02/10/2018 - 09:00

Macedonia khủng hoảng chính trị do đổi tên nước 

Macedonia đang rơi vào khủng hoảng chính trị khi cuộc trưng cầu dân ý ngày 30-9 về thỏa thuận đổi tên nước đã không đạt được tỷ lệ 50% cử tri tham gia. Kết quả cuộc bỏ phiếu không thuyết phục khiến hai phe ủng hộ và phản đối đều tuyên bố chiến thắng.

 Phe ủng hộ đổi tên nước tuần hành ở Thủ đô Skopje. Ảnh: NY Times

Chỉ có 37% người dân Macedonia trả lời câu hỏi liệu có chấp nhận thỏa thuận đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia, để được Hy Lạp dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với việc Skopje gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, trong số những người bỏ phiếu, có đến 91% ủng hộ thỏa thuận đạt được với Athens hồi tháng 6. Do một vùng đất ở phía Bắc Hy Lạp cũng được gọi là Macedonia, nên Athens lâu nay xem tên gọi này là mối đe dọa về lãnh thổ và chính trị. Tranh chấp tên gọi cũng khiến Hy Lạp ngăn cản quốc gia láng giềng phía Bắc trở thành thành viên của các thể chế phương Tây kể từ khi Macedonia giành độc lập từ Nam Tư năm 1991. 

Thỏa thuận tên gọi đã thổi bùng những tình cảm dân tộc ở Macedonia, với nhiều người phản đối cho rằng cuộc mặc cả này là “nỗi tủi nhục không thể chấp nhận được”. Họ quay lưng với đề xuất đổi tên vì cho rằng lẽ ra Macedonia nên đạt được thỏa thuận tốt hơn trong các cuộc thương thảo với Hy Lạp. Trong đó, đảng đối lập chính VMRO-DPMNE cực lực phản đối thỏa thuận đổi tên nước. Ngay cả Tổng thống Gjorge Ivanov tuần rồi cũng đã gọi trưng cầu dân ý là hành động “tự sát lịch sử”, đồng thời thúc giục người dân nước này tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Hồi cuối tháng 6, vị này từng từ chối ký thỏa thuận về việc đổi tên nước với lý do đây là hành động vi hiến. Do quá ít cử tri tham gia bỏ phiếu, phe đối lập tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý đã thất bại. Trong khi đó, Thủ tướng Zoran Zaev dựa vào kết quả bỏ phiếu để hối thúc Quốc hội xác nhận cái gọi là “nguyện vọng của đa số”.

Để phê chuẩn việc đổi tên nước, Quốc hội Macedonia phải bỏ phiếu về những thay đổi hiến pháp. Nhưng với tỷ lệ cử tri thấp như thế, thỏa thuận khó có thể nhận được sự ủng hộ cần thiết của 2/3 số nghị sĩ. Do vậy, Thủ tướng Zaev lên tiếng dọa rằng nếu các đảng đối lập không ủng hộ thay đổi hiến pháp, thì ông sẽ sử dụng “công cụ dân chủ khác” là kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 11 tới.

Về phía Hy Lạp, thỏa thuận cũng cần nhận được tín hiệu “đèn xanh” từ quốc hội nước này, cơ quan quyết định có gỡ bỏ rào cản để Macedonia gia nhập NATO hay không. Cũng vì điều này mà chiến dịch vận động bỏ phiếu gay cấn ở Macedonia được phương Tây lẫn Nga, quốc gia lâu nay phải đối phó nỗ lực bành trướng của NATO, đặc biệt quan tâm. Cuộc trưng cầu dân ý được coi là dấu hiệu về hướng đi địa chính trị của vùng Balkan ở thời điểm Mát-xcơ-va và NATO  quyết liệt tranh giành ảnh hưởng.

Thế nên, giới lãnh đạo phương Tây, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong những tuần gần đây đã tất bật bay sang Skopje để vận động người dân bỏ phiếu “đồng ý” đổi tên nước. Theo họ, thỏa thuận là cơ hội “trăm năm có một” để Macedonia ngã về phương Tây.

THANH BÌNH (Theo Washington Post, NY Times)

Chia sẻ bài viết