08/07/2018 - 16:35

Lò sản xuất kẹo dừa của anh thương binh năng động 

Hoàn thành nhiệm vụ từ chiến trường nước bạn trở về, dù thân thể không được trọn vẹn nhưng anh thương binh 2/4 Nguyễn Văn Quan, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Anh Quan (đứng) hướng dẫn công nhân làm việc. Ảnh: MINH TOÀN
Anh Quan (đứng) hướng dẫn công nhân làm việc. Ảnh: MINH TOÀN

Thiếu đi một cánh tay, ngày xuất ngũ trở về địa phương, khó khăn trăm bề, không đủ sức khỏe để làm kinh tế nhưng anh Quan không cho phép mình đầu hàng số phận. Bởi anh nghĩ: “Mình còn may mắn hơn đồng đội, còn được trở về sum họp với gia đình, vì vậy, mình phải phấn đấu, phải sống, cống hiến, xứng đáng với sự hy sinh của những anh em đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc”.

Năm 2000, cù lao Thới Sơn bắt đầu phát triển ngành du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch gần xa đến tham quan, vui chơi, thưởng ngoạn sông nước miệt vườn. Thấy khách đến ngày càng đông, sức khỏe không cho phép làm việc nặng, anh Quan cùng với gia đình quyết định xây dựng lò sản xuất kẹo dừa gắn với việc cho khách tham quan du lịch. Nhờ sự cần mẫn, siêng năng, đến nay lò sản xuất, chế biến kẹo dừa phục vụ nhu cầu khách tham quan, mua bán mang thương hiệu “Quan Cụt” được hầu hết các đoàn du lịch chọn ghé tham quan, mua sản phẩm mỗi khi đến với cù lao Thới Sơn.

Anh Quan chia sẻ, nếu ở ngoài thị trường thông thường khách chỉ mua được kẹo dừa thành phẩm, ít khi được tham quan quy trình sản xuất, chính vì thế, anh chọn làm mô hình này để khách du lịch đến đây được trải nghiệm, được xem các quy trình sản xuất, có khi tự tay gói kẹo, tạo sự thích thú khi đến đây du lịch, đây cũng là cách để níu kéo khách du lịch quay trở lại Thới Sơn khi đã đến đây được một lần. Chị Phan Thanh Thủy, khách du lịch đến tham quan lò sản xuất kẹo dừa “Quan Cụt”, chia sẻ: “Đến đây tham quan thích lắm, chúng tôi được tự tay gói kẹo, được ăn thử kẹo, rất ngon, rất thú vị, vừa vui chơi, vừa tham quan quy trình sản xuất, mua kẹo cũng an tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu có cơ hội gia đình tôi sẽ đến với Thới Sơn và ghé qua các lò kẹo dừa như thế này để tham quan”.

Ngoài việc mở lò kẹo dừa để phục vụ nhu cầu khách du lịch, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình thì lò kẹo của anh Quan còn giải quyết việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương làm việc ở các công đoạn chế biến kẹo dừa với mức thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thúy Quyên, nhân công tại lò kẹo dừa cho biết: “Công việc ở đây khá nhẹ nhàng, vừa sức, khách ra vào tấp nập, vừa làm vừa giao lưu với khách, hướng dẫn khách gói kẹo dừa rất vui, đặc biệt là khách nước ngoài họ rất thích các loại hình du lịch sinh thái như thế này. Tôi thấy có nhiều khách đã đến với lò kẹo này rất nhiều lần khi có dịp đến với cù lao Thới Sơn”.

Anh Quan còn nhiệt tình giúp đỡ bàn con nhân dân dân, hội viên cựu chiến binh (CCB) có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau để cùng vượt khó vươn lên; anh gương mẫu, tích cực đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Nhận xét về anh thương binh Nguyễn Văn Quan, ông Phan Đình Tâm, Chủ tịch Hội CCB xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, cho biết: “Dù là một thương binh mất đi một cánh tay nhưng anh Quan luôn luôn cố gắng và làm được những việc như một người bình thường. Ngoài thành công với việc làm du lịch sinh thái, anh còn thành công với mô hình trồng bưởi da xanh trên vùng đất Thới Sơn này. Hiện tại anh là Phó giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thới Sơn, giúp đỡ cũng như gắn kết thành viên trên vùng đất cù lao này cùng làm kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân cũng như hội viên CCB”.

Có thể thấy, niềm tin ở người thương binh Nguyễn Văn Quan luôn bừng sáng. Anh Quan bộc bạch: “Thời chiến thì mình chiến đấu chống giặc ngoại xâm, thời bình thì mình chiến đấu chống giặc đói nghèo, cùng đồng đội, bà con nhân dân vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Trong tương lai, gia đình tôi sẽ mở rộng lò kẹo dừa để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, đưa khách du lịch đến Thới Sơn ngày càng nhiều, quảng bá du lịch sông nước miệt vườn đến với du khách gần xa, quan trọng hơn là giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của bà con, cùng địa phương thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay”.

MINH TOÀN

Chia sẻ bài viết