08/09/2009 - 20:46

NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 43 CỦA CHÍNH PHỦ

Lúng túng...

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố nghe Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Thạnh Thắng 1 báo cáo tình hình thực hiện Nghị định 43.

Nghị định số 43/20006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (NĐ 43) là văn bản pháp lý quan trọng để các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), thực hiện tự chủ về biên chế, kinh phí. Mặc dù NĐ 43 có hiệu lực và đã được triển khai thực hiện gần 3 năm, nhưng đến nay, việc thực hiện quyền tự chủ của ngành giáo dụcTP Cần Thơ mới dừng lại ở nội dung tự chủ về tài chính thông qua nguồn kinh phí khoán của nhà nước (chưa thực hiện tự chủ về biên chế). Mặc dù mới thực hiện “nửa vời”, nhưng qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố vào cuối tháng 8-2009 tại các trường học trong thành phố, cho thấy việc thực hiện một phần nghị định này ở các trường học cũng còn nhiều túng túng.

VUI, BUỒN LẪN LỘN..

Phải thừa nhận rằng, việc thực hiện NĐ 43 bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với các trường học. Ở quận Bình Thủy, ngành giáo dục triển khai thực hiện NĐ 43 từ năm 2007. Ông Phạm Văn Bình, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, cho biết: “Do tình hình nhân sự, nên ban đầu, Phòng chỉ triển khai thực hiện ở một số trường. Trong quá trình thực hiện, Phòng thường xuyên tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, chỉ đạo nhân rộng những cách làm hiệu quả... nên việc thực hiện quyền tự chủ về tài chính trên địa bàn quận khá trơn tru. Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn quận đều thực hiện NĐ 43. Nhờ thực hiện nghị định này, hầu hết các trường đều tiết kiệm được chi phí, tăng thu nhập cho giáo viên”. Cô Hoàng Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thới 1, quận Bình Thủy, cho biết: “Đầu năm 2009, trường bắt đầu thực hiện NĐ 43. Nhờ tiết kiệm các khoản chi mà tập thể giáo viên nhà trường có thu nhập tăng thêm và các khoản khen, thưởng cho giáo viên dịp lễ, Tết. Thu nhập tăng thêm tuy không nhiều, nhưng góp phần cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn đối với tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường”. So với Trường Tiểu học An Thới 1, Trường Trung học cơ sở Bình Thủy có “thâm niên” hơn khi đã thực hiện NĐ 43 từ năm 2007. Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu Trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Thủy, cho biết: “Nhà trường đã chủ động phân công chuyên môn hợp lý để tránh tăng quy mô không đáng có; chủ động thực hành tiết kiệm các khoản chi tiêu để có chi phí dôi dư. Nhờ vậy, hằng năm trường đều chủ động kinh phí để sửa chữa nhỏ, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học; đồng thời, có thêm kinh phí khen thưởng cho giáo viên có nhiều thành tích trong giảng dạy, hoặc học sinh giỏi các cấp”. Cô Nguyễn Thị Hòa phấn khởi cho biết thêm: “Khéo ăn thì no, kéo co thì ấm”, dự kiến cuối năm nay, tập thể giáo viên trong trường sẽ được hưởng phúc lợi một khoản kha khá”.

Tuy nhiên, việc thực hiện NĐ 43 không phải nơi nào cũng thuận lợi, nhất là đối với các địa phương mới bắt đầu triển khai thực hiện. Thầy Nguyễn Thế Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Thắng 1, huyện Vĩnh Thạnh, thừa nhận: “Việc thực hiện NĐ 43 ở trường còn quá mới mẻ, chúng tôi chưa hiểu đầy đủ nên còn lúng túng trong thực hiện”. Được biết, đầu năm 2009, Trường Tiểu học Thạnh Thắng 1 được giao 1,09 tỉ đồng, bao gồm các khoản tiền lương, chi phí hoạt động,.. Thầy Nguyễn Thế Hải nói: “Trước đây, hằng tháng chúng tôi phải “ôm” bảng lương ra Phòng GD&ĐT chờ nhận lương, còn bây giờ được tự mình phát lương cho mình thì thuận lợi hơn. Nhưng, có trong tay một “cục tiền” dành cho hoạt động cả năm, chúng tôi không biết chi như thế nào nên rất lo lắng”. Thầy Nguyễn Thế Hải cho biết thêm, với khoản tiền này, trường mới cân đối để phát lương cho giáo viên, nhân viên và các khoản chi điện, điện thoại,... trong khi đó, một số phòng học, dụng cụ giảng dạy xuống cấp trường chưa dám thực hiện,... vì sợ thiếu kinh phí vào cuối năm.

Thầy Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Thạnh Thắng, cũng biểu lộ tâm tư: “Trước đây, Phòng GD&ĐT lo hết về kinh phí, chúng tôi chỉ lo chuyên môn. Bây giờ, Hiệu trưởng phải dành nhiều thời gian để quản lý tài chính nên mất nhiều thời gian dành cho công tác chuyên môn. Tôi thấy, thực hiện NĐ 43 khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Hiện nay, do lo sợ thiếu kinh phí hoạt động cả năm, ngoài lương, chúng tôi chưa dám chi các khoản này khác, nên giáo viên cũng chưa hưởng lợi gì từ việc thực hiện Nghị định này. Phải đợi cuối năm khi kết thúc năm tài chính, chúng tôi mới biết được mình có lợi gì”.

NÂNG CAO NĂNG LỰC THỰC HIỆN

Mặc dù NĐ 43 có hiệu lực thi hành từ năm 2006, nhưng đến đầu năm 2009, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố mới thực hiện đồng loạt. Dù vậy, việc thực hiện NĐ 43 vẫn còn nhiều điểm vướng mắc. Ông Nguyễn Văn Luyến, Phó Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Năm 2009 là năm đầu huyện thực hiện khoán kinh phí cho các trường học theo NĐ 43. Việc khoán kinh phí cho các trường hiện được căn cứ vào tổng quỹ lương trung bình hàng tháng của trường trong năm trước đó, cộng với các khoản chi phí khác trong tháng nhân với 12 tháng. Trên cơ sở dự toán này, tài chính huyện khoán “một cục” về cho các trường thông qua tài khoản mở ở kho bạc để thực hiện tự chủ trong năm 2009. Các trường căn cứ vào đây, rút tiền về chi cho trả lương, hoạt động,...”. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, do cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ kế toán các trường học chưa nắm rõ các quy định về cơ chế tự chủ kinh phí nên nhiều nơi thực hiện chưa thông suốt. Lãnh đạo một số trường còn lo lắng, ngại trách nhiệm khi quản lý toàn bộ số tiền lớn cho toàn bộ hoạt động của đơn vị trong năm... nên nhìn chung NĐ 43 chưa phát huy hiệu quả mong muốn. Thực tế, tại Trường Tiểu học Thạnh Thắng 1, huyện Vĩnh Thạnh, khi đoàn giám sát, chất vấn Hiệu trưởng và kế toán nhà trường về nội dung NĐ 43 và các văn bản có liên quan đến việc tự chủ tài chính, thì cả hiệu trưởng và kế toán đều không nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này. Những hạn chế, khó khăn mà các trường học ở huyện Vĩnh Thạnh đang gặp phải, cũng là khó khăn chung của nhiều trường học trên địa bàn thành phố trong quá trình thực hiện NĐ43. Một khó khăn của các huyện ngoại thành là các khoản thu từ xã hội hóa còn thấp, nên hầu hết các trường không có kinh phí phát sinh bổ sung ngân sách cho hoạt động.

Để thực hiện tốt hơn NĐ 43, Phòng GD&ĐT Vĩnh Thạnh đề nghị: Mở các lớp bồi dưỡng về đổi mới cơ chế tài chính cho cán bộ quản lý giáo dục và kế toán các trường học. Đồng thời, tăng mức khoán kinh phí cho hoạt động chuyên môn, nhằm đẩy mạnh phong trào dạy và học của các trường. Ông Phan Văn Hợi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, đề nghị thêm: “Để tạo sự công bằng cho trong ngành GD&ĐT toàn thành phố, đề nghị ngành chức năng cần xây dựng định mức khoán theo từng giáo viên, hạng trường,... và cộng gộp các khoản chi phí khác để khoán cho các trường”.

Mục đích của việc thực hiện NĐ 43 trong ngành giáo dục là tạo sự tự chủ cho các trường về nhiều mặt, đồng thời tạo điều kiện cho các trường thực hiện tiết kiệm, nâng cao đời sống cho giáo viên. Tuy nhiên, qua đợt giám sát, bà Nguyễn Thanh Giang, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, Trưởng Đoàn giám sát, nhận định: “Quá trình thực hiện, do chưa có sự chỉ đạo thống nhất của ngành giáo dục và các sở chuyên ngành nên các cơ sở giáo dục cũng nhận thức khác nhau về NĐ 43. Bên cạnh các cơ sở giáo dục thực hiện tốt NĐ 43, góp phần tăng thu nhập cho giáo viên, thì vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục ở ngoại thành còn cho đây là nhiệm vụ mới với các yêu cầu mới nên còn lúng túng trong thực hiện”. Theo bà Nguyễn Thanh Giang, để thực hiện tốt NĐ 43, ngành GD&ĐT cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức, tập huấn sao cho các trường đều nắm vững NĐ 43 và các văn bản có liên quan. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT thành phố cũng cần tổ chức rút kinh nghiệm để đánh giá việc thực hiện NĐ 43 ở các địa phương để tìm ra những bài học kinh nghiệm để giúp các trường nâng cao năng lực thực hiện NĐ 43, xây dựng kế hoạch cụ thể trong tổ chức sử dụng và quản lý tài chính của đơn vị, góp phần thực thực hiện tốt Nghị định này.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết