các bác sĩ của Chương trình trái tim cho em cũng nhận thấy gần đây nhiều bé được phát hiện bệnh tim sớm hơn so với thời gian trước đây, điều đó chứng tỏ rằng ngành y tế cũng như gia đình đã quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tim mạch của các bé. Sau khi thăm khám, đối với những trường hợp có sức khỏe tim bình thường thì cán bộ y tế đã giải thích rõ ràng giúp gia đình yên tâm. Đối với những trẻ có bệnh tim ở mức độ nhẹ, chỉ cần uống thuốc điều trị và theo dõi, bác sĩ cũng hẹn lịch tái khám cho bệnh nhi. Đối với nhóm các bé cần phẫu thuật tim, các bác sĩ đã giải thích rõ cho gia đình tình trạng bệnh lý của trẻ, về mức độ nguy hiểm, khả năng thành công của phẫu thuật, mức độ cấp cứu của phẫu thuật (tức cần phẫu thuật sớm hay muộn). Sau đợt khám này, các y bác sĩ tiếp tục làm việc với Hội Bảo trợ BN nghèo TP Cần Thơ và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel huy động nguồn tài trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ.

Bài, ảnh: Hải Tiến

 

Chia sẻ bài viết