22/11/2017 - 21:12

Lo vật tư nông nghiệp tăng giá 

Nông dân tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã và đang chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân 2017-2018. Năm nay, lũ về nhiều so với mọi năm giúp đồng ruộng được bồi bổ một lượng phù sa khá màu mỡ, tạo thuận lợi để nông dân có vụ mùa lúa trúng. Tuy nhiên, nông dân cũng gặp bất lợi khi giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất đang tăng.

Giá tăng mạnh

Giá nhiều loại phân bón trên thị trường hiện tăng ít nhất từ 30.000-100.000 đồng/bao 50kg so với cách nay hơn 1 tháng.

Nông dân chọn mua phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Huyên-Thọ ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ. 

Trước đây, phân Urê Cà Mau (Đạm Cà Mau), Urê Phú Mỹ và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Nga giá chỉ 290.000-320.000 đồng/bao nhưng nay đã tăng lên 340.000- 375.000 đồng/bao, tùy loại. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá các loại phân bón NPK, DAP và kali hiện cũng tăng lên ở mức khá cao. Phân bón NPK 20-20-15 Cò Bay, NPK 20-20-15 Cò Pháp, NPK 20-20-15 Đầu Trâu giá khoảng 570.000- 590.000 đồng/bao; DAP (Trung Quốc, loại hạt xanh hồng hà) khoảng 600.000-610.000 đồng/bao; Kali (Canada, Nga) khoảng 420.000 đồng/bao… Giá phân bón tăng do giá phân bón trên thế giới tăng và chi phí đầu vào phục vụ sản xuất nhiều loại phân bón trong nước tăng. Gần đây, giá nhiều loại phân bón nhập khẩu tăng còn do ảnh hưởng của việc áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu, mức thuế tự vệ tạm thời được Bộ Công thương quyết định áp dụng từ ngày 19-8-2017 là 1.855.790 đồng/tấn.

Theo nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại TP Cần Thơ, hiện giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 5-10% so với trước và nhiều khả năng sẽ còn tăng. Nguyên nhân của tình trạng này do ảnh hưởng giá thuốc bảo vệ thực vật trên thế giới tăng, nhất là các loại hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiều cửa hàng bán lẻ vật tư nông nghiệp đã và đang tăng cường thêm nguồn vốn, chủ động nguồn hàng với mức giá cạnh tranh nhất để phục vụ nông dân khi bước vào cao điểm vụ sản xuất lúa đông xuân. Bà Lê Kim Huyên, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Huyên-Thọ ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Giá phân bón và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật tăng cao và có khả năng còn tăng chắc chắn sẽ gây nhiều bất lợi cho nông dân trong vụ sản xuất lúa đông xuân 2017-2018. Dù đã và đang chủ động nguồn hàng với mức giá thấp nhằm phục vụ bà con, nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng phải cân nhắc chuẩn bị lượng hàng vừa phải theo nhu cầu để tránh rủi ro khi giá bất ngờ giảm lại”. Theo ông Huỳnh Ngọc Anh, chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc ở quận Cái Răng, nhu cầu mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường mới chủ yếu tập trung vào các nhà bán lẻ. Sức mua của nông dân chưa nhiều do mới bắt đầu bước vào vụ sản xuất đông xuân 2017-2018. Tới đây, chắc chắn sức mua của người dân sẽ tăng, nhưng thị trường phân bón đang có sự cạnh tranh của nhiều người bán và nhiều chủng loại phân bón khác nhau. Do vậy, nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng không dám chuẩn bị hàng nhiều mà chọn giải pháp “mua tới đâu, bán tới đó”.

Cần có giải pháp ổn định thị trường

Anh Bùi Thanh Bình, ấp Đông Hòa, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, có 15 công ruộng, dự kiến mùng 10 tháng 10 âm lịch xuống giống vụ đông xuân 2017-2018. Anh Bình cho biết: “Các năm trước, tới đợt bón phân cho lúa tôi mới mua phân bón. Nhưng năm nay nghe nói giá phân bón có khả năng tăng khi vào vụ sản xuât nên tôi đã chủ động mua khoảng 17 bao phân bón các loại cho cả vụ sản xuất. Lúc tôi mua, giá Urê chỉ ở mức 300.000 đồng/bao nhưng nay đã tăng lên ở mức 350.000 đồng/bao”. Theo ông Lê Văn Bé ngụ ấp Thới Hiệp, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, năm nay, nông dân khá vui khi lúa đang có giá và nước lũ về nhiều, đồng ruộng được bồi bổ phù sa, tạo thuận lợi cho sản xuất lúa vụ đông xuân. Tuy nhiên, chưa bước vào vụ sản xuất, nông dân đã đối mặt với khó khăn bởi nhiều chi phí sản xuất đầu vào tăng giá, như: lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực…“Gia đình tôi có 22 công ruộng, dù đã đặt hàng mua 25 bao phân bón tránh tình trạng giá tăng cao vào chính vụ. Nhưng, không ngờ giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng. Tôi rất lo cho vụ sản xuất tới đây các chi phí tăng cao, nông dân khó kiếm lời” - ông Lê Văn Bé nói.

Nhiều chuyên gia dự báo, tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất và làm tăng các chi phí. Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi phí sản xuất. Phần đông nông dân không có sẵn tiền mặt để mua trước phân bón, thường chờ tới vụ mới mua và mua nợ đến cuối vụ mới trả. ..Nông dân thường chịu thiệt khi giá phân bón tăng cao ngay thời điểm cần cho nhu cầu sản xuất. Đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật, nông dân càng không có điều kiện mua trước. Bởi lẽ, các loại này thường phát sinh theo nhu cầu phòng trừ sâu bệnh của từng mùa vụ sản xuất cụ thể… Nông dân rất mong các cơ quan chức năng quan tâm có giải pháp ổn định giá cả và chất lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, nhất là khi bước vào các vụ sản xuất.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG  

Chia sẻ bài viết