17/01/2018 - 20:38

Lo phòng dịch bệnh từ đầu năm 

“Huy động mọi kênh đưa thông tin đến người dân, giám sát chặt ca bệnh ở cộng đồng, cơ sở y tế, xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan... đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát”- bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, đánh giá kết quả phòng, chống dịch bệnh năm qua.

Đưa thông tin dịch bệnh đến mọi người dân

Vừa qua, Đoàn Kiểm tra liên ngành công tác y tế trường học đến kiểm tra ngẫu nhiên một số trường mầm non, tiểu học về công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi phỏng vấn ngẫu nhiên kiến thức, học sinh và giáo viên đều có kiến thức về phòng, chống dịch bệnh. Kết quả đó là nhờ y tế dự phòng các cấp phối hợp Ban Tuyên giáo, ngành giáo dục đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh đến cán bộ quản lý và giáo viên thông qua các lớp chính trị hè. Các cán bộ y tế còn đến tận nơi tuyên truyền cho học sinh THCS, THPT trong giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể. Với học sinh mẫu giáo, tiểu học, giáo viên trực tiếp tuyên truyền cho các em. Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết: Sở dĩ tập trung ở trường học bởi qua thống kê có gần 83% ca mắc sốt xuất huyết (SXH) dưới 15 tuổi. Khi tác động đến nhận thức, hành vi phòng, chống dịch bệnh ở học sinh thì sẽ có sức lan tỏa đến người thân và thói quen này sẽ duy trì suốt đời.

Cán bộ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tuyên truyền phòng bệnh SXH tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Ninh Kiều).

Giờ ra về ở các trường học, thông tin phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe còn được phát loa để tuyên truyền đến phụ huynh học sinh. Đài Phát thanh- truyền hình phát spot thông điệp phòng, chống SXH, tọa đàm truyền hình... Ngoài ra, ngành y tế phối hợp các địa phương phát thanh, phát loa ở cộng đồng dân cư, treo băng rôn, phát tờ rơi... để đưa thông tin đến người dân.

Trong năm, thành  phố tổ chức 9 lần chiến dịch với các hoạt động trọng tâm: đến nhà dân tuyên truyền, kiểm tra dụng cụ chứa nước, dọn dẹp các khu vực ngập, nghẹt, xử lý các điểm nóng có nguy cơ bùng phát dịch... Sau các đợt chiến dịch, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố phối hợp với các quận, huyện kiểm tra tại cộng đồng, ngẫu nhiên trong hộ dân. Từ đó, phản hồi đến địa phương những mặt làm tốt, chưa tốt, nơi nào làm không đạt thì yêu cầu làm lại và tái kiểm tra. Hằng ngày, TTYTDP TP Cần Thơ thu thập thông tin về ca bệnh SXH đang điều trị tại các cơ sở y tế, phản hồi ngay cho y tế cơ sở để điều tra và xử lý ca bệnh theo quy định. Việc xử lý ổ dịch được giám sát 100%.

Trong năm 2017, TTYTDP TP Cần Thơ phối hợp Chi cục Thú y xử lý 5 ổ dịch cúm gia cầm. Đồng thời, giám sát, xử lý 20 ổ dịch bệnh tay chân miệng. Chính nhờ cách làm chủ động trên, năm 2017, thành phố ghi nhận 1.210 ca SXH, thấp thứ 17 trong 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam. 

Phát động toàn dân phòng, chống dịch chủ động

Sở Y tế vừa phát động toàn dân thực hiện chiến dịch phòng, chống dịch chủ động. Chiến dịch triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn thành phố từ 31- 1 đến hết 2- 2- 2018. Với các mục tiêu cụ thể, sau chiến dịch chỉ số Breteau (dụng cụ chứa nước có lăng quăng) đạt dưới hoặc bằng 10; giảm 10% số ca mắc SXH so với cùng kỳ năm 2017; phấn đấu không để xảy ra ca dịch tả, cúm A (H5N1, H7N9)....

Trong chiến dịch, các xã, phường, thị trấn, khu vực, ấp thành lập đoàn đến từng hộ dân tuyên truyền, kiểm tra dụng cụ chứa nước, vệ sinh môi trường xung quanh nhà... Tuyến quận, huyện treo biểu ngữ trên các tuyến giao thông có đông người qua lại trước chiến dịch 2 ngày. Đài truyền thanh huyện, xã tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch chủ động. Trưởng trạm y tế tham mưu cho Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân cùng cấp có kế hoạch giám sát, kiểm tra việc thực hiện trong cộng đồng và tại hộ gia đình xuyên suốt trong 3 ngày của chiến dịch. TTYTDP TP Cần Thơ phối hợp Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên tại cộng đồng và hộ gia đình.

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc TTYTDP TP Cần Thơ, cho biết: Trung tâm đã chỉ đạo các đơn vị dùng hóa chất diệt lăng quăng. Tuy nhiên, hóa chất này để bỏ các cống, rãnh, hố ga, hồ chứa nước sinh hoạt lớn... có lăng quăng mà không đổ bỏ được. Lưu ý chỉ sử dụng trong xử lý ổ dịch, ca bệnh để triệt để loại bỏ lăng quăng và không bỏ vào nước dùng để ăn, uống. Trong điều tra, xử lý ca bệnh, các trạm y tế lưu ý hỏi thêm các hộ dân xung quanh để phát hiện thêm ca bệnh, xử lý đúng quy định. Trong xử lý ca bệnh, thời gian qua thường chỉ làm ở hộ gia đình, cộng đồng, có khi bỏ sót ở trường học.

 

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc TTYTDP TP Cần Thơ, cho biết: Sở Y tế chọn 240 ấp, khu vực ở 30 xã, phường trọng điểm triển khai chiến dịch gồm: quận Ninh Kiều (An Bình, An Hòa, An Khánh, An Nghiệp, Cái Khế, Hưng Lợi, Xuân Khánh); quận Bình Thủy (An Thới, Bùi Hữu Nghĩa, Long Tuyền), quận Ô Môn (Thới An, Phước Thới, Châu Văn Liêm), quận Thốt Nốt (Tân Lộc, Thuận Hưng, Trung Kiên), quận Cái Răng (Hưng Thạnh, Lê Bình, Phú Thứ, Thường Thạnh), huyện Phong Điền (Mỹ Khánh, Nhơn Nghĩa, Tân Thới, thị trấn Phong Điền), huyện Thới Lai (Tân Thạnh, Thới Lai), huyện Cờ Đỏ (Trung An, Trung Hưng, Trung Thạnh), huyện Vĩnh Thạnh (Vĩnh Trinh). Với các đơn vị trọng điểm này, TTYTDP TP Cần Thơ chi hỗ trợ người vận động tại hộ gia đình với tổng kinh phí 72 triệu đồng. Sở Y tế đề nghị UBND các địa phương hỗ trợ thêm kinh phí để thực hiện tại các xã, phường, thị trấn còn lại.

Bài, ảnh: H.HOA 

Chia sẻ bài viết