12/07/2018 - 15:20

Lời giải cho những thách thức của y tế cơ sở 

Vì sao người dân chưa mặn mà với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế ? Đó là vấn đề đặt ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc mới đây do Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tìm tiếng nói chung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của hơn 10.000 trạm y tế (TYT) trong cả nước.

Trạm y tế nâng cao năng lực chuyên môn, giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Trong ảnh: Hoạt động khám chữa bệnh tại một trạm y tế ở quận Thốt Nốt.

Gần thì có, tin thì chưa

Những phàn nàn chung của người dân khi khám bệnh tại TYT là thiếu thuốc, thiếu dịch vụ kỹ thuật, thiếu cán bộ có năng lực chuyên môn,… Thế nên, với điều kiện giao thông thuận tiện hiện nay, người dân “lên thẳng” cơ sở y tế tuyến trên để khám và điều trị bệnh. Đây là thực tế đầy thách thức của hệ thống y tế nói chung, mạng lưới y tế cơ sở nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận: “Mặc dù số lượng y tế cơ sở lớn nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, dân chưa tin. Mạng lưới TYT còn thiếu cán bộ đủ trình độ, năng lực chuyên môn; mức thanh toán cho người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại TYT quá thấp; danh mục thuốc cũng như danh mục kỹ thuật nghèo nàn,…”. Thực tế đó dẫn đến tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến, gây tốn kém nhiều chi phí cho người bệnh cũng như tốn kém quỹ BHYT. Đặc biệt, từ khi có quy định thông tuyến khám chữa bệnh giữa tuyến xã với tuyến huyện, tỷ lệ người bệnh khám chữa bệnh tại xã từng bước giảm. Nguyên nhân, chi phí bình quân cho một lượt khám chữa bệnh ngoại trú tại TYT chỉ khoảng 75.000 đồng; còn ở tuyến huyện, khoảng 300.000 đồng, gấp 4 lần so với tuyến xã. Do vậy, người bệnh chuộng lên tuyến huyện điều trị để được hưởng lợi nhiều hơn.

Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, mặc dù chính sách BHYT tương đối toàn diện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong các quy định khám chữa bệnh tại y tế cơ sở. Trước hết, đó là quy định giao cho TYT không quá 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú. Đây là chỉ số rất thấp, không đủ để chi đơn thuốc điều trị các bệnh mà tuyến xã có thể thực hiện. Nhiều nơi có danh mục thuốc rất nghèo nàn so với quy định, vừa do nguồn kinh phí hạn hẹp, vừa do năng lực chuyên môn của TYT chưa tham mưu để được cung ứng thuốc đa dạng chủng loại và số lượng.

Mặc dù Luật BHYT có quy định thanh toán cho những trường hợp chuyển giao kỹ thuật nhưng nhiều đơn vị chưa có cách thức lập kế hoạch, đặc biệt là việc mua sắm thuốc và vật tư y tế liên quan đến các dịch vụ kỹ thuật được chuyển giao. Một vấn đề khác, liên quan đến thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, BHXH chưa thanh toán đối với các trường hợp đơn vị nơi người bệnh đăng ký khám chữa bệnh ban đầu chưa thực hiện được xét nghiệm thì chuyển bệnh phẩm hoặc người bệnh đến cơ sở khác. Những trường hợp này tuyến xã thường chuyển lên tuyến trên, người bệnh phải bắt đầu lại từ đầu quy trình khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, quy định thông tuyến cũng ảnh hưởng đến mục tiêu của ngành y tế là thực hiện mô hình quản lý sức khỏe toàn dân cũng như quản lý các bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở. Cũng vì thông tuyến, các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu không quản lý được người bệnh BHYT dẫn đến lạm dụng quỹ. Ngoài ra, bất cập trong công tác quản lý đối với các địa phương vừa có BV vừa có trung tâm y tế đối với TYT. Ngoài các chính sách ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của tuyến xã thì vấn đề tự chủ tài chính của các đơn vị y tế công lập, hiện đang được thực hiện ở các BV trung ương và tuyến tỉnh, dẫn đến tình trạng các BV này thu dung tất cả bệnh nhân đến với đơn vị, không kể tình trạng nặng nhẹ, để tăng nguồn thu. Đó cũng là lý do người dân từ bỏ TYT để lên tuyến trên.

Phải thay đổi từ căn cơ

Cần những thay đổi từ chính sách, chiến lược mang tầm quốc gia đến nỗ lực của mỗi địa phương, đơn vị, góp phần kiện toàn hệ thống, nâng cao năng lực chuyên môn, tạo địa chỉ tin cậy cho người dân nghĩ đến mỗi khi mắc bệnh. Đó là giải pháp cho những khó khăn, vướng mắc của y tế cơ sở. Tại hội nghị, các đại biểu đều nhìn nhận, BHYT là cơ chế tài chính bền vững đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh cho tất cả đối tượng tham gia khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo một nền y tế công bằng và hiệu quả. Thực tế cho thấy, mạng lưới y tế cơ sở là tuyến khám chữa bệnh ban đầu, gần dân nhất, thực hiện 2 nhóm chức năng cơ bản: chăm sóc, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân tại cộng đồng; đảm đương nhiệm vụ theo nguyên lý y học gia đình, đảm bảo người dân được khám chữa bệnh với chi phí thấp nhất và được quỹ bảo hiểm thanh toán 100%.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT nước ta chiếm  86,9% dân số. Việt Nam có hơn 10.000 TYT, với số người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm chiếm khoảng ¼ tổng số người tham gia BHYT cả nước. Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp vậy, người dân được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, theo đó lượng khám bệnh tại tuyến xã cũng gia tăng từng năm, nhất là giai đoạn từ 2010 đến 2014. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, số lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến xã có xu hướng giảm.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT- Bộ Y tế,  đề xuất bỏ quy định TYT sử dụng tối đa không quá 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Thay vào đó, quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại trạm theo thực tế, đúng với chuyên môn và đúng luật BHYT. Về danh mục thuốc và dịch vụ y tế, đề nghị sở y tế và các cơ sở khám chữa bệnh cũng như BHXH thực hiện đầy đủ các quy định đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT. Giải pháp thiết thực khác là BHYT thanh toán những dịch vụ chuyển bệnh phẩm, chuyển người bệnh đến cơ sở y tế khác để làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Không thể thiếu vai trò kiểm tra, giám sát của ngành y tế phối hợp với BHXH, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định thuốc, vật tư y tế trong quá trình cung cấp dịch vụ, đảm bảo an toàn hợp lý cho người bệnh…

Về các giải pháp nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh vai trò phân tuyến thực hiện chức năng của hệ thống y tế. Theo đó, chuyển bệnh nhân đang điều trị các bệnh không lây nhiễm từ tuyến trên về xã cho TYT quản lý. Mô hình này được thực hiện khá bài bản, hiệu quả tại nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua, được đông đảo người bệnh đồng tình.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, giải pháp then chốt là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, nhất là đào tạo theo định hướng chuyên khoa y học gia đình. Song song đó, thường xuyên luân phiên, điều chuyển cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại để trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, phát triển hệ thống bằng thu hút đầu tư công- tư; tiếp tục nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo đa dạng danh mục thuốc và vật tư y tế cho hệ thống TYT; phát triển lĩnh vực y học cổ truyền tại trạm. Bộ Y tế sẽ sớm xây dựng mô hình các TYT mẫu, được sự quản lý trực tiếp ban đầu từ lãnh đạo Bộ Y tế và các thành viên, khi thành công sẽ nhân rộng cả nước.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết