16/07/2010 - 10:11

Lực lượng vũ trang Thành phố Cần Thơ 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (30/7/1945 - 30/7/2010)

Lực lượng vũ trang (LLVT) Cần Thơ được thành lập ngày 30-7-1945, nhân dân và LLVT Cần Thơ có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, có tinh thần cần cù, chịu khó, sáng tạo, đấu tranh oanh liệt, một lòng theo Đảng, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, Cần Thơ có tổ chức đảng thành lập rất sớm (1929), có nhiều trận đánh và nhiều địa danh đi vào lịch sử như: Tầm Vu, Ông Hào, Ông Đưa, Ông Cửu, Quang Phong, Một Ngàn, Lộ Vòng Cung rực lửa... Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, LLVT Cần Thơ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục giành thêm nhiều thành tích mới.

I/ Lực lượng vũ trang Cần Thơ thời kỳ tiền khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược:

1/ Thời kỳ tiền khởi nghĩa (trước năm 1945):

Cần Thơ có tổ chức cơ sở đảng thành lập rất sớm từ năm 1929 và được tôi luyện trong các phong trào cách mạng: cao trào cách mạng 1930 - 1931; dân sinh dân chủ 1936 - 1939. Mạng lưới cơ sở cách mạng được xây dựng đến khắp từ thị xã đến các quận, huyện.

Quân dân Cần Thơ chở pháo 105 ly thu được của giặc Pháp trong trận Tầm Vu IV về vùng căn cứ. Nguồn: Cần Thơ 30 năm vũ trang chống Thực dân Pháp - Đế quốc Mỹ (1945-1975 tập I). 

Tháng 9-1940, Xứ ủy Nam kỳ quyết định khởi nghĩa Nam kỳ. Nhận được Nghị quyết của Xứ ủy, Tỉnh ủy Cần Thơ họp nhất trí với nhận định tình hình và chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa Xứ ủy; đồng thời xác định kế hoạch, mục tiêu tấn công chủ yếu ở Cần Thơ. Khí thế chuẩn bị khởi nghĩa trong tỉnh dâng lên mạnh mẽ, nhiều nơi thanh niên luyện tập quân sự rất sôi nổi, nhiều lò rèn đi vào sản xuất các vũ khí thô sơ...

12 giờ ngày 22-11-1940, lệnh khởi nghĩa về đến Cần Thơ. Khoảng 10 giờ đêm, 11 du kích làng Thới Bình, Long Tuyền tập trung tại Chòm Mã Tây và Kinh Xáng Thổi chờ nhận vũ khí; sau đó phối hợp với cánh quân khác cướp Khám Lớn giải thoát tù nhân, chiếm bến bắc Cần Thơ. Song, do địch canh phòng nghiêm ngặt nên cuộc khởi nghĩa không thực hiện được.

7 giờ tối ngày 23-11-1940, ở quận Cầu Kè, lực lượng khởi nghĩa tiến đánh quận lỵ. Với vũ khí thô sơ, nghĩa quân xông vào vây kín dinh quận, bám sát bờ tường dùng búa đập phá cửa dinh. Quân địch điên cuồng chống trả, nhiều người trong lực lượng nghĩa quân bị thương vong. Để bảo toàn lực lượng, nghĩa quân rút lui và phân tán về các địa phương.

Phụng Hiệp nhận lệnh khởi nghĩa chậm, chiều ngày 24-11-1940 lực lượng khởi nghĩa hơn 60 người ở Phú Hữu, Đông Sơn mới bắt đầu tấn công đồn Cái Cui ở Đông Phú, quân khởi nghĩa chiếm nhà việc ở Mái Dầm, đốt sổ sách, giấy tờ, bắt tên quản cơ, thu 1 súng. Những nơi khác như Trà Ôn, Ô Môn, Châu Thành, các ban khởi nghĩa đã thực hiện đúng kế hoạch, bố trí các lực lượng tiếp cận các mục tiêu nhưng do quân địch đã đề phòng, tăng cường canh gác nên ta không thể tấn công được, phải rút lui bảo toàn lực lượng.

Sau cuộc khởi nghĩa ở Cần Thơ, quân địch đã tiến hành khủng bố, càn quét, đốt phá cơ sở cách mạng. Chúng bắt giữ 387 người (theo tài liệu địch). Đây là một tổn thất lớn đối với Đảng bộ, nhân dân và LLVT Cần Thơ.

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940 của nhân dân Cần Thơ tuy thất bại, nhưng góp phần giáng một đòn mạnh mẽ vào chế độ thực dân Pháp, mở đầu cho phong trào đấu tranh vũ trang cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương để giành độc lập tự do cho dân tộc. Qua đó, Đảng bộ có kinh nghiệm tổ chức lực lượng quần chúng, xây dựng LLVT tỉnh Cần Thơ.

2/ Cách mạng Tháng Tám năm 1945:

Vào tháng 5-1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong ở Nam kỳ ra mắt tại Sài Gòn. Tháng 6-1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong Cần Thơ được thành lập. Đến tháng 7-1945 hoạt động mạnh nhất ở miền Tây.

Cuối tháng 7-1945, đồng chí Trần Văn Hoài và đồng chí Huỳnh Phan Hộ trực tiếp tổ chức LLVT của các quận, huyện phát triển lên đến 300 quân, có một số được chọn về thị xã tổ chức thành xung phong đội (7 trung đội), được trang bị vũ khí làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, đồng thời để chuẩn bị khởi nghĩa tại địa phương. Các xung phong đội này là những tổ chức vũ trang công khai của Thanh niên Tiền phong dưới sự lãnh đạo của tỉnh Đảng bộ - đây là mầm mống để hình thành LLVT Cần Thơ. Sau này, lấy ngày 30-7-1945 là ngày truyền thống của LLVT thành phố Cần Thơ.

Đỉnh cao của cao trào cách mạng 1929 - 1945 ở Cần Thơ là cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vào ngày 26-8-1945. Từ cao trào ấy, LLVT Cần Thơ phát triển mạnh do các đảng viên cộng sản làm nòng cốt như: Huỳnh Phan Hộ, Trần Văn Hoài... là những chỉ huy đầu tiên của LLVT Cần Thơ. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, Tỉnh ủy Cần Thơ chỉ thị thành lập ở tỉnh 4 Đại đội cộng hòa vệ binh; ở huyện có từ 1 - 2 trung đội và ở làng xã có tiểu đội dân quân do ủy viên hành chánh chỉ huy, nhằm đảm bảo điều hành công việc, giữ gìn an ninh trật tự, làm nòng cốt trong các phong trào cách mạng ở địa phương và bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính quyền nhân dân còn non trẻ.

3/ Chín năm chống thực dân Pháp xâm lược (từ 30-7-1945 đến 7-5-1954):

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh tấn công Sài Gòn - Gia Định. Ngày 30-10-1945, quân Pháp đánh vào Cần Thơ. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, LLVT Cần Thơ quyết tử chiến đấu trên các mặt trận: Tham Tướng, Cái Khế, Bình Thủy, Cái Vồn... đã gây cho giặc Pháp thương vong đáng kể, quân địch không tiến được, ý chí bị lung lay.

Sau ngày 30-10-1945, LLVT Cần Thơ liên tục tác chiến kìm chân địch xung quanh Cần Thơ hơn 90 ngày, do tương quan lực lượng, quân ta rút lui vào chiến khu để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị kháng chiến trường kỳ. Song, quân ta vẫn phải tác chiến ngăn chặn bước tiến của địch bảo vệ cho đồng bào tản cư và quá trình chiến đấu của LLVT luôn được bổ sung lực lượng, thành lập thêm một số đơn vị: Chi đội 23, Đại đội 68, Đội 1085, 1090, về sau trên tăng cường cho Tiểu đoàn 410; từng lúc ở Cần Thơ có Tiểu đoàn, Trung đoàn Tây Đô... Ở nội ô Cần Thơ, có các đơn vị: Sát gian Đảng do đồng chí Hoàng Hà chỉ huy, Biệt động đội do đồng chí Nhật Quang chỉ huy; Công an xung phong do đồng chí Nguyễn Việt Dũng chỉ huy. Một số đơn vị của thị xã thì đồng chí Phải và đồng chí Thiều Quang Thể phụ trách. Năm 1953, đồng chí Trần Trung Tín làm Thị đội trưởng chỉ huy chung LLVT thị xã.

Ở xã ấp, phong trào du kích đánh giặc giữ làng phát triển rộng rãi, thường xuyên làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Các phong trào ngăn sông phá lộ, đốt kho đạn... được nhân dân hưởng ứng, gây cho địch nhiều khó khăn trong việc ruồng bố vào vùng tự do. Ở hậu phương còn có phong trào tiếp tế, cứu thương và đặc biệt các binh công xưởng hình thành tạo cho LLVT có thêm vũ khí đánh địch.

Trong 9 năm kháng chiến chống quân xâm lược Pháp, LLVT Cần Thơ với các đội du kích vừa là quân, vừa là dân đã không ngừng tiêu hao sinh lực địch, kìm địch tại Cần Thơ cho vùng căn cứ cách mạng thêm vững chắc và phối hợp bộ đội chủ lực đánh 4 trận Tầm Vu, trong đó trận Tầm Vu IV ngày 19-4-1948, lần đầu tiên ở chiến trường đồng bằng, quân dân Cần Thơ diệt hơn 100 tên giặc, thu pháo 105 ly. Chiến thắng Tầm Vu IV đã ghi vào trang sử hào hùng của quân dân Cần Thơ, quân dân khu IX và quân dân Nam bộ một mốc son chói lọi. Đây là chất xúc tác mạnh tạo nên những chiến thắng giòn giã sau này của LLVT Cần Thơ và cả Quân khu IX. LLVT Cần Thơ còn có những trận đánh có ý nghĩa lớn như: đánh chìm tàu ở Cái Sình, xã Vị Thanh; trận Giòng Sao (Long Mỹ) kết hợp binh địch vận diệt đồn Phong Điền, Giai Xuân và chiến công của Tiểu đoàn 307 diệt đồn Bảy Ngàn trên kênh xáng Xà No... Với chiều dài chiến đấu và bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân địa phương, nhân dân và LLVT Cần Thơ được sự chi viện của chủ lực Quân khu 9, đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch góp phần cùng toàn quốc:

Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng

Quân và dân ta đã đánh bại quân viễn chinh Pháp, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ, kháng chiến chống thực dân Pháp thành công.

(Còn tiếp)

(Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết