07/10/2018 - 17:47

Lúa thu đông vào mùa thu hoạch được giá 

Hiện nay, nông dân TP Cần Thơ đang bước vào mùa thu hoạch lúa thu đông 2018. Tuy nhiên, năm nay nước lớn, những cánh đồng thu hoạch sớm, năng suất lúa giảm do ngập lụt và sâu bệnh nhiều. Theo dự báo, lúa thu đông còn chịu con nước cuối mùa tháng 10-2018, chi phí sản xuất, bảo vệ lúa thu đông và bơm tát sẽ tăng lên, có khả năng ảnh hưởng năng suất lúa, lợi nhuận của nông dân…

Vào mùa thu hoạch

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ lúa thu đông 2018, toàn thành phố xuống giống trên 74.000ha, đạt trên 134% kế hoạch và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 1.000ha. Đến thời điểm này, toàn thành phố đã thu hoạch trên 50% diện tích lúa thu đông, năng suất khoảng 5 tấn/ha, giảm từ 1tạ đến 2tạ/ha. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Diện tích lúa thu đông năm nay tăng so với cùng kỳ, do những vụ mùa qua nông dân sản xuất có lợi nhuận cao, gặp thuận lợi trong sản xuất. Hiện nay, nước lũ kết hợp triều cường lên cao, đe dọa tràn ngập đê bao, phá hại lúa thu đông. Do đó, vụ mùa này nông dân phải tốn thêm chi phí để bảo vệ lúa, củng cố đê bao, bơm tát chống ngập úng… ảnh hưởng đến lợi nhuận". 

Lúa thu đông trên địa bàn TP Cần Thơ chuẩn bị cho thu hoạch.

 Nhiều cánh đồng lúa tại các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh… đã bắt đầu thu hoạch sớm. Theo quan sát của chúng tôi, đồng lúa chạy dài qua kênh Đứng đến kênh xáng Thốt Nốt - Cờ Đỏ đã có nhiều thửa ruộng lúa thu đông bắt đầu thu hoạch sớm. Ở huyện Cờ Đỏ, dọc theo đồng lúa thuộc các xã Thới Xuân, Thới Đông ghe thu mua lúa đậu dọc theo bờ kênh. Anh Võ Văn Khánh, ở xã Thới Đông canh tác trên 5ha lúa thu đông và đã cho thu hoạch. Anh Võ Văn Khánh cho biết: "Vụ thu đông năm nay, bà con gặt lúa sớm đều thu được năng suất thấp hơn năm ngoái. Vì thu đông năm nay, nước lũ về sớm, dù chưa bị thiệt hại do nước chụp nhưng sâu bệnh tăng, nặng nhất là lúa bệnh cháy bìa lá nên năng suất thấp, 700kg/công, ruộng nào chăm sóc tốt vẫn chưa tới 800kg/công. So với vụ thu đông năm trước giảm trung bình 100kg/công. Năng suất lúa giảm hơn năm ngoái, nhưng nhờ bán được giá, nông dân cũng có lợi nhuận từ lúa thu đông. Hiện nông dân không lo về thị trường tiêu thụ, khi lúa mới ngả vàng đã có thương lái tìm tới đặt cọc trước. Vùng này trồng nhiều lúa OM5451, giá lúa tươi 5.100-5.200 đồng/kg, trừ mọi chi phí thu lợi nhuận khoảng 30%...".

Con nước triều cường tháng 7, tháng 8 âm lịch vừa qua đã mấp mé đê bao. Những đồng ruộng thu hoạch lúa sớm, nông dân thả nước vào đồng, đón lấy phù sa cho vụ mùa tiếp theo. Nhiều nông dân tranh thủ nước lũ, thả nuôi cá ruộng kiếm thêm thu nhập. Còn một số vùng lúa chín sắp thu hoạch, nông dân đang lo, nhất là vùng nội đồng Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… nếu nước lên thêm trên 2 tấc (20cm) sẽ tràn đê bao. Do vậy, một số đoạn đê bao thấp, ngành nông nghiệp các địa phương phối hợp cùng nông dân gia cố, nâng cao đê bao bảo vệ lúa.

Bảo vệ lúa thu đông

Theo thống kê đến giữa tháng 9-2018, nước lên cao đã làm tràn đập, ảnh hưởng 2.043ha lúa (tập trung tại huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt và Ô Môn), nông dân đang tiến hành bơm thoát nước. Dự kiến, tới đây diện tích có khả năng bị ảnh hưởng của nước lũ khoảng 10.688ha. Ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết: "Giữa tháng 10 này, lúa thu đông bắt đầu thu hoạch rộ, năng suất cao hơn lúa thu hoạch sớm khoảng 1tạ đến 2tạ/ha. Ngành nông nghiệp thành phố chỉ đạo các địa phương hỗ trợ nông dân thu hoạch khi lúa vừa chín tới, tránh bị nước lũ làm ngập úng…".

Hiện giá lúa thu đông trên địa bàn TP Cần Thơ dao động từ 4.600-5.700 đồng/kg. Trong đó, giá lúa tươi tại ruộng giống IR50404 giá khoảng 4.600-5.100 đồng/kg; giống OM 5451 khoảng 5.000-5.100 đồng/kg và giống Đài thơm 8 là 5.600 - 5.700 đồng/kg. Hiện ở Sóc Trăng, gạo thơm ST giá cũng tăng vọt từ cuối tháng 9 đến nay. Do vụ hè thu vừa rồi chi phí sản xuất cao, giá một số vùng bao tiêu lúa có giá  6.500 đồng/kg, từ đó giá thành sản xuất gạo thơm ST tăng trên 23.000 đồng/kg. Trong khi các mặt hàng gạo phổ thông khác cũng tăng giá theo sau tin xuất khẩu gạo sang một số nước có nhu cầu dự trữ gạo đã lên kế hoạch thu mua.

Sở NN&PTNT nhận định với giá lúa như hiện nay nông dân sản xuất có lợi nhuận khá cao. Đồng thời, những năm gần đây, sản xuất lúa vụ thu đông nông dân trông chờ cơ hội xuất khẩu gạo ra thị trường bên ngoài, làm lúa giống, gạo chạy chợ cuối năm; giá lúa gạo cũng thường ổn định mức khá trước khi bước vào vụ đông xuân sau Tết Nguyên đán... Do đó, TP Cần Thơ cũng như nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL khoanh vùng sản xuất lúa vụ 3 thuận lợi, ăn chắc, lên kế hoạch khuyến khích nông dân sản xuất. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo trên đà tăng trưởng, mức tăng khoảng 30% về lượng. Gạo xuất khẩu đa dạng, trong đó thị trường đang có nhu cầu cao chiếm phần nhiều là nhóm gạo thơm cao cấp, gạo chất lượng cao. Lúa thu đông ở một số địa phương đang vào vụ thu hoạch, cung cấp lượng lúa gạo khá lớn cho thị trường xuất khẩu...

Để bảo vệ lúa thu đông, ngành nông nghiệp các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ tăng cường công tác thăm đồng, hỗ trợ nông dân gia cố đê bao, nâng cao nền hạ nhằm hạn chế sạt lở, nước chảy tràn gây ngập úng lúa. Ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết thêm: "Toàn thành phố có 789 máy gặt đập liên hợp và 1.300 lò sấy lúa. Năm 2018, các phương tiện này đã đáp ứng cắt gặt trên 94% diện tích lúa đông xuân; 98% diện tích lúa hè thu và tiếp tục phục vụ thu hoạch cho vụ lúa thu đông này. Thực tế với cơ chế phối hợp liên vùng, khâu cắt gặt đã được cơ giới hóa hoàn toàn trong sản xuất. Tuy nhiên, vụ mùa thu đông năm nay, nước lũ về sớm, dự kiến diện tích có khả năng bị ảnh hưởng do nước lũ khoảng 10.688ha. Ngành nông nghiệp thành phố và các quận, huyện tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp cứu lúa, giảm thấp nhất diện tích bị ảnh hưởng này…".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Lúa thu đông