25/11/2017 - 21:45

Ông Phạm Thành Mười, nguyên Trung đội phó, Đội phó Đội phòng thủ địa phương quân huyện Vòng Cung:

Mãi ghi nhớ công ơn đồng bào đã đùm bọc, che chở 

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất chiến tranh ác liệt là xã Thới An Đông, huyện Vòng Cung (nay là phường Phước Thới, quận Ô Môn). Tôi từng chứng kiến nhiều người thân, bạn bè, hàng xóm vĩnh viễn ra đi vì bom đạn của kẻ thù… Do đó, tôi mơ ước và quyết tâm trở thành chiến sĩ cách mạng để diệt ác, đánh địch, góp phần đem lại hòa bình, hạnh phúc cho quê hương.

Tôi chính thức tham gia cách mạng vào ngày 7-7-1971, lúc 18 tuổi, với vai trò du kích ở địa phương, chủ yếu là diệt ác, phá kiềm ở xã Thới An Đông. Vào tổ chức, được giáo dục, rèn luyện, giao việc, tôi và một số thanh niên địa phương ngày càng trưởng thành, nhận thức rõ hơn về mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Tháng 1 năm 1972, tôi được rút về công tác ở đơn vị địa phương quân huyện Vòng Cung, chiến đấu trên tuyến Lộ Vòng Cung, rực lửa.

Hơn 4 năm chiếu đấu trên tuyến Lộ Vòng Cung, tôi đã được nhân dân 6 xã Vòng Cung che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng như con cháu trong nhà. Bà con không chỉ lo nơi trú ẩn, từng bữa ăn, mà còn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ an toàn cho cán bộ, bộ đội… Có gia đình, đi làm đồng về, nấu cơm, chuẩn bị ăn, thấy bộ đội tới là dọn cơm mời ăn trước, rồi nấu nồi cơm khác ăn sau. Có bà má, dành dụm tiền mua vải, may tặng bộ đội áo mới, còn mình thì luôn mặc áo vá… Trên tuyến Lộ Vòng Cung, rất nhiều gia đình có hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn hoặc sử dụng nhà vách đôi. Lúc nào cũng có người ở nhà để canh lính vô thì báo cho cán bộ, bộ đội xuống hầm bí mật, vào vách đôi…

Tôi còn nhớ, lúc chúng tôi “nằm vùng” sau vườn nhà má Nguyễn Thị Hai ở Rạch Kè, ấp Nhơn Mỹ, xã Mỹ Khánh. Hằng ngày, má và người thân thay nhau đem gạo, đem cơm cho chúng tôi. Chồng má câu được cá, bắt được chuột, đều để dành một phần cho chúng tôi… Một lần nọ, má đội bao gạo (loại bao cát của Mỹ) đến gần nơi ở của chúng tôi thì thấy một số người đi làm đồng về ngang. Má sợ chúng tôi bị lộ nên nhảy vô bụi cây núp. Không may, trong bụi cây có tổ ong, má bị ong đốt sưng mình mẩy mà vẫn nằm “chịu trận”… Sau đó, má phải truyền nước biển và chích thuốc hơn 10 ngày mới đỡ đau… Còn nhiều tình huống khác mà các dì, các má, các chị chăm sóc cho chúng tôi còn hơn chăm sóc cho người thân, ruột thịt trong nhà, không nề hà bất cứ điều gì.

Ngày 28-1-1972, tôi được bổ sung vào đơn vị địa phương quân của huyện Vòng Cung. Về tới đơn vị (đóng quân ở xã Mỹ Khánh) là nửa đêm, sáng ra chúng tôi chạm mặt ngay với quân địch và nổ súng đánh nhau. Trận này, ta chủ động rút để đảm bảo an toàn, nhưng tinh thần chiến đấu của anh em rất phấn khởi. Đầu năm 1973, địch mở chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm lấn đất, giành dân trên tuyến Trà Niềng, Phong Điền. Sáng hôm ấy, dân nấu cơm cho chúng tôi ăn, rồi có người báo tin lính  đang hành quân đến điểm tập kết của ta. Chúng tôi được lệnh triển khai công sự chiến đấu và đẩy lùi được đợt tấn công đầu tiên. Sau đó, địch củng cố quân, đánh lần 2 và cũng bị ta đánh bật ra. Khoảng 3-4 giờ chiều, địch tập trung ở Phong Điền, Cầu Nhiếm, với 2 mũi tấn công trực diện và 1 mũi đánh bọc hậu chặn đường rút lui của ta. Ta buộc phải rút lui để bảo toàn lực lượng, nhưng về kinh Rạch Tre lại bị lính đồn ra chặn đánh…

Sau trận đánh trên tuyến Trà Niềng, Phong Điền, đơn vị của chúng tôi được lệnh phân tán về các xã Giai Xuân, rồi Tân Thới, Thới An Đông để diệt ác, phá đồn phòng vệ… Từ đó đến ngày giải phóng, tôi và các đồng đội của mình trải qua nhiều lần sinh tử khi đối mặt với kẻ thù. Qua hơn 4 năm chiến đấu, đơn vị tôi có 12-13 người (tùy theo thời điểm) nhưng có đến 6 người mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Vòng Cung. Tôi nhiều lần thoát chết, nhưng cũng mang nhiều thương tích trên người (thương binh 3/4 - PV).

THỤY KHUÊ (ghi)

Chia sẻ bài viết