13/07/2017 - 19:20

Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu

Trong thời gian khá dài tên tuổi của Phó tướng Long Vân hầu Trương Tấn Bửu - một võ tướng lẫy lừng thời nhà Nguyễn không được dòng chính sử cũng như các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến. Cả cuộc đời, ông làm quan hơn bốn mươi năm qua hai triều Gia Long, Minh Mạng. Ông là người có công lớn trong việc đánh giặc giữ nước. Đồng thời, ông đã từng trực tiếp chỉ huy năm ngàn phu xây thành Châu Đốc, vét kinh Vĩnh Tế… Năm 2005 Bộ Văn hóa – Thông tin đã xét cấp Bằng công nhận khu lăng miếu của ông ở quận Phú Nhuận, TP HCM là Khu Di tích Lịch sử -văn hóa cấp Quốc gia. Đồng thời Nhà nước cho trùng tu lại di tích ấy rất khang trang.

Theo sách Tiểu sử Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu (1752 – 1827) của Lê Thọ Xuân do nhà sách An Ninh xuất bản 1959 ở Sài Gòn, sách của Nguyễn Duy Oanh, Nguyễn Văn Châu... và qua lời kể của hậu duệ đời thứ sáu, thứ bảy của ông hiện đang sống rải rác ở nhiều nơi đều nhất quán rằng Trương Tấn Bửu là người làng Hưng Lễ, tổng Bảo Thạnh (thuộc xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre ngày nay). Ông xuất thân từ gia đình phú nông, có bảy anh em. Ông người tầm thước, rất giỏi võ nghệ, tính trầm tĩnh, gan dạ, hào hiệp, là người thông minh khác thường. Trong quá trình làm quan, được Gia Long đưa thầy đến dạy chữ, lại miệt mài nghiên cứu binh thư, sách vở thánh hiền, và ông còn biết sáng tác cả thơ phú...

Vào một đêm tháng 10 năm Đinh Dậu (1787), đoàn chiến thuyền của Chúa Nguyễn Ánh bị quân của Tây Sơn truy đuổi, đánh tan tác ở Mỹ Lồng “chạy trối chết”, rồi rẽ vào sông Hương Điểm. Bị lạc đường, từ đó nơi này có tên Ngã Ba Lạc, thuộc xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nguyễn Ánh cùng Nguyễn Đức Xuyên (sau đó được phong tướng) và một viên quan hộ giá, bỏ thuyền lên bờ tới xóm Cây Da, xã Hưng Lễ. Cả ba người đều đói lả, áo quần xốc xếch. Họ gõ cửa nhà ông Trương Tấn Khương (thân phụ của Trương Tấn Bửu) để xin tá túc. Vốn thương người, cha con ông Trương Tấn Khương liền mời khách vào đãi cơm và cho ngủ nhờ. Nguyễn Ánh lưu lại đây một thời gian, cùng làm ruộng và sinh sống chan hòa với gia đình họ Trương. Trương Tấn Bửu là người có mắt tinh đời, nên hoài nghi, gạn hỏi. Nguyễn Ánh đã thú thật danh phận của mình. Trông tướng mạo Trương Tấn Bửu, lại biết được tính nết của ông, Nguyễn Ánh đem lòng mến phục. Khi ra chợ, Nguyễn Ánh cũng khẩn khoản xin cho Trương Tấn Bửu đi theo. Sau vài ngày suy xét, ông Trương Tấn Khương quyết định cho Trương Tấn Bửu theo giúp Chúa.

Chiến sự tạm lắng, quan làng ở đây chiêu mộ rất nhiều trai tráng theo phò Chúa. Thế đã mạnh, Nguyễn Ánh bèn sai Trần Đức Xuyên sang Gò Công để chiêu dụ Võ Tánh. Sau đó Nguyễn Ánh cùng bầy tôi xuống vàm Nao (nơi giao nhau giữa Tiền giang và Hậu giang) để hợp quan phục nghiệp. Ở đây Trương Tấn Bửu được phong chức Khâm sai đốc chiến cai cơ. Ông Trương Tấn Bửu theo đuổi việc binh dưới trướng của Hậu quân Tôn Thất Hội. Giai đoạn này Nguyễn Ánh cho Trương Tấn Bửu tên Long, và sau đó phong tước là Vân hầu. Nên gọi là Long Vân Hầu.

 

Lăng Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu ở quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: baovecovang.wordpress.com 

Tháng 6 năm Canh Tuất (1790) Long Vân Hầu được làm Hậu quân, Hậu chánh trưởng chi, rồi lại đổi qua Tiền quân. Ông đánh nhau với nhà Tây Sơn ở Qui Nhơn, lập được nhiều chiến công, tháng 2 năm Đinh Tỵ (1797), ông được phong làm Tiền quân Phó tướng, một lượt với Phan Tấn Huỳnh. Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802, Gia Long nguyên niên), Long Vân Hầu được phong Chưởng dinh, nhưng vẫn giữ chức Tiền quân Phó tướng, cai quản đội quân thú tại Bắc thành. Thời gian này ông từng chỉ huy đánh bọn cướp biển Trung Hoa “Tề ngụy hải phỉ”, còn có tên gọi khác là “giặc Tàu Ô”. Bọn cướp này có đội quân rất hùng mạnh, với hàng trăm chiến thuyền. Chúng khuấy đảo từ Vân Đồn (vịnh Hạ Long, Quảng Yên) tới Kinh Môn (Hải Dương). Trận này ông diệt rất nhiều tên giặc cùng bảy mươi tên đảng tặc. Quá sợ hãi, bọn sống sót hoảng chạy tán loạn ra khơi. Đầu năm Bính Dần (1806), bọn cướp biển “Tề ngụy hải phỉ” lại đem ba mươi thuyền tới đảo Huê Phong của ta để cướp của, đốt nhà và phá đồn Phượng Hoàng. Long Vân Hầu một lần nữa ra sức đánh đuổi bọn cướp. Dẹp giặc xong, ông liền được dời về Đế đô nhậm chức Trung quân Phó tướng. Không lâu sau ông trở ra Bắc thành để trừ bọn cướp ở Quảng Yên. Long Vân Hầu sai Bùi Văn Thái và Nguyễn Văn Trị đưa chiến thuyền đánh dẹp tám mươi thuyền của bọn cướp. Ông sai Trần Văn Thìn đem quân đến Hải Dương tiếp ứng. Giặc vừa vào sông Bạch Đằng bị quân ta cản phá. Hơn mười tên bị chém và hơn sáu mươi tên bị bắt, giặc tháo lui. Không lâu sau đó bọn chúng trở lại cướp phá huyện Tiên Minh và vùng Giá Giang. Long Vân Hầu lại sai Trần Văn Thìn đi dẹp loạn. Thìn vừa khinh địch vừa tham công nên bị địch đánh úp. Long Vân Hầu thân chinh cùng Bùi Văn Thái đi dẹp loạn. Tiên Minh, Giá Giang giặc vừa tan, bọn chúng lại xưng hùng xưng bá, cướp của giết người ở bốn trấn Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây và An Quảng. Quan quân sở tại của ta đành bất lực. Long Vân Hầu dẫn đoàn binh tượng ra chiến trận và mang về thắng lợi vẻ vang.

Phó tướng Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu đánh nhau với giặc Tàu Ô ba mươi sáu trận. Ông bình được bọn quần khấu cho dân an cư lạc nghiệp. Dân các trấn kể trên rất kính phục, luôn tưởng nhớ đến công đức của ông. Vua ban thưởng cho cùng ba quân vạn quan tiền và ban ân điển cho tướng sĩ trận vong.

Tháng 11 năm Canh Ngũ (1810), Long Vân Hầu được triệu về giữ chức Tổng trấn thành Gia Định (thay Nguyễn Văn Nhân bận đem binh đi kinh lược Nam Vang và thu xếp việc Xiêm La muốn uy hiếp Cao Miên). Hai năm sau vua Gia Long sai Tả quân Quân công Lê Văn Duyệt vào Gia Định giữ chức Tổng trấn, còn Trung quân kiêm Tả quân Phó tướng Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu làm Phó Tổng trấn. Lúc này Lê Văn Duyệt cùng Long Vân Hầu đưa ba ngàn quân Thanh Nghệ và Bắc thành vào đất Đồng Nai, hai ông cai quản cả vùng đất thành Gia Định (có nhiều trấn) và trông coi cả trấn Bình Thuận. Hai lần Lê Văn Duyệt bận việc quân, đi vắng, Long Vân Hầu lãnh cả quyền hành Tổng trấn. Ông là người có tầm nhìn chiến lược quân sự nên tháng 3 năm Bính Tý (1816) vua ban lệnh ông đốc suất đắp Châu Đốc nhằm trấn giữ bờ cõi. Nhưng đến cuối tháng năm vì vào mùa mưa nên Trương Tấn Bửu xin ngưng công việc để cuối năm lại tiếp tục. Đến cuối tháng 9, Trương Tấn Bửu được triệu về Kinh, coi quyền đạo Trung quân, vì Nguyễn Văn Thiềng (Thành) nạp ấn giải chức. Cuối tháng 3 năm Tân Tỵ (1821, Minh Mạng thứ 2) Trương Tấn Bửu lại được cử vào lãnh chức Gia Định thành Phó tổng trấn (vì Lý Chánh hầu Huỳnh Công Lý phạm quốc pháp bị Tổng trấn Lê Văn Duyệt xử trảm). Hai vị tổng và phó tổng trấn luôn coi trọng quốc pháp cũng như một lòng tận tụy chăn dân nên cụm từ “Chánh tướng Duyệt, Phó tướng Luông” (nói trại vì kỵ úy từ chữ Long) luôn được người dân bấy giờ nhắc đến bằng tấm lòng kính phục như hai vị thánh sống. Đồng thời bấy giờ người dân xếp ông vào hàng năm danh tướng kiệt xuất của Gia Định.

Năm 1823, tuy tuổi đã ngoài bảy mươi, nhưng khi Lê Văn Duyệt coi việc vét kinh Vĩnh Tế ngã bệnh, thì Long Vân Hầu lại nhận việc đốc suất. Nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, Long Vân Hầu được vua Minh Mạng ban thưởng rất nhiều lụa là, tiền bạc. Năm 1824, Long Vân Hầu luôn đau yếu nên dâng biểu xin hồi hưu dưỡng lão. Tuy vậy, hễ vào dịp Tết, vua Minh Mạng vẫn sai thị vệ mang phẩm vật vào ban phát cho ông, ông vẫn được vua cho lãnh trọn lương bổng như lúc còn ở quan trường. Ngừng việc chăn dân chỉ mười tám tháng, sức khỏe ông yếu dần, rồi qua đời vào ngày 2 tháng 8 năm 1827 (10 tháng 6 năm Đinh Hợi). Chánh tướng Lê Văn Duyệt trông coi việc chôn cất cho Phó tướng Trương Tấn Bửu tại làng Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM ngày nay).

Không những Trương Tấn Bửu lập nên nghĩa cả mà các con ông vẫn gánh lấy trọng trách phụng sự đất nước. Như Trương Tấn Cường làm quan đến chức Gia Định thành võ vệ, Phó vệ úy, trật tùng tứ phẩm, tước uy hầu. Hay Trương Tấn Thuận, từng giữ chức Gia Định thành Gia võ vệ, quyền trí cai quản quan. Rồi Trương Tấn Đạo, nguyên nhiệm tự bổ thọ Vĩnh Long tỉnh, Chánh đội trưởng...

Xét thấy Long Vân Hầu làm quan đến trật chánh nhất phẩm và thân phụ có công nuôi giấu tiên đế, nên mặc dù ông Trương Tấn Khương và bà Trần Thị Nghĩa, thân mẫu đã mất, vua Minh Mạng vẫn truy phong cho thân phụ của Long Vân Hầu chức Nghiêm oai tướng quân Thượng hộ quân Thống chế và thân mẫu vào hàng mệnh phụ phu nhân.

Hằng năm cứ vào tiết thanh minh, chi tộc Trương Tấn ở khắp nơi lại quay về Hưng Lễ để tảo mộ tổ tiên. Đồng thời đến ngày 11 tháng 3 (â.l) họ lại có mặt đông đủ hàng mấy trăm người nơi từ đường dự ngày giỗ tổ, lăng miếu của Long Vân Hầu ở quận Phú Nhuận, TPHCM đến ngày 9 tháng 6 (â.l).

Bây giờ có về Thạnh Phú Đông, đi trên con đê quốc phòng, được trải nhựa (tức lộ cái quan ngày xưa Trương Tấn Bửu cho xây đắp) còn lưu bóng dáng của Long Vân Hầu, xin hãy dừng lại phút giây để vọng tưởng đến một người xưa đã từng dày công, gian lao đánh giặc giữ nước, mở cõi phương Nam, một người làm quan đến hàng nhất phẩm, cai quản cả đất Gia Định mênh mông mà vẫn thanh bạch, quảng đại, từ hòa, được nhân dân nể trọng.

PHẠM BỘI ANH THUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
di sản