17/07/2010 - 09:20

Lực lượng vũ trang Thành phố Cần Thơ 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (30/7/1945 - 30/7/2010)

(Tiếp theo)

II/ Lực lượng vũ trang Cần Thơ thời kỳ chống đế quốc Mỹ, cứu nước (từ 7/1954 đến 30/4/1975):

Do vị trí chiến lược rất quan trọng, Mỹ, ngụy đặt ở Cần Thơ cơ quan đầu não và hậu cứ Quân đoàn 4, vùng 4 chiến thuật, cơ quan Tổng lãnh sự Mỹ, Sở thông tin Mỹ, Chi nhánh MAAG và cả guồng máy chiến tranh: Tiểu khu Phong Dinh, Tiểu khu Chương Thiện; hệ thống lực lượng bảo an, dân vệ, cảnh sát, tình báo Thiên Nga, Phượng Hoàng... có bến cảng quân sự (Hoàng Diệu), sân bay quân sự Trà Nóc một trong những sân bay lớn của vùng Đông Nam Á, nơi xuất phát của lực lượng không quân ngụy đánh phá các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ, Cần Thơ là vị trí chiến lược trọng điểm then chốt giằng co quyết liệt giữa ta và địch “sống là đây, chết cũng là đây”.

1/ Quán triệt quan điểm bạo lực cách mạng, tích cực xây dựng LLVT nhân dân diệt ác, phá kềm, tạo thế mới cùng nhân dân đồng khởi đập tan hệ thống kìm kẹp của Mỹ, ngụy ở cơ sở (1954 - 1960):

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, địch ráo riết phá hoại Hiệp định tiến hành nhiều chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” dùng quân sự đàn áp các cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân ta rất dã man, lùa dân vào khu dinh điền (ở Thốt Nốt), khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu lập ấp chiến lược, bằng luật 10/59, lê máy chém khắp nơi để khủng bố đàn áp phong trào cách mạng.

Quán triệt quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng và đánh giá đúng bản chất kẻ thù; Cần Thơ để lại một bộ phận cán bộ trong LLVT chuyển sang làm công tác chính trị để chuẩn bị cho hoạt động vũ trang khi cần thiết.

Ngoài đàn áp phong trào cách mạng, diệt cộng sản, Mỹ - Diệm tiến hành đàn áp, tiêu diệt các LLVT của các giáo phái. Nắm lấy thời cơ, LLVT của các giáo phái ly khai chống Mỹ - Diệm, ta nhanh chóng xây dựng LLVT của tỉnh với danh nghĩa “Tiểu đoàn giáo phái chống Mỹ – Diệm”, thành lập 4 Tiểu đoàn: Tiểu đoàn Quang Trung hoạt động ở Long Mỹ; Tiểu đoàn Nguyễn Trung Trực, Lê Lợi hoạt động ở Châu Thành, Ô Môn, Long Mỹ; Tiểu đoàn Phan Đình Phùng hoạt động ở Phụng Hiệp, Kế Sách.

Đi đôi với xây dựng LLVT, ta còn xây dựng xưởng sửa chữa vũ khí, làm vũ khí thô sơ, trạm quân y. Các tiểu đoàn bám trụ địa bàn vũ trang tuyên truyền, phát động phong trào đấu tranh chính trị, xây dựng cơ sở Đảng và quần chúng, bí mật, trấn áp bọn tề điệp, địa chủ ác ôn dựa bọn tề ngụy cướp đất thu tô của nhân dân, thọc sâu vào vùng xung yếu, xây dựng căn cứ đứng chân và lõm chính trị trong dân.

LLVT Cần Thơ xuất hiện hoạt động đã tạo ra khí thế mới trong quần chúng tin tưởng vào thắng lợi ở cách mạng, các tổ chức quần chúng được xây dựng nhanh chóng, mỗi ấp có từ 1 đến 2 tổ du kích mật để vũ trang tuyên truyền, trấn áp tề điệp, diệt ác ôn; hỗ trợ đắc lực đưa phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng phát triển và quyết liệt hơn, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của trên 1.000 nông dân chống tăng tô, xáo canh, đòi giảm được 2.550 giạ lúa.

 Tiểu đoàn Tây Đô I ra mắt tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. (Nguồn: LLVT nhân dân Cần Thơ 30 năm kháng chiến - 1945 - 1975; tập II (1945-1975) - NXB QĐND).

Phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển nhanh chóng, ngày 10-12-1959 Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh Cần Thơ; sáp nhập Tiểu đoàn Nguyễn Trung Trực, Tiểu đoàn Lê Lợi và một bộ phận của LLVT địa phương, các đội bảo vệ cơ quan Đảng thành lập đơn vị Tây Đô. Cuối năm 1959 đầu năm 1960, các huyện trong tỉnh có các trung đội vũ trang; xã có đội du kích đã hoạt động diệt ác phá kềm, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.

Trong năm 1960, LLVT tỉnh phối hợp với LLVT huyện, du kích xã và sự giúp đỡ của nhân dân đã chiến thắng địch giòn giã: phục kích đánh 1 Tiểu đoàn Bảo an ngụy ở kinh Bảy Ngàn xã Trường Xuân, diệt 25 tên bắt sống 25 tên; phục kích đánh 1 Đại đội Bảo an ngụy ở rạch Cây Me, xã Trường Thành (Ô Môn) diệt 30 tên; kết hợp nội tuyến đánh đồn Vàm Xáng, xã Nhơn Nghĩa (Châu Thành); hóa trang kỳ tập tan công chi khu Cờ Đỏ giữa ban ngày, diệt và bắt sống 100 tên, thu 170 súng, 4 tấn đạn và hơn 200 tấn lúa, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền làm chủ ở vùng này; lần đầu tiên chống cuộc càn quét lớn với 4 Tiểu đoàn Bảo an ở Ông Đưa (Ô Môn) ta diệt 200 tên. Và sau đó là trận Chày Đạp (Phụng Hiệp) làm chết, bị thương trên 250 tên thuộc Sư đoàn 7 ngụy, thu hơn 60 súng.

Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương và Nghị quyết của Tỉnh ủy Cần Thơ, ngày 14-9-1960 toàn tỉnh đồng loạt nổi dậy tiến công địch bằng 3 mũi: chính trị, vũ trang, binh vận. Hàng vạn quần chúng được tổ chức trang bị vũ khí thô sơ: gậy gộc, mã tấu, súng kép, ngựa trời, đồng thời được sự hỗ trợ của LLVT tỉnh, huyện, xã, ấp bao vây hầu hết các đồn bót địch, đã gỡ hàng loạt đồn bót, hệ thống kìm kẹp, các tổ chức phản động của địch, giành quyền làm chủ nhiều nơi trong tỉnh. Điển hình như ở thị xã Cần Thơ, nhân dân nội ô phối hợp với nông dân ở nông thôn, ngày 14-9-1960 nổ ra cuộc biểu tình lớn, với gần 20 ngàn quần chúng tham gia. Du kích xã An Bình diệt đồn Rau Răm. Nhân dân cùng du kích xã và cơ sở nội tuyến xã Nhơn Nghĩa (Châu Thành) diệt đồn Vàm Xáng, xã Trường Long (Ô Môn). Ở Long Mỹ, Vị Thanh nhân dân được sự hỗ trợ đắc lực của LLVT phối hợp với cơ sở nội tuyến nổi dậy phá khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, tiêu diệt và bức rút hàng chục đồn bót: đồn 13 (Vĩnh Viễn), Thạnh Phú (Hỏa Lựu), Vàm Đinh (Long Phú), Cái Rắn (Xà Phiên), Nàng Mau (Vị Thủy), Hội đồng Sửu (Thuận Hưng)...

LLVT của tỉnh Cần Thơ cùng với phong trào chính trị, binh vận của toàn tỉnh đã đưa phong trào cách mạng của tỉnh nhà bước sang một thời kỳ mới, mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng anh dũng của nhân dân ta.

2/ Trong cao trào toàn dân đánh giặc, LLVT làm nòng cốt, phá “ấp chiến lược” giải phóng nông thôn (1961 - 1965):

Sau khi ta đồng khởi thắng lợi, địch thực hiện chiến tranh đặc biệt, chọn Cần Thơ làm trọng điểm phản kích lại phong trào nổi dậy và tiến công của ta. Chúng triển khai kế hoạch bình định nông thôn, thực hiện quốc sách “Ấp chiến lược”, các đoàn cố vấn Mỹ trực tiếp xuống Cần Thơ chỉ huy đánh phá phong trào cách mạng.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy đẩy mạnh chiến tranh du kích, kết hợp 3 mũi tiến công địch, trong các năm 1961 - 1963 phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển đều khắp. Hàng trăm ngàn lượt người tham gia xây dựng xã ấp chiến đấu, đào hàng vạn km kênh rạch, cải tạo địa hình vừa chống địch, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các hình thức đánh giặc bằng hầm chông, hố chông, mìn, đạp lôi, ong vò vẽ được phổ biến ở nhiều nơi. Phong trào đánh phá giao thông phát triển mạnh, hàng ngàn lượt quần chúng tham gia phá lộ 40 (Long Mỹ), liên tỉnh lộ 27 (Ô Môn) phong trào diệt Mỹ, đánh địch trong thị xã, thị trấn phát triển tốt.

* Một số sự kiện và trận đánh điển hình:

LLVT tỉnh phối hợp du kích xã Hỏa Lựu (Long Mỹ) tập kích một đại đội công binh ngụy trang, chúng đang làm khu trù mật tại Vàm Xáng - Hỏa Lựu, diệt 20 tên, phá kế hoạch của chúng; LLVT thị xã Cần Thơ kết hợp với du kích xã và lực lượng binh vận đánh đồn Cái Da, đồn Cây Me ngoại ô thị xã, tổ chức đoạt súng địch ở vàm Cái Sơn, diệt hàng chục tên địch, bắn rơi 1 máy bay ở xã An Bình, giải tán tề ấp ở hai xã An Bình và Long Tuyền (thuộc thị xã Cần Thơ).

Ở nội ô thị xã Cần Thơ phong trào “Tìm Mỹ để diệt” lên cao. Đầu năm 1961, Trần Hoàng Na diệt 4 tên cố vấn Mỹ tại căn lầu Vĩnh Phước Thành.

Ngày 18-11-1962, Đại đội 20 (Tây Đô) diệt gọn 1Đại đội Bảo an ngụy tại Kinh Dậy, xã Trường Long (Ô Môn); phục kích đánh diệt gọn 1 Đại đội Bảo an tại kênh xáng Xà No, xã Nhơn Nghĩa; Đại đội 31 (Tây Đô) phối hợp binh vận diệt gọn 1 đại đội địch tại trường huấn luyện Vị Thanh, tại Vàm Xáng, Hỏa Lựu; lần đầu tiên Tiểu đoàn Tây Đô đánh trực thăng vận, đổ quân tại kinh Chệt Thợ xã Trường Long (Ô Môn) diệt gần 100 tên.

Ngày 01-11-1963, chớp thời cơ Diệm bị đảo chánh, đơn vị Tây Đô kết hợp địa phương quân huyện Phụng Hiệp và du kích các xã Thạnh Hòa, Tân Bình tấn công diệt đồn Phú Xuân, diệt đồn Tầm Vu xã Thạnh Hòa, diệt đồn Cảng Đất trên kinh xáng Lái Hiếu, xã Hòa Mỹ (Phụng Hiệp) diệt gọn 4 trung đội địch. Đơn vị Tây Đô cùng địa phương quân và du kích hỗ trợ cho quần chúng các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Kế Sách phá nhiều mảng ấp chiến lược bung dân về chỗ cũ, giải phóng hàng loạt ấp của 3 huyện.

Năm 1963, phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh: tháng 5-1963 du kích xã Hiệp Hưng, Hòa Mỹ (Phụng Hiệp) bao vây bức rút đồn Ngã Tư Cây Dương (xã Hiệp Hưng); du kích xã Trường Thành bức rút đồn Cây Me; tháng 11-1963, địa phương quân huyện và du kích xã Vĩnh Viễn tiêu diệt đồn 13 (lần thứ 2). Ta giữ vững giải phóng 6 năm liền.

Trong năm 1964 và năm 1965, phong trào đấu tranh bằng 3 mũi rất mạnh. Năm 1964 sau khi Tiểu đoàn Tây Đô chính thức thành lập với chiến thuật “Công đồn đả viện” ta diệt gọn Tiểu đoàn Bảo an số 29. Tiếp đến ngày 08-6-1965, lần đầu tiên Tiểu đoàn Tây Đô sau mỗi ngày chống càn, đêm lại tập kích diệt gọn 1 Tiểu đoàn chủ lực địch (Biệt động quân 44) “Cọp đen” tại rạch Ông Hào, xã Trường Long (Châu Thành). Đầu năm 1965, Tiểu đoàn Tây Đô và địa phương quân Phụng Hiệp (trong đó có một trung đội địa phương quân nữ) và du kích xã Long Thạnh (Phụng Hiệp) đánh gãy cuộc càn quét quy mô của địch tại rạch Sen Trắng, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp) làm chết và bị thương trên 200 tên.

Trong những năm này phong trào du kích chiến tranh và sản xuất vũ khí thô sơ rất mạnh, ở xã, huyện, tỉnh đều có công trường; phong trào du kích chiến tranh mạnh, đánh bằng hầm chông lựu đạn, kết hợp ong vò vẽ, điển hình ở xã Đông Phước (Châu Thành), Thạnh Hòa, Hòa Mỹ (Phụng Hiệp), Vĩnh Viễn (Long Mỹ), Trường Lạc (Ô Môn). Qua phong trào, xuất hiện những du kích giỏi như: Anh hùng Đoàn Văn Chia được Trung ương Cục tuyên dương Anh hùng LLVT, anh Ba Ka luyện ong vò vẽ đánh giặc, anh Tưởng mưu trí đánh chất nổ diệt gần hết Đại đội Bảo an địch. Những trận đánh của biệt động, du kích mật ở thành phố, thị xã đánh vào đầu não địch và diệt Mỹ ở Cần Thơ, đánh phá cắt đứt giao thông rất mạnh, xuất hiện những điển hình như: Trần Hoàng Na, Nguyễn Ngọc Trai, đặc biệt có chị Trương Thị Hoa mưu trí chở chất nổ đánh sập 8 cầu, hỏng 1 cầu, trong đó có 3 cầu lớn trên quốc lộ 4, liên tỉnh lộ 31 làm tắc giao thông địch nhiều ngày.

Phong trào thanh niên tòng quân rất sôi nổi bổ sung cho lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, xã và Trung ương Cục (tỉnh đưa 2 đại đội 19, 31) và hàng ngàn nam nữ thanh niên xung phong bổ sung cho trên, đưa một trung đội địa phương quân tăng cường cho lực lượng tỉnh Trà Vinh. Hàng loạt xã, ấp được giải phóng, lực lượng cách mạng phát triển khá nhanh.

(Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ)
(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết