05/03/2018 - 20:49

Lực sĩ Thạch Kim Tuấn - thành công từ khổ luyện 

2017 được xem là năm thành công với lực sĩ Thạch Kim Tuấn, khi chàng trai dân tộc Khmer này ngoài chiếc huy chương vàng (HCV) SEA Games tại Malaysia, còn bổ sung cho mình 3 chiếc HCV ở hạng cân 56 kg vào tháng 11 tại giải vô địch thế giới, diễn ra ở Mỹ. Thế nhưng ít ai biết được để có được thành quả này, Kim Tuấn đã trải qua chuỗi ngày phấn đấu, khổ luyện thật đáng khâm phục…

Thạch Kim Tuấn thi đấu tại SEA Games 29. Ảnh: QUANG LIÊM
Thạch Kim Tuấn thi đấu tại SEA Games 29. Ảnh: QUANG LIÊM

Tại giải vô địch cử tạ thế giới vừa qua, trong phần thi của mình, Thạch Kim Tuấn chinh phục thành công 126 kg cử giật và 153 kg cử đẩy, đạt tổng cử 279 kg. Dù chưa phải thành tích tốt nhất (từng đạt 131 cử giật và 151 cử đẩy tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á - AIMAG vào tháng 9-2017), đô cử Việt Nam vẫn ẵm trọn ba tấm HCV ở hạng cân 56 kg của nam tại giải vô địch cử tạ thế giới 2017. Với thành tích này, Thạch Kim Tuấn vươn lên đứng thứ ba trong số các đô cử giành được nhiều HCV nhất tại các giải vô địch cử tạ thế giới với 10 huy chương. Anh được sánh ngang lực sĩ Wang Shin-yuan (Đài Loan) xếp sau Wu Jingbiao (Trung Quốc, 12 HCV) và Long Qingquan (Trung Quốc, 12 HCV).

  Trong lịch sử thể thao Việt Nam, Thạch Kim Tuấn có lẽ là một trường hợp đặc biệt. Cấu trúc khung xương vai hiếm có, vừa là yếu tố mang lại thành công nhưng cũng đồng thời tác động đáng kể đến cả sự nghiệp của chàng lực sĩ người dân tộc Khmer này. Hằng ngày tập luyện với những khối thép nặng hàng trăm ký, mỗi khi chuẩn bị thi đấu, Tuấn luôn bị chấn thương vai, lưng và đầu gối hành hạ mà nếu biết cách vượt qua, thành công sẽ tìm đến. Không bác sĩ hoặc chuyên gia nào xác định rõ ràng tình trạng chấn thương, nên Tuấn phải chấp nhận “sống chung” với những cơn đau cột sống, đầu gối, vai lẫn cổ tay. Anh cũng phải thay đổi hẳn cuộc sống chính mình, tuân thủ khối lượng tập luyện mà các HLV đội tuyển phân bổ theo chu kỳ, tập thêm bơi lội, chạy xe đạp... để cải thiện thể trạng.

Sinh năm 1994 tại Bình Thuận, mẹ mất sớm, Thạch Kim Tuấn cùng anh chị vào TP Hồ Chí Minh làm đủ nghề để có thể tồn tại trong chật vật của cuộc sống nhập cư. Năm 2006, nghe nói đi tập cử tạ có thể được chút tiền bồi dưỡng, Kim Tuấn cùng anh đến thọ giáo huấn luyên viên (HLV) Huỳnh Hữu Chí. Nhìn cậu bé còi cọc, đọc chữ quên trước quên sau, vị HLV này lại phát hiện ánh mắt đầy quyết tâm của Tuấn, vậy là ông nhận vào tập với đội TP Hồ Chí Minh. Sau một thời gian, tập luyện quá sức kèm theo điều kiện dinh dưỡng không tốt, anh trai của Tuấn xin nghỉ, chỉ còn lại một mình thiếu niên trẻ với quyết tâm đổi đời. Kiên trì tập luyện, thời điểm 2012 đến 2014 được xem là giai đoạn trưởng thành của Tuấn, khi anh liên tiếp gặt hái nhiều thành công: 3 HCĐ Giải Vô địch thế giới 2013, giành HCV và phá 2 kỷ lục SEA Games 2013, giành 3 HCV và phá 2 kỷ lục Giải Vô địch trẻ thế giới 2014, HCB Á vận hội 2014, HCV cử giật và HCB tổng cử Giải Vô địch thế giới 2014. Thành công đến quá nhanh trong giai đoạn này, Tuấn bất chợt có chút tự mãn, tập luyện không tốt… để rồi chấn thương ngay trước Thế vận hội Rio 2016. Cú sốc bị tạ đè tại Thế vận hội giống như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào lửa nhiệt huyết, lại thêm áp lực của dư luận khiến chàng trai Khmer muốn giã từ sự nghiệp. Rồi Tuấn cưới vợ khi nhận ra người bạn đời là nguồn động viên để anh vượt qua cú sốc và trở lại luyện tập.

Tuấn quyết tâm tập luyện trở lại với sự động viên của bà xã, từng là đồng đội và nay trở thành hướng dẫn viên du lịch. Kèm theo đó là sự bền bỉ của HLV Huỳnh Hữu Chí, khi ông gần như ăn ngủ tại nhà Tuấn để buộc cậu học trò “vấp chỗ nào thì đứng dậy chỗ đó!” khiến Tuấn đã khóc khi nhắc về thầy. Trở lại đấu trường SEA Games 2017 tại Malaysia, tình trạng chấn thương của anh hiện mới bình phục được 95%, chứ chưa có được thể trạng tốt nhất. Thế nhưng bằng quyết tâm của mình, Tuấn đã mang về chiếc HCV ở hạng cân 56 kg. “Sau phần thi đầu tiên tôi bị chuột rút, nên ở các phần thi sau gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng để chiến đấu đến tới cùng. Về tình trạng các chấn thương ở lưng, vai của tôi đã hồi phục khoảng 95%”, Tuấn cho biết sau khi lên bục vinh quang ngay ngày đầy tháng con trai của mình.

Tuổi 24, vẫn còn 1 chặng đường dài phía trước và sau những vấp ngã, sự trở lại đầy quyết tâm của Thạch Kim Tuấn cho thấy ý chí sắt đá của chàng trai trẻ này giúp cử tạ Việt Nam tràn đầy hy vọng vào thành tích trong tương lai. Sau Tuấn, đã bắt đầu có những thế hệ lực sĩ đàn em như Trần Lê Quốc Toàn noi theo đàn anh, tiếp tục mang về vinh quang cho thể thao nước nhà.

QUANG LIÊM

Chia sẻ bài viết