17/07/2018 - 22:04

Đồng chí Trần Thị Vĩnh Nghi, đại biểu Quốc hội (khóa XIV), Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ:

Luật An ninh mạng nhằm đảm bảo thông tin chính xác, phục vụ nhân dân tốt hơn 

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra những thành tựu khoa học công nghệ vượt trội, tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội nhưng cũng gây ra không ít tác động tiêu cực nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh những lợi ích to lớn, các thiết bị kết nối Internet, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nguy cơ bị kể xấu lợi dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng. Thực tế ở nước ta, thời gian qua, công tác đảm bảo an ninh mạng (ANM) gặp nhiều thách thức, nhất là tình trạng tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo trực tuyến, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm; hay như những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan.

Trước thực trạng nêu trên, Quốc hội đã thông qua Luật ANM, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản trong công tác bảo vệ ANM, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về ANM, bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Khi có Luật ANM, chúng ta sẽ có một môi trường mạng an toàn và quy chuẩn hơn, đồng thời là công cụ để kiểm soát, bảo vệ tốt hơn những thông tin, dữ liệu của công dân.

Nhiều cử tri lo ngại trước tình trạng hacker, lan truyền thông tin xấu, bí mật riêng tư của công dân trên không gian mạng, hoặc những thông tin xuyên tạc, lôi kéo người dân vào những hoạt động vi phạm pháp luật. Chỉ tính năm 2017, hệ thống thông tin tại Việt Nam hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng; 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc tấn công phần mềm độc hại. Thiệt hại do virus máy tính gây rối đối với người dùng Việt Nam khoảng 12.300 tỉ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2018, nước ta ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng, khoảng 637.000 máy tính bị nhiễm mã độc. Thực trạng trên cho thấy sự ra đời của Luật ANM là rất cần thiết, qua đó nhằm đảm bảo không gian mạng an toàn, cung cấp thông tin chính xác, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Nhiều người lo ngại việc bày tỏ ý kiến cá nhân trên không gian mạng sẽ vi phạm pháp luật nhưng theo Luật ANM, những hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác trên không gian mạng, thì phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Một số người băn khoăn về có hay không việc xâm phạm đời tư của công dân, về vấn đề này, Luật ANM không có quy định nào kiểm soát, xâm phạm đến đời tư của người dùng mạng xã hội, Internet hay hạn chế quyền công dân. Luật chỉ tập trung vào phòng ngừa, xử lý an ninh quốc gia, an ninh trật tự trên không gian mạng. Mọi người vẫn sử dụng mạng xã hội, Internet tự do trong khuôn khổ, hành lang pháp lý.

Luật ANM có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Để người dân có đầy đủ thông tin về luật, tôi nghĩ các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền về Luật ANM sâu rộng trong nhân dân. Các đơn vị, địa phương tuyên truyền, giải thích những nội dung cơ bản của Luật ANM, làm rõ sự cần thiết, mục đích ban hành và ý nghĩa của Luật ANM; vạch trần các âm mưu, hoạt động lợi dụng việc ban hành Luật ANM để kích động gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh hội nghị tuyên truyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cần đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, như: tọa đàm, hội thi, sân khấu hóa và tận dụng mạng xã hội, fanpage của tổ chức đoàn thể tăng cường đăng tải các thông tin chính thống về những nội dung cơ bản của Luật ANM nhằm đạt được hiệu quả tuyên truyền cao nhất.

Q. THÁI (lược ghi)

Mời độc giả xem toàn văn Luật An ninh mạng tại đây.

Chia sẻ bài viết