19/10/2010 - 22:26

Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2010)

Luôn đồng hành cùng phụ nữ

Với chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực gắn với 6 nhiệm vụ trọng tâm... Qua đó, thu hút, tập hợp ngày càng nhiều chị em tham gia vào tổ chức Hội. Tùy theo đặc điểm tình hình, điều kiện của từng địa phương mà các đơn vị đã lựa chọn, xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, nhằm giúp chị em nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”...

Nhiều mô hình thoát nghèo

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Đào Thị Sa Rinh và Đào Thị Thơ, hai chị em người dân tộc Khmer ở ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ -hai trong nhiều gương điển hình phụ nữ vượt khó của xã. Vừa cặm cụi thay nước, cho ếch ăn, chị Thơ vừa khoe: “Ếch cũng dễ nuôi lắm, mỗi ngày chỉ cần thay nước và đi bắt cua, ốc về cho ăn. Nhờ nuôi ếch bán có lời, tôi dần vượt qua khó khăn”. Nhìn vẻ tự tin, phấn khởi của chị Thơ, ít ai ngờ trước đây chị từng lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Chồng chị bỏ đi khi đứa con lớn mới 1 tuổi và chị đang mang thai đứa thứ 2. Nhiều năm qua, chị vất vả kiếm việc làm thuê để nuôi 2 con. Năm 2006, vào Hội, chị được vay vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật (KHKT) để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cuộc sống ngày càng ổn định hơn. May mắn hơn chị Thơ, chị Sa Rinh có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc nhưng do đông con nên cuộc sống cũng khá chật vật. Nhờ Hội giúp đỡ vay vốn để chăn nuôi và mua bán nhỏ, chị có điều kiện tích lũy và lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện các con chị đã lớn và có việc làm ổn định. Không riêng chị Sa Rinh và chị Thơ, thời gian qua, nhờ sự giúp đỡ của Hội, nhiều hội viên phụ nữ dân tộc Khmer ở ấp Thới Trường 1 đăng ký thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: nuôi ếch, lươn, cá lóc trong vèo, trồng màu, mua bán nhỏ... Điển hình như hộ chị Danh Thị Hường, sau khi thực hiện mô hình nuôi ếch có kinh nghiệm, chị đã tìm hiểu thêm kỹ thuật ép ếch giống kết hợp với nuôi ếch thịt, đem lại lợi nhuận cao. Đến nay, ấp có 97 hội viên tham gia các mô hình phát triển kinh tế và đã có 6 hộ thoát nghèo.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, đông đảo hội viên phụ nữ phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt đan lưới cá kiếm thêm thu nhập. Ảnh: P. LAM 

Không chỉ tập trung xây dựng, phát triển mô hình “Vận động phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế gia đình”, thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Cờ Đỏ còn tích cực nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ hiệu quả; duy trì các tổ hùn vốn tương trợ, mở rộng hoạt động của các tổ ngành nghề truyền thống. Chị Huỳnh Thị Ngoan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Các cấp Hội luôn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phụ nữ dân tộc. Không chỉ lo bảo lãnh cho hội viên vay vốn, hỗ trợ cây, con giống, tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT, mở các lớp đào tạo nghề miễn phí..., chúng tôi luôn động viên những chị đã thoát nghèo trở lại giúp đỡ những chị còn khó khăn vươn lên. Vì vậy, bình quân hàng năm huyện có từ 150 đến 200 hội viên thoát nghèo”. Năm nay, Huyện hội còn các cấp Hội vận động cán bộ, hội viên hơn 30 triệu đồng để xây dựng 2 căn nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo trên địa bàn. Không khí lễ bàn giao căn nhà “Mái ấm tình thương” cho gia đình chị Châu Thị Yến, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Thới Trung, thị trấn Cờ Đỏ - một cán bộ hội luôn phấn đấu vượt lên hoàn cảnh khó khăn tham gia công tác Hội suốt 15 năm qua - diễn ra thật vui và xúc động. Nhìn căn nhà mới, chị Yến cứ bồi hồi: “Nhờ sự giúp đỡ của chị em mà gia đình tôi mới có ngôi nhà đàng hoàng để che nắng, che mưa. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, tham gia công tác Hội tốt hơn nữa để không phụ tấm lòng của chị em”.

Nhận đỡ đầu các phụ nữ nghèo

Cùng với tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập thông qua các hình thức: tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, phát động mạnh mẽ các phong trào như: “Hũ gạo tình thương”, “nuôi heo đất”, thành lập các tổ hùn vốn xoay vòng không tính lãi... thời gian qua, Hội LHPN quận Thốt Nốt đã phát huy hiệu quả mô hình “Mỗi ủy viên Ban chấp hành (BCH) Hội LHPN phường nhận đỡ đầu một phụ nữ nghèo”. Qua triển khai thực hiện thí điểm tại hai phường Thuận Hưng và Trung Nhứt vào năm 2009, với 27 phụ nữ nghèo được đỡ đầu, năm 2010, mô hình được nhân rộng thực hiện trên toàn quận với 80 phụ nữ nghèo được nhận đỡ đầu. Các cán bộ hội đỡ đầu các hộ với nhiều hình thức: thường xuyên thăm hỏi, cho mượn vốn, hướng dẫn chị em kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tư vấn phương thức làm ăn hiệu quả, giới thiệu các công việc phụ, như: hái nấm rơm, đan lưới cá, bán bánh mì, bán vé số... để tăng thu nhập; bảo lãnh, hướng dẫn lập thủ tục vay vốn khi chị em có nhu cầu... Sau gần 1 năm thực hiện, hầu hết các hộ được giúp đều chuyển biến tích cực. Điển hình, ở phường Tân Lộc trong số 12 chị được đỡ đầu đã có 10 chị được bảo lãnh vay vốn để phát triển sản xuất đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu học nghề; ở phường Thốt Nốt có 4/9 chị ổn định cuộc sống; phường Thuận Hưng, đã có 4/9 chị được đỡ đầu thoát nghèo; phường Tân Hưng có 3/11 trường hợp sẽ thoát nghèo... Chị Nguyễn Cao Ngọc Nữ, ở khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, phấn khởi khoe: “Trước đây, vợ chồng em ai thuê gì làm nấy, lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Từ lúc được cán bộ Hội nhận đỡ đầu, hướng dẫn, em biết tận dụng thời gian rảnh đi bán vé số, hái nấm rơm... mỗi ngày kiếm được 50- 60 ngàn đồng, cuộc sống ổn định hơn...”. Hay như trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thanh Thúy, cũng ở phường Tân Hưng, từ chỗ không có ruộng đất, làm thuê kiếm sống, nhờ được Hội tư vấn cách làm ăn, hỗ trợ vay vốn đã phát triển chăn nuôi, trồng trọt... gia đình chị Thúy mua được ghe lớn dùng làm phương tiện mưu sinh; hay như gia đình của chị Lâm Thị Mộng Nguyệt, ở khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, nhờ được hỗ trợ vốn, chị bán khoai lang và mua dụng cụ cho con trai làm nghề hớt tóc, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Theo chị Phạm Kim Tuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thốt Nốt, có những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của những người nhận đỡ đầu và những chị được đỡ đầu. Mỗi cán bộ Hội luôn quan tâm, sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, kịp thời tìm ra cách thức giúp đỡ hiệu quả nhất, để các chị vươn lên thoát nghèo bền vững. Hội LHPN quận Thốt Nốt còn thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ phụ nữ vươn lên như: duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, nhóm hùn vốn tiết kiệm xoay vòng, các mô hình, hoạt động tương trợ ý nghĩa khác, như: vận động cán bộ, hội viên “nuôi heo đất” gây quỹ học bổng Nguyễn Thị Định, giúp đỡ trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam, mô hình “thu gom phế liệu” gây quỹ hoạt động, “hũ gạo tình thương” giúp phụ nữ nghèo. Trong năm 2010, các cấp Hội LHPN quận đã vận động xây dựng được 5 căn nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo; nuôi được 231 con heo đất, thu gom được 389 kg phế liệu và gây dựng được 83 “hũ gạo tình thương” với 6.319 kg gạo, giúp cho 609 đối tượng phụ nữ nghèo...

Đa dạng hình thức tập hợp hội viên

Với chủ đề hoạt động năm 2010 là “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Hội, đẩy mạnh phong trào, thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp”, thời gian qua, các cấp hội luôn quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Hội và hội viên. Điển hình ở quận Ninh Kiều, từ đầu năm đến nay, các cơ sở Hội đã phát triển được 2.396 hội viên, tăng gấp 3,5 lần so với chỉ tiêu trên giao. Hội LHPN phường Xuân Khánh là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác này. Chị Nguyễn Thiên Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường, cho biết: “Năm 2010, phường được quận giao chỉ tiêu phát triển 50 hội viên nhưng đến nay đã phát triển được 125 hội viên, thu hội phí đạt 100%. Hội LHPN phường chỉ đạo các Chi hội trưởng, Tổ trưởng tổ phụ nữ chủ động đến từng nhà để tuyên truyền, vận động chị em tham gia... Đến nay, phường có 7/8 khu vực không còn hộ trắng hội viên”. Hội còn tổ chức mô hình CLB “Vượt khó”, hoạt động rất hiệu quả. CLB này được thành lập từ năm 2007, thu hút 154 thành viên là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tham gia, với tổng số vốn phát vay gần 2 tỉ đồng. Chị Nguyễn Thiên Nga cho biết thêm : “ CLB “Vượt khó” của phường được thành lập nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên có nhu cầu vay vốn học tập, giúp Hội có điều kiện quản lý chuyện học hành của con em cán bộ, hội viên cũng như phối hợp tuyên truyền công tác Hội trong nữ thanh niên...”. Ngoài ra, Hội LHPN phường cũng đã ra mắt mô hình “Phụ nữ dân tộc Khmer nâng cao năng lực xây dựng cuộc sống gia đình”, đã phát vay cho 21 hộ đang sản xuất, kinh doanh nhỏ, với tổng số tiền trên 100 triệu đồng...

 Cán bộ, hội viên Hội LHPN tiêu biểu ở huyện Cờ Đỏ nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giải phóng phụ nữ”.
Ảnh: X.Đ

Bên cạnh tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các cấp hội đã xây dựng nhiều mô hình mới, đa dạng nhiều loại hình CLB phù hợp.... thu hút, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, như: mô hình giúp phụ nữ dân tộc, tôn giáo phát triển kinh tế gia đình, các mô hình “dân vận khéo”, phối hợp với các ngành mở các lớp đào tạo nghề, chuyển giao KHKT, hỗ trợ vốn vay. Tính đến nay, toàn hệ thống Hội trong thành phố có 2.636 nhóm Phụ nữ tiết kiệm với 38.600 thành viên, đã huy động được trên 41 tỉ đồng giúp trên 13.000 lượt chị mượn. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2010, Trung tâm Dạy nghề của Hội LHPN thành phố và CLB Dạy nghề của phụ nữ các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được 68 lớp dạy nghề cho gần 2.500 phụ nữ nghèo... Qua các hoạt động, phong trào, các cấp Hội LHPN trong thành phố đã phát triển mới trên 7.000 hội viên mới, nâng tổng số hội viên hiện có lên hơn 138.800 hội viên, xây dựng được 20.109 hội viên nòng cốt...

Đánh giá về hiệu quả các phong trào trên, bà Chiêm Thu Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, các cấp Hội LHPN thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Nhiều phong trào thi đua được duy trì và phát triển sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức phong phú và thiết thực, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia. Tính đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 537 loại hình CLB, thu hút 12.744 thành viên”. Theo bà Thu Hương, thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhân rộng các mô hình, CLB hoạt động hiệu quả; tập trung thực hiện đề án đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ nông thôn, tăng cường ký kết hợp tác dự án với các tổ chức phi chính phủ, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay... Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ phụ nữ nghèo từ 8 đến 10%/năm.

QUỲNH LAM

Chia sẻ bài viết