06/09/2012 - 20:31

Loại trừ tâm lý sống chung với hàng giả, hàng nhái

Các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu thị trường tìm hiểu tình hình buôn bán, cách thức nhận biết hàng giả, hàng nhái của các tiểu thương tại các chợ truyền thống.

Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng xuất hiện hầu hết ở các ngành nghề với nhiều chiêu thức ngày càng tinh vi và đang dần trở thành vấn đề đáng báo động. Hội thảo “chống hàng giả, hàng nhái” mới đây do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Cần Thơ tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại 2012, một lần nữa cho thấy: Doanh nghiệp, nhà sản xuất cần tăng cường phối hợp với ngành chức năng, phải loại trừ tâm lý sống chung với hàng giả, hàng nhái; người tiêu dùng cũng phải thông thái hơn trong việc nhận diện hàng hóa sản phẩm mới mong hạn chế tình trạng này trong thời gian tới.

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, tình trạng sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng gia tăng. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện càng nhiều hơn với nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đa dạng về chủng loại. Kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi hơn được khép kín từ khâu sản xuất, vận chuyển đến lưu thông phân phối, từ thành phố đến các vùng sâu, vùng xa. Việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái đã trở thành một vấn nạn trên thị trường với nhiều công đoạn, quy trình khá chuyên nghiệp như: buôn bán, sản xuất, gia công, chế biến, bao gói, lắp ráp, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... Các loại hàng giả, hàng nhái xuất phát từ 2 nguồn chính: từ địa phương sản xuất và bán ra thị trường, nguồn còn lại xuất phát từ nơi khác đưa vào, công tác kiểm tra, quản lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn và người tiêu dùng cũng rất khó nhận biết.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, cho rằng: Chủ trương của nhà nước là vẫn phát triển song song 2 loại hình siêu thị và chợ truyền thống. Các bà nội trợ vẫn thích mua hàng ở chợ truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay hàng giả, hàng nhái xuất hiện rất nhiều ở các chợ truyền thống với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện. Người tiêu dùng đang rất băn khoăn với thực trạng này. Bà Lê Thị Minh Lang, Phó Giám đốc Trung tâm phân phối hàng lương thực thực phẩm thuộc Công ty Lương thực Sông Hậu, cũng lo lắng chia sẻ: Công ty Lương thực Sông Hậu xuất khẩu gạo là chủ yếu nhưng cũng không ngừng phát triển mạng lưới tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, qua khảo sát ở nhiều chợ truyền thống, điều khiến chúng tôi đau đầu là bị “chơi ngay tại sân nhà”. Tình trạng giả, nhái của gạo không giống các mặt hàng hóa khác. Ví dụ, chúng tôi sản xuất ra loại gạo thơm Mỹ, thơm Đài Loan với quy trình đạt chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm tất nhiên bán giá cao. Trong khi một số doanh nghiệp dùng 1 loại gạo có hình dáng tương tự, mùi thơm khá giống đem trộn chung với loại gạo nguyên chất và bán với giá rẻ hơn nhưng vẫn để tên và giới thiệu là gạo thơm Đài Loan... Đây là một hình thức giả gạo mà người dân rất khó biết, ngay cả những người trong ngành nếu không có chuyên môn cũng không thể phát hiện. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu, doanh thu của doanh nghiệp chân chính.

Làm thế nào để hạn chế tình trạng này, để người dân an tâm hơn, ông Lê Trung Giang, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, cho biết: Từ năm 2009 đến 2011, Chi cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra xử lý 774 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, nộp ngân sách nhà nước trên 3,5 tỉ đồng. Điều này cho thấy, tình hình sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến. Nhận diện được điều này, Chi cục Quản lý thị trường đã xác định công tác chống hàng giả, hàng nhái là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước và không ngừng phối hợp với các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp, người tiêu dùng đẩy mạnh việc kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Cần có sự nỗ lực dài hơi của các ngành các cấp cũng như nâng cao ý thức doanh nghiệp, người tiêu dùng hơn nữa mới mong hạn chế tình trạng này.

Theo ông Lê Trung Giang, để công tác quản lý thị trường trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái thực hiện tốt trước hết doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình. Phải luôn ý thức công tác chống hàng giả, hàng nhái là sự sống còn của doanh nghiệp. Chủ động thay đổi dây chuyền sản xuất, liên tục thay đổi mẫu mã sản phẩm cũng là một cách hữu hiệu để chống làm giả. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thay đổi lối suy nghĩ “sống chung với hàng hóa của mình bị làm giả”; nên phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng để tìm ra đối tượng vi phạm và kịp thời xử lý. Đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp cần giải thích cho họ hiểu những ảnh hưởng cũng như hệ lụy khi mua và sử dụng hàng giả, hàng nhái. Đồng thời hướng dẫn cách phân biệt sản phẩm. Ông Lê Trung Giang cho rằng: Bản thân người tiêu dùng phải tự trang bị kiến thức cho mình. Bởi người tiêu dùng là người trực tiếp chịu thiệt thòi khi mua phải hàng giả, hàng nhái. Hiện nay, đã có luật bảo vệ người tiêu dùng, để trở thành người tiêu dùng thông thái là chuyện không khó. Khi người tiêu dùng nâng cao ý thức và biết tự bảo vệ mình thì những doanh nghiệp làm ăn bất chính sẽ không có cơ hội tiêu thụ sản phẩm, góp phần làm trong sạch thị trường.

Bài, ảnh: THU HOÀI

Các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu thị trường tìm hiểu tình hình buôn bán, cách thức nhận biết hàng giả, hàng nhái của các ti̓

Chia sẻ bài viết