13/05/2014 - 09:17

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NGOẠI NGỮ QUỐC GIA 2020 KHU VỰC PHÍA NAM

Loay hoay với chuẩn giáo viên

Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2008 – 2020" (gọi là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NNQG) 2020) là đội ngũ cán bộ giáo viên ngoại ngữ. Thế nhưng, tại Hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Đề án NNQG 2020 khối địa phương vừa tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều cán bộ quản lý giáo dục than vãn về vấn đề này...

Nỗ lực nâng chuẩn giáo viên

Theo ban quản lý (BQL) Đề án NNQG 2020, đến trung tuần tháng 4-2014, đã có 46/63 đơn vị gởi kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đề án năm 2014 về BQL; 8/63 đơn vị gởi kế hoạch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, 36/63 đơn vị gởi kế hoạch triển khai… Hầu hết kế hoạch các đơn vị tập trung tăng cường năng lực đội ngũ giảng dạy, xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới toàn diện dạy và học ngoại ngữ. Các sở GD&ĐT thông qua việc khảo sát năng lực giáo viên ngoại ngữ phổ thông, xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng, tuyển đủ giáo viên ngoại ngữ đạt trình độ chuẩn;... Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, cho biết: "Tỉnh Bến Tre triển khai Đề án NNQG 2020 từ năm 2011. Trước tiên, chúng tôi khảo sát đánh giá năng lực giáo viên, sau đó tổ chức lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học, THPT". Nhờ cách làm này, năm đầu tiên triển khai đề án, giáo viên đạt chuẩn của tỉnh chỉ chiếm 0,14%, sau 3 năm, hơn 10% giáo viên trình độ A1, A2, B1. Tương tự, tại các tỉnh, thành như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp,… cũng tập trung nâng cao trình độ đạt chuẩn giáo viên. Bà Trương Thị Bé Hai, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, nói: "Cuối năm 2010, tỉnh phê duyệt đề án với kinh phí trên 100 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2011-2014. Trong đó, tỉnh dành phần kinh phí đáng kể để đào tạo, bồi dưỡng trình độ giáo viên. Đã có 1.103 lượt giáo viên được bồi dưỡng về năng lực chuyên môn, 726 lượt giáo viên được bồi dưỡng về phương pháp; qua đó, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn giáo viên ngoại ngữ".

Giáo viên là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án NNQG2020. Trong ảnh: Giờ học tiếng Anh của cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (quận Ô Môn, TP Cần Thơ).

Bên cạnh sở GD&ĐT các tỉnh, thành, các cơ sở đào tạo sư phạm nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, tạo "sản phẩm" đáp ứng yêu cầu đơn vị tuyển dụng. Chẳng hạn, từ năm học 2013-2014, Trường Cao đẳng Cần Thơ triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho sinh viên chuyên ngành Anh văn năm thứ nhất và mở rộng dần quy mô sang năm thứ 2 và thứ 3 để đạt khoảng 100% vào năm học 2015-2016. Học hết trung cấp, học sinh phải đạt trình độ bậc 2 (tương đương A2); tốt nghiệp cao đẳng, sinh viên không chuyên ngữ đạt trình độ bậc 3 (tương đương B1) và sinh viên chuyên ngữ đạt trình độ bậc 4 (tương đương B2). Hiện nay, Khoa Ngoại ngữ xây dựng xong chương trình đào tạo mới, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, áp dụng đối với các lớp 38 ngành cử nhân, sư phạm và Anh văn không chuyên… Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Cần Thơ, nói: "Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường mở rộng quan hệ hợp tác với các nước phát triển, đưa Chương trình tiếng Anh chuẩn quốc tế Cambridge vào chương trình bổ trợ. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và sẵn sàng đón tiếp các chuyên gia, giảng viên trình độ cao ở nước ngoài đến thăm và thực hiện các hội nghị, hội thảo tập huấn giảng viên".

Vẫn chưa đạt yêu cầu

Thực tế cho thấy, dù các đơn vị có nhiều nỗ lực nhưng qua khảo sát, kiểm tra đánh giá trình độ năng lực giáo viên ngoại ngữ còn "độ vênh" so với yêu cầu. Theo kế hoạch đến năm 2020, đề án sẽ triển khai đại trà nhưng hiện nay, số giáo viên đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ học sinh theo học Chương trình thí điểm tiếng Anh tại các tỉnh phía Nam rất thấp. Ở tỉnh Bến Tre, mặc dù ngành giáo dục tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, chỉ khoảng 10% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Huấn lo lắng: "Theo lộ trình đến năm 2020, đề án sẽ triển khai đại trà, liệu tỉnh có đạt hay không? Bởi vì, sau khóa tập huấn 3 tháng cho giáo viên từ bậc A1 lên B1, qua kiểm tra đánh giá không ai đạt chuẩn!".

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, bất cập hiện nay là với các trường ĐH có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhưng mỗi trường mỗi cách đánh giá khác nhau nên việc đánh giá chuẩn giáo viên chưa đạt yêu cầu. Do vậy, Bộ GD&ĐT có ngân hàng đề thi cho các đại học để địa phương tin tưởng gởi giáo viên không đạt yêu cầu đi học, bởi thực tế hiện nay, nhiều nơi bồi dưỡng giáo viên kết quả đạt rất thấp. Đơn cử như, Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh phối hợp Trường ĐH Trà Vinh mở lớp bồi dưỡng 30 giáo viên. Kết thúc khóa học, chỉ có 3 người đạt trình độ và thi đậu. Ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, kiến nghị: "Bộ GD&ĐT tham mưu Bộ Nội vụ ban hành quy định về quy chế tuyển dụng giáo viên là chỉ nhận giáo viên ngoại ngữ khi tốt nghiệp ĐH phải đạt trình độ tối thiểu là C1. Hiện nay, chúng tôi chưa dám làm vì chưa có quy định của Sở Nội vụ". Theo ông Oanh, việc giáo viên đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu phần lớn là do ý thức học tập của họ. Tiền Giang chi nhiều kinh phí mở các lớp bồi dưỡng nhưng một bộ phận giáo viên không có động cơ học tập; dự nhiều lớp nhưng thi không đạt. Đã đến lúc, Bộ GD&ĐT ra quy định, giáo viên không đạt chuẩn theo quy định thì phân công nhiệm vụ khác.

Theo bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Trưởng ban Thường trực BQL Đề án NNQG 2020, một trong những hạn chế hiện nay là giáo viên ở các đơn vị chưa đạt chuẩn. Do vậy, bên cạnh nỗ lực các đơn vị bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên, các cơ sở đào tạo giáo viên ngoại ngữ phải đảm bảo chất lượng, sinh viên ra trường đạt trình độ theo quy định khung tham chiếu châu Âu. Ông Hoàng Hữu Lượng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, kiến nghị: "BQL đề án không có văn bản hướng dẫn nên trường không biết sử dụng kinh phí cụ thể để đào tạo giảng viên và tăng cường trang thiết bị. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đào tạo sinh viên ra trường phải đạt trình độ theo khung tham chiếu Châu Âu do Bộ GD&ĐT đề ra. Trường cử một số giảng viên sang nước ngoài bồi dưỡng ngoại ngữ và tăng cường cơ sở vật chất cho dạy và học. Song, hoạt động chủ yếu từ vốn kinh phí đối ứng của trường vì kinh phí BQL đề án cấp về UBND tỉnh, thành. Trong khi, trường không trực thuộc Sở GD&ĐT và đề án địa phương nên gặp khó trong được cấp kinh phí hoạt động".

Mục tiêu chung của Đề án NNQG 2020 là: Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo; đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập… Để đạt được mục tiêu trên cần phải có lực lượng nhà giáo đủ về số, vững về chất. Thế nhưng, vấn đề này đang làm các nhà quản lý giáo dục "đau đầu" tìm giải pháp.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết