16/07/2018 - 23:29

Ông Lê Quang Tuyến, Giám đốc Trung tâm Thông tin điện tử Cần Thơ

Luật An ninh mạng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia môi trường mạng

Những năm gần đây, an ninh mạng (ANM) đã trở thành mối quan tâm đặc biệt. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế, chính trị của nước ta. Trong khi đó, nỗ lực cải thiện an ninh môi trường mạng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do thiếu các thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm ANM. Do đó việc ban hành Luật ANM trong điều kiện, tình hình thực tế hiện nay của Việt Nam là hết sức cần thiết.

Luật ANM đã được Quốc hội khóa XIV quyết định thông qua tại Nghị quyết số 64/2018/QH14, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đảm bảo ANM ở nước ta, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển, vừa đảm bảo yêu cầu an ninh quốc gia trong tình hình hiện nay.

Luật ANM không hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân. Luật ANM đi vào đời sống sẽ đảm bảo tốt hơn môi trường kinh doanh lành mạnh cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; là cơ sở pháp lý quan trọng giúp lực lượng chuyên trách xử lý những nguy cơ, thách thức từ không gian mạng một cách kịp thời và hiệu quả. Luật ANM không cấm mọi người tiếp cận thông tin, nhưng mỗi người phải tự biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, bịa đặt, độc hại; cần tỉnh táo nhận diện, không để bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng thành công cụ xâm hại cá nhân, tổ chức, xâm hại an ninh quốc gia. Nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật ANM cũng quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với cơ quan nhà nước, Luật ANM ban hành là cơ sở để các đơn vị chủ động xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định, phương án cho hoạt động bảo vệ an ninh mạng. Tập trung vào các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về ANM cho cán bộ, công chức, viên chức; đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo triển khai công tác bảo vệ ANM và ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng do mình quản lý. TP Cần Thơ bước đầu thành lập được Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước tại Quyết định số 2710/QĐ-UBND ngày 18-10-2017; ban hành Quy chế điều phối, ứng cứu sự cố và hoạt động của Đội ứng cứu tại Quyết định số 1559/QĐ-UBND ngày 19-6-2018; Quy chế quản lý, vận hành và khai thác Trung tâm dữ liệu thành phố tại Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND ngày 10-3-2015; Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước thuộc UBND TP Cần Thơ tại Quyết định số 2945/QĐ-UBND ngày 9-10-2015... Đó cũng là điều kiện thuận lợi để Luật ANM triển khai có hiệu quả tại TP Cần Thơ khi Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. 

QUỲNH LAM (lược ghi)

Chia sẻ bài viết