12/12/2017 - 15:14

Loại trừ trách nhiệm hình sự và quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại 

Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (BLHS 2015) sẽ có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2018. Bộ luật này có nhiều điểm mới, Báo Cần Thơ tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung quan trọng về loại trừ trách nhiệm hình sự, quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Loại trừ trách nhiệm hình sự

Quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đã được sửa đổi, bổ sung để tăng cường tính minh bạch của BLHS; thể hiện rõ hơn chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích động viên người dân tự bảo vệ mình hoặc tham gia ngăn chặn tội phạm, động viên mọi người tích cực sáng tạo, thử nghiệm các tiến bộ khoa học phục vụ sản xuất và đời sống của con người. Theo đó, các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đã có trong BLHS năm 1999;  Bộ luật mới bổ sung thêm 3 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.

Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung nhiều quy định mới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong ảnh: Một phiên tòa xét xử hình sự lưu động của TAND quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Bên cạnh đó, BLHS 2015 đã cụ thể hóa các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo hướng phân biệt trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Việc bổ sung một số trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

BLHS 2015 cũng quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội tham ô tài sản, nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng. Điều này cho thấy, cả nước đang rất quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tất cả các hành vi liên quan đến tham ô, nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng dù xảy ra ở bất cứ thời điểm nào cũng không thể được loại trừ trách nhiệm hình sự.   

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung một số quy định về pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế. Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh được liệt kê cụ thể tại Điều 76 của BLHS. Trong đó, tại Luật số 12/2017/QH14 mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bao gồm cả đối với 2 tội danh là tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền. Ngoài ra, Luật đã quy định rõ 4 điều kiện để một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự: hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về chế tài áp dụng đối với pháp nhân phạm tội được quy định tại Điều 33 và Điều 46 của BLHS bao gồm 3 hình phạt chính (phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn), 3 hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính) và 4 biện pháp tư pháp (tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra).

9 tội danh mới về xâm phạm trật tự kinh tế

Để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, tránh sự tùy tiện trong áp dụng, trên cơ sở cân nhắc kỹ kết quả tổng kết thực tiễn xét xử về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong những năm qua, đồng thời, rà soát quy định của các luật chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các tội danh hiện có trong phần Các tội xâm phạm trật tự kinh tế (gồm 38 điều), BLHS đã thay thế Điều 165 BLHS hiện hành bằng 9 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; bồi thường thu hồi đất.

Ngoài ra, BLHS 2015 bổ sung thêm đối tượng tài sản bị xâm hại là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại tại một số tội danh: tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), tội trộm cắp tài sản (Điều 173), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174). Mở rộng khách thể bảo vệ tại Điều 144. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước (BLHS 1999) theo hướng bảo vệ đối với cả tài sản của tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể hóa các tình tiết định tính, định lượng, định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

P.NGUYỄN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết