10/10/2016 - 21:31

Lo giáo viên ngoại ngữ

Bước vào năm học mới khoảng một tháng nhưng nhiều học sinh, phụ huynh cùng tâm trạng lo lắng trước thay đổi trong thi và kiểm tra đánh giá học sinh. Nhất là thông tin từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng chương trình thí điểm giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung Quốc từ lớp 3 tới lớp 12 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Anh Nguyễn Kiên (phường An Bình, quận Ninh Kiều ) có con gái đang học một trường tiểu học quận Ninh Kiều, băn khoăn: "Mới vào học tiểu học, trẻ vừa quen với tiếng mẹ đẻ, rồi tập tành làm quen tiếng Anh, nay đưa thêm các ngoại ngữ khác vào chương trình, liệu có khả thi". Còn chị Ngọc Uyên (phường An Khánh, quận Ninh Kiều), càng lo lắng hơn vì năm học 2017-2018 (sẽ triển khai thí điểm chương trình mới này - PV), 2 con gái của chị sẽ vào lớp 1 và lớp 4. Theo chị Ngọc Uyên, chương trình tiểu học hiện nay còn khá nặng, nay học thêm các ngoại ngữ khác, ít nhiều gây thêm áp lực cho trẻ. Trong khi đó, việc dạy và học tiếng Anh hiện nay là phù hợp với năng lực học sinh tiểu học.

Một tiết học ngoại ngữ của học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền.

Để "trấn an" dư luận xã hội, ngày 22-9-2016 vừa qua, Bộ GD&ĐT có văn bản thông báo đến các đơn vị và đăng tải trên website của Bộ GD&ĐT về kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hệ 10 năm của ngoại ngữ thứ nhất. Trong đó nêu rõ: "Ngoại ngữ thứ nhất" là ngoại ngữ bắt buộc. Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006, học sinh được lựa chọn một trong 4 ngoại ngữ: Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất. Năm 2011, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18-5-2011 về việc tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học. "Ngoại ngữ thứ hai" là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Tùy nhu cầu người học, các trường phổ thông có thể bố trí giảng dạy. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong 5 ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai… Điều này đồng nghĩa với việc, học sinh học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, có thể chọn hoặc không chọn học ngoại ngữ khác.

Giai đoạn hội nhập quốc tế, bên cạnh tiếng mẹ đẻ, cần khuyến khích mọi người biết thêm nhiều ngoại ngữ, để có đủ năng lực, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc hiệu quả hơn trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa... Thế nhưng, nhiều cán bộ, giáo viên các trường lo lắng về đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ. Bởi thực tế nhiều năm triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020, một số địa phương còn tình trạng giáo viên tiếng Anh chưa đạt yêu cầu về số lượng lẫn chất lượng. Đó là chưa kể tình trạng lãng phí giáo dục, bởi trước đây có giai đoạn tiếng Nga, tiếng Pháp phát triển cực thịnh trong các trường phổ thông, đại học. Tuy nhiên, sau đó "im ắng" bởi thông dụng nhất vẫn là tiếng Anh. Nhiều giáo viên tiếng Nga phải đi học bồi dưỡng để chuyển sang dạy tiếng Anh hoặc một số giáo viên tiếng Pháp phải học thêm tiếng Anh… Cán bộ, giáo viên các trường cho rằng, mọi thay đổi cần có lộ trình phù hợp. Trường lớp, trang thiết bị dạy và học có thể đầu tư, mua sắm ngay nhưng đào tạo nguồn giáo viên đảm bảo yêu cầu dạy ngoại ngữ không phải một sớm một chiều.

Cô Vương Trúc Ty, Tổ trưởng Tổ bộ môn Ngoại ngữ, Trường THPT Châu Văn Liêm, cho rằng: Sự thay đổi trong dạy và học cần có lộ trình phù hợp hơn để tránh học sinh hoang mang, phụ huynh lo lắng. Còn theo Tiến sĩ Võ Văn Chương, Trưởng Bộ môn Phương pháp dạy học Tiếng Pháp, Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Cần Thơ, dự kiến năm 2018, khoa thành lập bộ môn tiếng Hàn Quốc và quá trình chuẩn bị nguồn lực cán bộ, giảng viên khá lâu. Để việc triển khai dạy và học tiếng Nga và tiếng Trung Quốc bậc tiểu học đạt hiệu quả cũng cần quá trình chuẩn bị chu đáo đội ngũ giáo viên.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết