15/10/2018 - 20:17

Lực đẩy cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật   

Trong 5 năm học, với 7 lần tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, TP Cần Thơ có 30 sản phẩm đạt giải. Đây là thành quả tất yếu của sự quan tâm đầu tư từ ngành giáo dục thành phố, quận, huyện; nỗ lực nghiên cứu khoa học của thầy trò các trường.

Học sinh Trường THCS Lê Bình (quận Cái Răng), chăm chút sản phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng năm học 2017-2018 cấp thành phố. 

Điểm sáng   

Nhắc đến phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh trung học, không thể thiếu vắng các trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Việt Hồng…; phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quận Cái Răng, Thốt Thốt, Ninh Kiều,… Những điểm sáng này thể hiện qua con số ấn tượng trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học các cấp. Năm học 2017-2018, Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều có 7 dự án đạt giải cấp quận, 4 dự án đạt giải cấp thành phố, năm học 2016-2017 có 1 giải Khuyến khích cấp quốc gia); quận Cái Răng có tất cả 4 đề tài tham dự đạt giải cấp thành phố. Quận Thốt Thốt trong 5 năm học (2013-2014 đến 2017-2018) có 75 sản phẩm đạt giải cấp quận, 15 giải thành phố (chưa kể giải thưởng của trường 2 cấp học THCS-THPT). Cuối tháng 10 này, Cần Thơ vinh dự có học sinh được trao giải Đặc biệt, giải thưởng duy nhất của Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 14, với đề tài “Robot mô phỏng hóa hành động” của Diệp Gia Đăng và Phạm Trung Hiếu (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng). 

Theo thầy Trần Lương Thái, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, giáo viên hướng dẫn đề tài “Robot mô phỏng hóa hành động”, nhóm học sinh nghiên cứu có năng lực, chịu khó sửa sản phẩm rất nhiều lần để có kết quả tối ưu nhất. Bên cạnh đó, người thầy hướng dẫn phải đam mê khoa học, vận dụng tốt kiến thức chuyên môn trong hướng dẫn nghiên cứu của học sinh, đồng thời quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của học sinh trong suốt quá trình… “Người thực hiện phải có năng lực chuyên môn tốt, bản lĩnh, nghiêm túc, trung thực, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học kỹ thuật qua việc tham khảo tài liệu, tham dự hội thảo khoa học và hợp tác tốt với cố vấn hỗ trợ”, thầy Thái chia sẻ. 

Tại Hội nghị sơ kết, đánh giá tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học giai đoạn 2015-2018 do Sở GD&ĐT Cần Thơ tổ chức vừa qua, nhiều thầy cô cho rằng, thành quả trong nghiên cứu khoa học kết tinh từ quá trình phấn đấu nỗ lực của thầy trò; trợ lực của lãnh đạo ngành giáo dục. Trong đó, giáo viên hướng dẫn chú ý các vấn đề như: lựa chọn đề tài, lập kế hoạch thực hiện; đặt vấn đề và xây dựng giả thuyết, thu thập các kết quả và xử lý thông tin, viết báo cáo kết quả nghiên cứu. Cô Trương Thị Minh Hải, giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm, cho rằng: Quan trọng vẫn là sự ủng hộ, sâu sát của lãnh đạo đơn vị. Lãnh đạo trường tạo mọi điều kiện, để thầy cô, học sinh có động lực; phối hợp với tổ chuyên môn, tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo, qua đó tìm ý tưởng hay, đột phá có thể phát triển thành đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nếu ý tưởng sáng tạo chưa có giáo viên hướng dẫn thì phân công thầy cô có chuyên môn gần nhất với lĩnh vực để dìu dắt. 

Theo cô Ngô Thị Kim Hậu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, trong công tác này cần xây dựng mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ giữa giáo viên hướng dẫn - gia đình học sinh - nhà trường. Đây là cầu nối quan trọng để hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của học sinh. Gia đình là nguồn động viên tinh thần cho học sinh trong hoạt động nghiên cứu, bởi gia đình và học sinh chịu áp lực lớn khi phân chia quỹ thời gian cho việc học chương trình chính khóa, áp lực thi cử... 3 năm học qua (2015-2016 đến 2017-2018), Trường THPT Nguyễn Việt Hồng có 10 sản phẩm đạt giải cấp thành phố và 3 sản phẩm đạt giải cấp quốc gia (2 Nhì, 1 Khuyến khích) trong cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Nền tảng nâng cao chất lượng

Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là một hoạt động trải nghiệm bổ ích, gắn liền giữa lý thuyết với thực hành thực tiễn cuộc sống. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học tại nhà trường tạo môi trường để học sinh nuôi dưỡng các ý tưởng, khơi dậy tiềm năng, phát huy tính sáng tạo học sinh. Từ đầu các năm học năm học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đều đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học đối với học sinh trung học; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học và tổ chức thi khoa học kỹ thuật cấp cơ sở đến phòng GD&ĐT các quận, huyện, các trường THPT trực thuộc...

Tuy nhiên, vẫn có khó khăn là phong trào nghiên cứu khoa học mới phát triển mạnh vài năm gần đây, trước năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT chưa tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật; trang mạng trường học kết nối chưa được đông đảo giáo viên tham gia... Do đó, một số đơn vị chưa chủ động tham gia cuộc thi, chưa đưa nội dung hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học vào trong các hoạt động dạy học. Đồng thời chưa có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ phù hợp cho giáo viên và học sinh tham gia cuộc thi, nhất là các học sinh đạt giải cao.  

Khó khăn là vậy nhưng nghiên cứu khoa học kỹ thuật vẫn là hoạt động không thể thiếu ở các trường. Thầy Nguyễn Phúc Tăng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Cần Thơ, nhấn mạnh: Các đơn vị tích cực sử dụng trang mạng Trường học kết nối, tạo tài khoản cho học sinh và hướng dẫn học sinh sử dụng trang mạng này để học tập, nghiên cứu. Lãnh đạo các trường trung học, các phòng GD&ĐT cần quan tâm đến thời gian tổ chức Cuộc thi cấp thành phố; từ đó chủ động tổ chức Cuộc thi cấp trường, cấp quận, huyện nhằm lựa chọn những sản phẩm tốt nhất dự thi cấp thành phố. Các đơn vị chú ý triển khai nghiên cứu khoa học, các hoạt động trải nghiệm, hỗ trợ kịp thời cho giáo viên hướng dẫn và học sinh theo quy định... qua đó thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật, góp phần tích cực vào đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.

Bài, ảnh: ĐẶNG NGỌC

Chia sẻ bài viết