10/11/2011 - 20:44

LÚA GẠO VIỆT NAM
Nhiều cơ hội đột phá

Khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm gạo cấp cao được Công ty CP Gentraco, TP Cần Thơ giới thiệu tại Festival Lúa gạo lần II.
Ảnh: V. CỘNG 

Hội thảo “Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam- gạo Việt Nam: ai bán? ai mua”- một trong các hoạt động trong khổ khuôn Festival lúa gạo Việt Nam lần II năm 2011 diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng. Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước và các chuyên gia nước ngoài cho rằng: Để nâng cao giá trị cho hạt gạo và cải thiện thu nhập của nông dân trồng lúa, Việt Nam cần định vị lại thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là ở phân khúc thị trường cấp cao. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm tính ổn định của chất lượng sản phẩm, xây dựng và nâng cao uy tín của hình ảnh, thương hiệu của lúa gạo quốc gia...

* Phải cải tiến, đổi mới!

Hơn 20 năm qua, sản xuất lúa gạo của nước ta đã gặt hái được thành công lớn về năng suất, sản lượng và lượng gạo xuất khẩu. Việt Nam từ một nước thiếu gạo ăn đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới. Không những thế, chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu của nước ta cũng ngày càng được tăng cao. Theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, từ năm 1989 đến nay, nước ta đã xuất khẩu được khoảng 84 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 25 triệu USD. Trong đó, năm 2011 là năm có lượng gạo xuất khẩu nhiều nhất, với dự kiến trên 7 triệu tấn. Trong khi nước ta chỉ có khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa nhưng đã sản xuất ra hơn 40 triệu tấn gạo và xuất khẩu được tới 7 triệu tấn. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, hiện việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của trong nước vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm được giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và những thay đổi nhanh chóng của thị trường. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc đảm bảo lợi ích cho nông dân trồng lúa, giải quyết mối quan hệ giữa việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ổn định thị trường lúa gạo trong nước với việc xuất khẩu gạo nhằm đạt hiệu quả cao nhất...

Ông Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, cũng cho rằng, nông dân trồng lúa là người có công rất lớn trong việc tạo ra lúa gạo xuất khẩu, giúp vinh danh “hạt ngọc Việt” trên thị trường thế giới, nhưng thu nhập còn quá thấp. Nguyên nhân không phải do năng suất, sản lượng lúa thấp mà chủ yếu do qui mô, diện tích sản xuất lúa trên đầu người quá thấp dẫn đến nhiều hạn chế trong việc giảm các chi phí sản xuất thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật... Ngoài ra, sự phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo chưa hợp lý. Vì vậy, làm thế nào để nông dân trồng lúa có thu nhập cao đang là vấn đề bức xúc được đặt ra. Theo ông Bùi Chí Bửu, mục tiêu của sản xuất lúa gạo Việt Nam phải nhắm đến an ninh lương thực là ưu tiên số 1; trong đó, thu nhập của nông dân trồng lúa là động cơ để phát triển sản lượng lúa cả nước. Xuất khẩu gạo chỉ là một trong những phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững, đảm bảo an toàn lương thực cho quốc gia trong mọi tình huống. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải có chiến lược xuất khẩu hợp lý, “không phải từ hạt gạo mà là từ hạt lúa”. Nghĩa là, doanh nghiệp xuất khẩu phải quan tâm, gắn kết với nông dân trong việc đầu tư cho xuất khẩu ngay từ cây lúa. Hiện nay, đầu tư cho khoa học nông nghiệp ở nước ta còn thấp, phát triển nông nghiệp hiện được ghi nhận nhờ đầu tư vốn chiếm 53%, đầu tư lao động chiếm 19% và đầu tư khoa học chỉ chiếm 28% thay vì 40% như các nước. Vì thế, Việt Nam không nên quá nhấn mạnh đến yếu tố tài nguyên, lao động nhiều, giá nhân công rẻ mà phải nâng cao không ngừng yếu tố tri thức trong quản lý và sản xuất, phải suy nghĩ nhiều đến giá trị gia tăng. Cần thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nông nghiệp mạnh mẽ hơn, khuyến khích nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn để tiếp cận công nghiệp hóa...

* Cơ hội đột phá vào thị trường cấp cao

Tại hội thảo “Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam- gạo Việt Nam: ai bán? ai mua”, nhiều nhà khoa học và các diễn giả đến từ các viện, trường và đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, cho rằng: Hiện nay là thời điểm thích hợp để Việt Nam nâng cao giá trị chuỗi lúa gạo thông qua việc phát triển các sản phẩm gạo cao cấp và đưa sản phẩm đột phá vào phân khúc thị trường cấp cao.

Theo các diễn giả, đời sống ngày càng được nâng cao nên nhu cầu các loại gạo cấp cao, gạo thơm ở thị trường trong nước có xu hướng tăng mạnh. Trong khi đó, cơ hội cho Việt Nam bán gạo thơm và gạo cấp cao đang rộng mở khi nhu cầu về các loại gạo thơm ngon trên thế giới đang tăng mạnh, nhất là tại các nước châu Á như: Trung Quốc, Singapore... Đối với Thái Lan, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: “Thị trường xuất khẩu gạo của Thái Lan nổi lên 2 vấn đề lớn: tình hình lũ lụt và chính sách mới trong việc tăng giá thu mua lúa. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam nâng giá, tăng thu nhập cho người nông dân; đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển các sản phẩm gạo cấp cao”. Ông V. Subramanian, Phó Chủ tịch kênh thông tin Rice Trader (Viện lúa gạo quốc tế IRRI), cho rằng: “Nhiều loại gạo thơm của Việt Nam giá chỉ 570-680 USD/tấn, trong khi gạo thơm Thái Lan từ 1.000-1.200 USD/tấn, nên gạo cấp cao của Việt Nam rất cạnh tranh về giá và có nhiều cơ hội tìm được phân khúc riêng trong thị trường gạo cấp cao. Năm 2011, Thái Lan bị ảnh hưởng lũ lụt, dự kiến lượng gạo xuất khẩu của nước này sẽ giảm khoảng 2-3 triệu tấn trong năm 2012. Trong khi đó, các nước xuất khẩu gạo khác ở châu Á như: Ấn Độ, Pakistan... chưa đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào phân khúc thị trường cấp cao nên Việt Nam càng có nhiều cơ hội để tăng trưởng và chiếm lĩnh thị trường này”.

Phát triển lúa gạo chất lượng cao của Việt Nam cũng đang thuận lợi khi trình độ sản xuất của người nông dân được nâng cao; công tác giống, kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch được phát triển, doanh nghiệp và nông dân đang tăng cường liên kết hình thành các mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao, sản xuất lúa theo hướng GAP... Tuy nhiên, muốn phát triển sản phẩm và thị trường tiêu thụ gạo cấp cao, Việt Nam cần phải có chiến lược cho cả sản xuất, xuất khẩu và việc nâng cao hình ảnh, uy tín của thương hiệu gạo trên thị trường thế giới. Đồng thời, Việt Nam phải sớm giải quyết các bất cập trong quá trình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, tránh tình trạng sản phẩm bị pha trộn không đảm bảo độ thuần, chất lượng không ổn định. Ông Lam Sai Ho, Phó Chủ tịch Phát triển Quốc tế Golden Resources Ltd (Hồng Công), cho rằng: Hiện nay là cơ hội chín muồi cho Việt Nam phát triển gạo vào phân khúc thị trường cấp cao. Nhưng các nhà sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam cần phải có giải pháp thâm nhập sâu vào thị trường chứ không nên tập trung khai thác các lợi thế trước mắt. Bởi Hồng Công và nhiều nước trên thế giới đang có nhu cầu mạnh về các loại gạo thơm, ngon nhưng phải là một loại gạo cụ thể, có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng chứ không là một loại gạo ngon chung chung. Đồng thời, đòi hỏi chất lượng phải ổn định, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo độ thuần của giống lúa, không được pha trộn...

KHÁNH TRUNG-MỸ THANH

Chia sẻ bài viết