19/11/2017 - 16:46

Ông Nguyễn Văn Chửng, nguyên Tiểu đội phó đơn vị Địa phương quân huyện Châu Thành Vòng Cung:

Luôn trân trọng, bảo vệ thành quả cách mạng 

Quyết tâm trả thù cho hai anh hy sinh trong kháng chiến, năm 1971, tôi gia nhập lực lượng du kích mật tại xã Phước Thới. Đầu năm 1972, tôi được rút về bổ sung cho địa phương quân huyện Châu Thành Vòng Cung, hoạt động đến tháng 4-1975.

Vượt khó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ

Chúng tôi đóng quân tại rạch Rau Mui (ấp Mỹ Long, xã Mỹ Khánh) thực hiện nhiệm vụ mở lõm du kích. Chúng tôi khảo sát địa bàn, gài lựu đạn, cắm chông, cắm bảng… Tiếp đó, chúng tôi mở lõm du kích tại rạch Ngã Cái (ấp Mỹ Long), kế đồn giặc. Từ các con rạch này, chúng tôi mở rộng hoạt động tới các xã bao quanh Lộ Vòng Cung. Ban ngày ém ở rạch, ban đêm đến các xã yểm trợ. Cuộc sống kham khổ nhưng anh em không nản lòng, sát cánh bên nhau, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi người đào hầm bí mật trú ẩn trong nhà, ngoài vườn, không có hầm thì nằm trong lau sậy, lúa hoặc dừng vách đôi để ngủ. Do địa hình phức tạp, chúng tôi đi lại chủ yếu lội sông về đêm, đỉa vắt, muỗi…nhiều vô kể. Mỗi chuyến công tác, đồ đạc để hết trong miếng cao su khoảng 1,5m; bên ngoài giắt khẩu AK, ôm túi bơi qua sông. Để tránh bị phát hiện, chúng tôi tuân thủ nghiêm khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Người đi sau xóa dấu bằng cách đùa lá cây lại, nấu ăn bằng củi thiệt khô hoặc dùng lò xô; nói năng thì dùng ám hiệu cho đồng đội biết.

Khi đóng quân tại rạch Rau Mui, Ngã Cái…, chúng tôi thực hiện công tác thu thuế đảm phụ, nộp về trên. Ban đêm, đến nhà vận động bà con nộp thuế, ai chưa có thì hẹn. Lợi dụng điều này, có người chỉ điểm làm một số chiến sĩ bị lộ, hy sinh khi quay lại. Những lúc nhận lệnh dẫn đường cho quân chủ lực, chúng tôi phải chuẩn bị kỹ càng nhiều thứ. Phải điều nghiên, nắm tình hình, bố trí nơi ăn ở, lương thực… nhằm bảo đảm an toàn cho lực lượng. Thời điểm này, chúng tôi còn hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở quần chúng, diệt ác phá kiềm, tiêu diệt nhiều tên gián điệp, ác ôn, ỷ thế cậy quyền ức hiếp nhân dân. Thấy bộ đội cực khổ nên bà con thương, sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ. Chúng tôi cũng gầy dựng được nhiều cơ sở tốt, trong đó, có một gia đình hết lòng với cách mạng tại rạch Ngã Cái. Cô con gái hiểu ý nghĩa công việc của tôi, thường đi mua thuốc, thức ăn, gạo… tiếp tế. Tình cảm dần nảy sinh trong những ngày chiến đấu, nhưng hai bên chỉ hẹn thề. Sau giải phóng, chúng tôi nên duyên và sống hạnh phúc đến giờ.

Nguy hiểm luôn rình rập

Tháng 11-1974, tôi được phân công bảo vệ đồng chí Trần Văn Tiền, Huyện đội trưởng huyện đội Châu Thành Vòng Cung. Đêm 24-11-1974, tôi cùng 2 người nữa cùng đồng chí Trần Văn Tiền và đồng chí Huyện đội phó (không nhớ tên chính xác) đi họp ở rạch Trà Ếch (Hậu Giang) thì gặp sự cố. Khi tôi vừa bước lên lộ thì địch bên kia phát hiện, nổ súng. Mọi người tìm nơi ẩn nấp. Khi chúng tôi gặp lại, thiếu đồng chí Tiền. Lát sau, nghe tiếng lựu đạn nổ ngay vị trí ban nãy. Đến gần sáng, tình hình tạm yên ắng, nhờ cơ sở ra xem mới biết đồng chí Tiền trúng đạn và tự sát bằng lựu đạn. Đêm 26-11- 1974, tôi cùng đồng chí Huyện đội phó và một số người trở ra tìm lấy xác đồng chí Tiền. Đến ngọn rạch Rau Mui, đồng chí Huyện đội phó bị rắn cắn, tử vong trong đêm.

Tháng 1-1975, khi được phân công về xã An Bình, tôi cùng với chú Út Hải là Trưởng Công an xã đi mượn lúa (của các cơ sở cách mạng) xay gạo để sẵn trong nhà, chuẩn bị cho trận đánh lớn. Lúc này, địch vẫn còn kiểm tra rất gắt gao, chúng tôi chủ yếu hoạt động về đêm. Có lần vào buổi sáng, tôi và một đồng chí đang “ém” dưới ghe của một người dân đối diện đồn địch thì một toán lính đến hỏi chủ ghe xin cơm. Chúng ngồi ngay trên miệng ghe. Tôi và đồng đội ngầm ra ám hiệu, cầm sẵn lựu đạn, nếu bị phát hiện sẽ tự sát. Nhưng bọn chúng ăn xong thì đi, không phát hiện bên dưới có người. Từ đó cho đến tháng 4-1975, chúng tôi bám trụ địa bàn, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trên giao, hỗ trợ nhiều mặt để quân ta vượt Lộ Vòng Cung, tiến vào giải phóng  Cần Thơ.

Tôi kể những câu chuyện trên để thấy trong kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ ta luôn phải đối mặt với bao hiểm nguy và có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Để kháng chiến thành công, có cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, no ấm như hôm nay, có biết bao xương máu của đồng chí, đồng bào yêu nước đã đổ xuống mảnh đất này. Từ đó, các thế hệ kế cận càng phải trân trọng những thành quả cách mạng, ra sức bảo vệ, xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh…

KIỀU CHINH (ghi)

Chia sẻ bài viết