10/02/2018 - 16:39

Lời ca dâng Bác 

Cuộc thi sáng tác bài vọng cổ với chủ đề “TP Cần Thơ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là sân chơi thường niên cho giới tác giả cổ nhạc Cần Thơ. Qua mỗi lần tổ chức, những bài ca hay, ý nghĩa được ra đời trong sự nâng niu di sản của cha ông, góp thêm lời ca dâng Bác.

Ông Nguyễn Hoàng Dũ, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ (bìa trái) trao giải cho các tác giả.

“Có những sự lặng thầm luôn tỏa sáng ánh dương. Những hy sinh ngọt ngào đang đơm hoa kết trái. Vạn tấm lòng nhớ ơn sâu mãi mãi. Trên những chuyến đò nhân nghĩa bao la”. Đó là những câu kết bài ca cổ “Những tấm lòng thầm lặng trên sông” của tác giả Phạm Hoàng Phương- tác giả đoạt giải Nhất của cuộc thi năm 2017, vừa trao giải. Điều đặc biệt là 2 nhân vật trong bài ca này được lấy nguyên mẫu từ câu chuyện về cụ bà Thái Thị Sáng và anh Lê Văn Duyên ở Thới Lai- Cần Thơ bao năm qua đưa rước học sinh qua sông miễn phí. Với bút pháp nhiều cảm xúc, xen điệu Lưu Thủy hành vân sôi nổi mà thiết tha, bài ca gây xúc động cho người nghe.

Việc lấy người thật, việc thật làm cảm hứng sáng tác được các tác giả vận dụng khá tốt trong cuộc thi lần này. Điển hình như câu chuyện về người thanh niên xứ cù lao Tân Lộc bao năm qua làm việc vá đường trong bài “Người phu lục lộ nhân dân” của tác giả Nguyễn Trung Nguyên; là người cựu chiến binh tỏa sáng phẩm chất Bộ đội cụ Hồ trong đời sống hôm nay với “Sắc hoa đồng đội” của Trương Huy Hoàng; hay là người phụ nữ “lo nỗi lo của thiên hạ” trong “Chị Tư Bảo hiểm” của Trương Huy Hoàng… Chính từ cảm hứng sống động ấy mà các tác phẩm được viết nên đầy chân thật, không khiên cưỡng, giáo điều.

Là cây bút cổ nhạc nổi bật ở Cần Thơ, đoạt giải ở nhiều cuộc thi, tác giả Trương Huy Hoàng cho rằng, việc viết bài ca cổ về học tập và làm theo gương Bác tuy dễ mà khó. Dễ vì đây là chủ đề không mới nhưng khó là làm sao chân thật, không rơi vào việc ca ngợi chung chung, thiếu chất trữ tình. Năm nay, nổi lên nhiều tác giả trẻ hoặc mới vào nghề nhưng đã có những tác phẩm ấn tượng. Như tác giả Phan Duy, vốn là hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ nhưng anh đến với ca cổ như ngã rẽ tình cờ. Phan Duy nói rằng: “Ca cổ rất cần vốn sống, sự trải nghiệm của người viết. Tôi đang tích lũy từ những việc đời thường nhất trong cuộc sống”.

Còn với tác giả Huỳnh Văn Vũ, chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Hương Quê (huyện Phong Điền) vốn là một nông dân rặt nhưng mày mò viết lách và đã thành công khi đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi năm nay. Anh Vũ cho biết, văn phong thì mỗi người mỗi khác nên cái khó nhất vẫn là tìm cái tứ để triển khai. Sở trường của anh Vũ là vọng cổ hài, được các thành viên câu lạc bộ rất thích ca. Tại Liên hoan Đờn ca tài tử TP Cần Thơ 2017, tác phẩm “Cần Thơ ngày mới” của anh viết theo thể điệu Phú Lục được trao giải Xuất sắc.

Rõ ràng, một thế hệ tác giả cổ nhạc trẻ ở Cần Thơ đang có những bước đi khá nhanh, góp phần làm phong phú cho sân khấu truyền thống thành phố. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Dũ, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ, cũng băn khoăn: nhiều tác giả còn viết chung chung, chưa đi sâu vào nhân vật, chủ đề. Nhiều người còn viết theo kiểu “nghĩ sao viết vậy” nên thiếu tính nghệ thuật, thẩm mỹ. Chính từ vấn đề này mà ông Dũ cho biết: Năm 2018, Hội Sân khấu sẽ thành lập Câu lạc bộ sáng tác cổ nhạc và sẽ liên kết với Câu lạc bộ sáng tác cổ nhạc TP Hồ Chí Minh để giúp anh em có điều kiện cọ xát, nâng cao tay nghề.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết