17/09/2009 - 14:09

Đọc “Ba ơi, mình đi đâu?”

Lòng nhân ái trong bất hạnh của cuộc đời

Bìa sách “Ba ơi, mình đi đâu?” Nguồn: vanhocquenha.vn

“Ba ơi, mình đi đâu?” là câu chuyện xúc động về một người cha có hai cậu con trai tật nguyền. Quyển tự truyện này của nhà văn Pháp Jean Louis Fournier đoạt giải Fémina - một giải thưởng văn học danh giá của nước Pháp - năm 2008. Bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2009.

“Vào dịp Noel, ba lại có ý định tặng các con một cuốn sách, một cuốn “Tin tin” chẳng hạn... nhưng ba không bao giờ thực hiện ý định đó, chẳng mất công làm gì, các con không biết đọc” (trang 5). Những dòng chữ cảm động trong bức thư mà Jean gởi cho hai cậu con trai ngay đầu sách đã dẫn người đọc vào thế giới của sự bất hạnh nhưng chan chứa tình người. Mathieu, cậu con trai lớn ra đời trong sự vui mừng của đôi vợ chồng trẻ nhưng cậu bé lại bị thiểu năng, cả về thể xác lẫn trí tuệ. Thomas - đứa con trai thứ hai ra đời, bất hạnh lại ập đến với họ một lần nữa: cậu cũng giống anh trai. Đây không phải là truyện ngắn hay tiểu thuyết hư cấu mà chính là một câu chuyện có thực xảy đến trong gia đình của Jean Louis Fournier. Người cha luôn bên cạnh hai cậu bé để giúp đỡ cho chúng. Đôi lúc cảm thấy bế tắc, Jean ví Mathieu và Thomas như hai nhân vật ngoài hành tinh, hai con chim bé nhỏ lông xù, hai ông già lưng gù... nhưng sự ray rứt và ăn năn nhanh chóng ập đến, Jean xích lại gần hơn với hai con với những giọt nước mắt chảy vào trong.

“Ba ơi, mình đi đâu?” là câu chuyện đầy cảm động, nhưng lại không sướt mướt, thương đau. “Thái độ chấp nhận” của người cha khi “Chúa Trời thử thách ông bằng hai ngày tận thế”, với hai đứa trẻ mắt nhìn không rõ, tai điếc, chân khòe, gù lưng, xương mềm nhũn. Mathieu chỉ biết phát ra tiếng của động cơ “Brừm... Brừm...”, còn Thomas thì chỉ biết hỏi độc nhất một câu: “Ba ơi, mình đi đâu?”. Jean đã có những giây phút quẫn trí, cùng đường của mình. Khi đang chở hai con trên xe ông nghĩ: “Tôi tự nhủ nếu tôi bị tai nạn ô tô nghiêm trọng, có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn. Thế là tôi nhắm nghiền mắt lại và vừa tăng tốc vừa cố giữ cho mắt nhắm nghiền càng lâu càng tốt” (trang 80). Song đó chỉ là những giây phút thoáng qua, người cha ấy đã không gục ngã, sự đau đớn và khờ khạo của hai đứa con tật nguyền đã thúc giục Jean phải tiếp tục sống và chăm sóc chúng. Ông luôn nghĩ các con ông sẽ được đi học, được làm bài kiểm tra, có thể tham gia vào các xưởng sản xuất, có thể lái được ôtô... Người đọc cảm thấy chạnh lòng khi người cha ấy dành trọn ba trang sách để lạc quan đặt ra các giả thiết: “Nếu các con như những người khác” thì ông sẽ cho chúng đi học, chúng sẽ cưới vợ, sinh con... để rồi ông nhận ra rằng đó chỉ mãi là những điều không thể...

Văn phong trong “Ba ơi, mình đi đâu?” không khoa trương, cũng không cường điệu, giản dị, pha chút hài hước - thậm chí có lúc sần sùi như chính cuộc đời của ba cha con Jean Louis vậy. Nhờ vậy quyển tự truyện này đã đem đến cho độc giả những cảm xúc rất thực. Được biết, ban giám khảo đã đi đến nhà của nhà văn Jean Louis Fournier để tìm hiểu về hoàn cảnh thật sự của gia đình và xác nhận đúng như những trang văn ông đã viết.

Tự bản thân câu chuyện đã gởi tới độc giả bài học về lòng nhân ái, vượt lên bất hạnh để vui sống: “Khi người ta có những đứa con cả đời chơi với mấy khối hình và một con gấu bông, thì lúc nào người ta cũng trẻ”... (trang 175).

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết