17/03/2011 - 20:57

Loạn ngôn ngữ "tuổi teen"

Nhà trường cần tăng cường giáo dục học sinh biết yêu tiếng mẹ đẻ và có ý thức giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt.

Trong quá trình hội nhập, cùng với sự giao thoa văn hóa thì nhu cầu giao tiếp ngày càng đa dạng từ cách dùng từ, diễn đạt, góp phần tạo sự phong phú cho tiếng Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì trong cách giao tiếp (cả nói và viết) của nhiều bạn trẻ hiện nay, nhất là ở “tuổi teen”, tiếng Việt ngày càng “biến dạng” đến khó hiểu. Lối viết và nói “vô tội vạ” ấy vô tình hình thành thói quen xấu trong giao tiếp của thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt...

Ngôn ngữ lai căng, hỗn tạp...

Lướt một vòng vào các diễn đàn (forum), các trang nhật ký cá nhân (blog) hay thử tán gẫu (chat), chúng ta sẽ thấy tiếng Việt được các bạn trẻ thay đổi “tất tần tật” từ cách viết đến cấu trúc câu mà ngay chính người Việt đọc cũng không thể hiểu. Nghe tôi than thở “khó hiểu”, nhiều bạn trẻ bật cười : Thế mới là “ngôn ngữ... tuổi teen”, “ngôn ngữ 9x”.

Nếu không phải là “thổ địa” các trang mạng thì không thể đọc và hiểu được những câu như: “Pe Ngoc Pe, gj zay te, nek cham tui thui, mun gj the te”, hay như câu: “Lovz vo... Mua iÊn bÌnh... tUyẾt, bYnh thuOng hok tâam thuOng; ... song hok dc vy dong doi xo dey?”. Vào một trang nhật ký có tên H/P Ảo - Goodbye, ta dễ dàng bắt gặp đầy dẫy những câu trao đổi theo kiểu “ngôn ngữ... tuổi teen” như thế. Một thành viên tham gia diễn đàn nhận xét một chủ đề về ngành học của chủ nhân trang H/P Ảo - Goodbye, viết: “hj sao bạn bít mik học iều dưỡng...ước ao 1 mik tơi ..nhy?..” (có nghĩa là: “Hi, sao bạn biết mình học điều dưỡng... ước ao một mình tôi... nhỉ...”). Và như một “làn sóng” dây chuyền, chỉ trong vài năm, cách nói, viết hỗn tạp trên ngày càng lan rộng trong giới trẻ. Nhiều “teen” xem đó như là một “phát minh”, một thứ ngôn ngữ riêng giúp giới trẻ có thể trao đổi, bày tỏ mọi thứ mà “người lớn” không thể hiểu, kiểm soát được.

Nhiều bạn trẻ biết ngoại ngữ bập bõm cũng không ngần ngại chêm vào câu nói hoặc viết xen với tiếng Việt một cách vô tội vạ. Cụ thể, trong ngôn ngữ của giới trẻ, những từ “like is afternoon” (thích thì chiều), “no table” (miễn bàn), “know die now” (biết chết liền) hay “lemon question” (chanh + hỏi thành chảnh)... rất phổ biến. Đặc biệt, nhiều câu còn được các em sáng chế rất thô tục, đại loại như: “I want to kiss toilet you” (anh muốn cầu hôn em) hay ngay câu “sugar sugar ajinomoto ajinomoto” thì ngay cả người nước ngoài cũng không thể ngờ câu này có nghĩa là “đường đường, chính chính”. Thậm chí, một số bạn cho rằng, tiếng Việt không đủ để diễn đạt ý nghĩ, nên mới “chế” ra ngôn ngữ như vậy. Đáng lo lắng là không ít bạn trẻ đã qua lâu rồi lứa tuổi “teen” (từ 13-19 tuổi), là sinh viên sắp ra trường hoặc đã đi làm nhiều năm cũng “cưa sừng làm nghé”, sính sử dụng lối nói, viết trên. Đáng báo động hơn là do thói quen, có không ít học sinh đem các từ viết tắt để “chat” với nhau vào cả bài làm trên lớp, khiến không ít giáo viên bức xúc. Một cô giáo dạy văn cấp 2 cho biết: “ Mặc dù thường xuyên nhắc nhở nhưng có những bài tập làm văn xuất hiện những kiểu viết tắt không thể hiểu nổi. Nếu nhắc nhở mà không sửa thì phải trừ điểm thẳng tay...”. Và đã có không ít bài thi tốt nghiệp của học sinh đã được đăng tải khiến người đọc phải “cười ra nước mắt” bởi lối viết, hành văn thật “hãi hùng” của một số bạn trẻ.

Cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Trần Bảo Đan Thy, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Cách nói và viết của nhiều bạn rất kỳ quặc, đôi khi em cũng không biết những chữ ấy là ngôn ngữ của nước nào nữa nhưng chắc chắn là không phải tiếng Việt. Nói chung là ngôn ngữ của các bạn trẻ bây giờ hỗn tạp quá!”. Nhiều bạn trẻ yêu tiếng mẹ đẻ, nghiêm túc trong giao tiếp cũng không đồng tình với cách sử dụng ngôn ngữ một cách “hỗn tạp” như trên. Thực tế, khi học ngoại ngữ, nhiều người cũng dùng xen tiếng Anh và tiếng Việt nhằm rèn luyện kỹ năng nói và học từ vựng tiếng Anh. Tuy nhiên, nhiều bạn cũng cho rằng nếu sử dụng tiếng Việt không theo qui tắc của nó, nhất là việc cố ý kết hợp, pha trộn ngôn ngữ một cách “kỳ quặc, bậy bạ,” như thế lâu ngày sẽ thành nếp không thể khắc phục được, dần dà tiếng Việt sẽ bị lai căng và mất đi sự trong sáng vốn có. Phạm Mỹ Huyền, sinh viên ngành Biên - Phiên dịch tiếng Anh, Trường Đại học Cần Thơ, bức xúc nói: “Có rất nhiều nơi để chúng ta thực tập tiếng Anh, như: lớp học, giao tiếp với người nước ngoài... chứ đâu nhất thiết phải đệm vào một cách kỳ quặc như thế!”.

Bàn về hiện tượng này, Thạc sĩ Tăng Tấn Lộc, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Đô, cho rằng: “Sở dĩ nhiều bạn trẻ nói như thế vì vốn từ vựng tiếng Việt của các bạn còn hạn chế. Trong lĩnh vực giáo dục, dường như chúng ta đã cung cấp cho học sinh quá nhiều kiến thức ngôn ngữ học về tiếng Việt mà lại coi nhẹ phần kỹ năng giao tiếp tiếng Việt (nói và viết tiếng Việt, yếu tố thẩm mĩ, văn hóa trong giao tiếp tiếng Việt). Tôi cho rằng nếu phần kỹ năng giao tiếp tiếng Việt được vận dụng tốt trong nhà trường thì sẽ giúp học sinh biết nói đúng, viết đúng tiếng Việt, nói hay và viết hay tiếng Việt”. Thực tế là ngay cả một số quyển Từ điển tiếng Việt - phương tiện đối chiếu được xem là quy chuẩn, cũng chưa thống nhất. Theo Thạc sĩ Tăng Tấn Lộc đề xuất, các nhà Việt ngữ học cần ngồi lại để tìm tiếng nói chung về chuẩn tiếng Việt. Từ đó, có những biện pháp để bảo tồn những giá trị vốn có của tiếng Việt. Nhà nước cần có những quyết sách thống nhất về chuẩn tiếng Việt. Để bạn trẻ biết yêu, trân trọng ngôn ngữ của dân tộc thì cần phải đẩy mạnh giáo dục cho các em nâng cao vốn kiến thức về tiếng mẹ đẻ. Vì có yêu, có trân trọng thì tiếng Việt mới đẹp, trong sáng, ngày càng phong phú và đa dạng.

Về nguyên nhân xuất hiện tình trạng “sính” sử dụng “ngôn ngữ hỗn tạp” như trên ở một bộ phận bạn trẻ chắc hẳn còn nhiều ý kiến bàn luận khác nhau và còn nhiều giải pháp phải bàn, nhưng có một thực trạng là nhiều bạn trẻ đang cố ý sử dụng lối nói, viết trên như là kiểu thể hiện “phong cách riêng” của “teen”, cũng nhằm bảo đảm sự riêng tư của mình. Điều đó rất cần sự quan tâm giáo dục của nhà trường, gia đình để các em ý thức được tác hại của nó, tránh dùng lâu ngày, trở thành thói quen, ảnh hưởng đến văn hóa giao tiếp của cả một thế hệ .

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục cho nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày thêm đẹp, thêm phong phú. Bởi ngôn ngữ của một dân tộc là yếu tố tạo nên văn hóa của con người, là tinh túy của một quốc gia. Cùng với quá trình hội nhập, ngôn ngữ của giới trẻ ngày thêm đa dạng và phong phú. Nhưng để ngôn ngữ thêm đẹp và giữ được sự trong sáng, mỗi bạn trẻ cần phải nâng cao ý thức trong việc sử dụng ngôn ngữ.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết