22/03/2008 - 23:25

Luồng Định An xốn xang chờ nạo vét

Trả lời phỏng vấn Báo Cần Thơ nhân dịp dự lễ khởi công dự án xây dựng Nhà ga hành khách- Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, Bộ này đang xúc tiến nhanh các thủ tục cần thiết để khởi công dự án “Luồng tàu qua cửa Định An” với việc đào kênh tắt Quan Chánh Bố vào năm 2009. Như vậy là sau một thời gian dài chờ đợi, qua nhiều lần thảo luận, thay đổi phương án, thay đổi nguồn vốn đầu tư, vấn đề luồng Định An đã được người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải hứa sẽ giải quyết một cách căn cơ hơn là việc nạo vét luồng Định An như đã làm 25 năm qua.

Tuy nhiên, dự án “Luồng tàu qua cửa Định An” là dự án có qui mô lớn, vốn đầu tư hơn 3.200 tỉ đồng và ước tính khoảng 6-8 năm sau mới có thể phát huy tác dụng (nếu thực hiện đúng tiến độ đề ra). Trong khi đó, việc giải quyết luồng cho tàu vào cụm cảng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đổ hàng, ăn hàng vẫn đang là nỗi xốn xang của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vốn đang phải “gồng mình” chịu đựng áp lực tăng chi phí đầu vào và thua lỗ do đồng đô- la Mỹ gần đây liên tục mất giá.

Trước thực trạng này, đại diện 13 cảng hòa cùng tiếng nói với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ĐBSCL đã đồng loạt kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục cho nạo vét luồng Định An. Theo họ, trong khi chờ đợi công trình đào kênh tắt Quan Chánh Bố phát huy hiệu quả sau 6-8 năm nữa, thì hiện tại vẫn phải tiếp tục nạo vét, duy tu cửa Định An, đảm bảo hoạt động thường xuyên cho các tàu đi qua luồng, ít nhất phải tiếp nhận được tàu 5.000 DWT đầy tải ra- vào thuận tiện. Trong đó, cần quan tâm nạo vét đoạn luồng cạn nhất dài khoảng 4,5 km (từ phao số 3-4 đến 7-8) với chiều rộng 200m để cốt luồng đạt -4,5m đến -5,0m, tương đương khối lượng cát đất cần nạo vét khoảng 1 triệu m3/năm.

Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 70% lượng hàng hóa của ĐBSCL (với 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản của cả nước) hiện vẫn phải trung chuyển lên các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh. Việc trung chuyển này làm phát sinh chi phí vận chuyển, mất lợi thế cạnh tranh của nhiều loại hàng hóa... Trong khi luồng Định An vẫn tiếp tục bị nghẽn vì mắc cạn thì việc vận tải hàng hóa bằng đường bộ giữa TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ và nhiều địa phương khác trong nước với vùng ĐBSCL hiện vẫn phải qua lối “độc đạo” Quốc lộ 1. Tuyến đường huyết mạch này đang oằn mình vì quá tải!

Trong tình hình khó khăn về luồng lạch vận tải biển thì con số thống kê hàng hóa qua cụm cảng ĐBSCL thời gian gần đây rất đáng quan tâm. Theo thống kê tại Cảng vụ Cần Thơ, chỉ trong tháng 2-2008 đã có 148 lượt tàu làm thủ tục hoạt động, tăng đột biến hơn 3 lần so với tháng 2 năm trước. Năm 2007, nhóm 13 cảng ở ĐBSCL đã tiếp nhận khoảng 2.100 lượt tàu với 4.141.655 tấn hàng hóa thông qua. Khối lượng này mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, do cửa Định An bị cạn, tàu có trọng tải lớn không vào được. Dự kiến đến năm 2010 lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL sẽ tăng lên 12,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 là 22 triệu tấn/năm.

Rõ ràng, việc tiếp tục nạo vét luồng Định An để thông luồng tàu vào sông Hậu tiếp tục là nỗi xốn xang của các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vùng ĐBSCL. Nhu cầu này ngày càng tăng, không thể chờ sau khi có kênh tắt Quan Chánh Bố. Chờ đợi đồng nghĩa với việc vận tải biển ĐBSCL sẽ mất nhiều cơ hội phát triển trong khoảng thời gian 6- 8 năm. Tiếp tục nạo vét cửa Định An là việc cần tiếp tục làm và làm ngay để những con tàu to khi vào sông Hậu hay vươn mình ra biển lớn mang theo gạo, tôm, cá, trái cây đồng bằng thôi cảnh nằm chờ vì mắc cạn.

TRẦN HỮU HIỆP

Chia sẻ bài viết