28/05/2018 - 07:44

Luật chống khủng bố gây tranh cãi của Indonesia 

Chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ đánh bom tự sát do tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện, lấy đi sinh mạng của hơn 30 người ở thành phố Surabaya, Quốc hội Indonesia hôm 25-5 đã thông qua dự luật chống khủng bố với những điều khoản nghiêm khắc hơn trong bối cảnh nước này tìm cách chống lại sự trỗi dậy của các tổ chức Hồi giáo cực đoan trong nước.

Cảnh sát Indonesia siết chặt an ninh sau vụ tấn công hồi tuần rồi. Ảnh: SCMP
Cảnh sát Indonesia siết chặt an ninh sau vụ tấn công hồi tuần rồi. Ảnh: SCMP

Luật chống khủng bố mới, vốn là phiên bản sửa đổi của Luật chống khủng bố ban hành năm 2003, cho phép cảnh sát giam giữ các đối tượng tình nghi khủng bố trong vòng 21 ngày, lâu hơn so với mức 7 ngày hiện tại và lên tới 200 ngày để điều tra, đồng thời cho phép cảnh sát truy tố các đối tượng gia nhập hoặc tuyển dụng người cho các tổ chức khủng bố hay tham gia vào các khóa huấn luyện theo phong cách quân sự ở trong hoặc ngoài nước. Luật mới đồng thời cũng nâng cao vai trò của quân đội trong các hoạt động chống khủng bố.

Theo Luật chống khủng bố mới, những người bị kết tội buôn lậu chất nổ hoặc các hóa chất và vũ khí khác hay tham gia các tổ chức khủng bố ngoài nước sẽ phải đối mặt với án tử hình. “Ngài Tổng thống hy vọng rằng với việc thông qua dự luật này, chúng ta có thể thành công trong việc tiêu diệt bọn khủng bố bằng cả quyền lực mềm và quyền lực cứng” - Johan Budi, phát ngôn viên của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, cho biết.

 

590 người Indonesia đang tham chiến với IS

Gần 1.500 người Indonesia đã đến Trung Đông để tham chiến với IS tại Iraq và Syria. Moeldoko, Chánh Văn phòng phủ Tổng thống Indonesia, mới đây cho biết trong số này, 590 người hiện đang hoạt động tại Syria hoặc Iraq, 103 người đã bị tiêu diệt, 86 người đã trở về Indonesia và 539 người khác đã bị trục xuất.

Dự luật chống khủng bố sửa đổi được chính quyền Tổng thống Widodo đề xuất vào đầu năm 2016 sau khi nổ ra một cuộc tấn công tự sát tại Thủ đô Jakarta – vụ tấn công liên quan đến IS đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, nó đã bị xao lãng tại quốc hội trong bối cảnh có nhiều lo ngại xung quanh các chi tiết cốt yếu của dự luật, trong đó bao gồm cách xác định “khủng bố”. Một số đảng tại Indonesia đã lên tiếng phản đối các điều khoản của dự luật do lo ngại quân đội sẽ can thiệp sâu vào an ninh nội bộ. Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền cũng bày tỏ lo ngại rằng ngôn từ mơ hồ của dự luật có thể tạo điều kiện để cảnh sát  trấn áp bất kỳ tổ chức nào được coi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Ahmad Taufan Damanik, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Indonesia, nhận định việc dự luật cho phép quân đội tham gia trực tiếp vào các hoạt động chống khủng bố là một sai lầm bởi sự cạnh tranh giữa cảnh sát và quân đội có thể làm phức tạp cuộc chiến chống lại bọn khủng bố.

Song, Atmadji Sumarkidjo, một quan chức cấp cao của Chính phủ Indonesia khẳng định, lực lượng quân đội sẽ chỉ được phép tham gia hành động vào thời điểm lực lượng cảnh sát cảm thấy cần thêm viện binh. Còn Muhammad Syafi’i, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội ban hành dự luật mới trấn an, việc đưa vai trò của quân đội vào dự luật chỉ nhằm mục tiêu tăng cường cho lực lượng cảnh sát trong việc phá vỡ triệt để các mạng lưới cực đoan ở Indonesia.

Indonesia đã trở thành một nền dân chủ sau khi chế độ độc tài Suharto sụp đổ năm 1998. Từ đó, vai trò của quân đội vốn được hưởng quyền lực rộng lớn đã giảm đi một cách đáng kể. Hiện các hoạt động chống khủng bố của Indonesia do một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm gọi là Densus 88 đảm trách. Lực lượng này được thành lập sau vụ đánh bom hộp đêm tại đảo Bali vào năm 2002, cướp đi sinh mạng 202 người, trong đó chủ yếu là người nước ngoài. Trong hai năm qua, Densus 88 đã đập tan 23 âm mưu khủng bố và bắt giữ hơn 360 nghi can khủng bố.

TRÍ VĂN
(Theo SCMP, Reuters, ABC News)

Chia sẻ bài viết